Bỏ tiền túi mở lớp học cho trẻ nghèo

Theo Dân trí-Thứ năm, ngày 04/06/2015 07:28 GMT+7

Ông Đoàn Minh Hùng đã bỏ biết bao mồ hôi, công sức để duy trì lớp học cho những đứa trẻ thiệt thòi trong suốt 6 năm qua.

VTV.vn - Tự nhận mình không đủ chuyên môn để dạy trẻ nhưng ông Đoàn Minh Hùng vẫn được hàng trăm đứa trẻ gọi là thầy.

Cứ đến gần 17h hàng ngày là khoảnh sân trước nhà và khuôn viên quán cơm chay của gia đình ông Hùng (166 đường Phan Anh, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM) đầy chật những đứa trẻ chơi đùa chờ đến giờ học.

Lớp học tình thương của thầy Hùng bắt đầu từ 18h với học sinh là những em nhỏ thiệt thòi có hoàn cảnh gia đình khó khăn, có em mồ côi cha mẹ nên ít được chăm lo học tập, có em ban ngày phải đi bán vé số, đi lượm ve chai nhưng vẫn khát khao muốn biết được con chữ… Sĩ số lớp đăng ký đầu năm đến 130 em nhưng đi học thực tế không ngày nào đủ, nhiều em vì cuộc sống mưu sinh nên phải phụ ba mẹ bán thêm vé số buổi tối đành phải nghỉ học…

Căn nhà thuê khá nhỏ đồng thời là quán cơm chay của gia đình ông Hùng được ngăn ra thành nhiều lớp học nhỏ bằng những tấm bảng di động vì số lượng học sinh quá đông và nhiều lứa tuổi. Mỗi lớp đều có 1 giáo viên là các sinh viên tình nguyện đứng lớp. Còn ông Hùng chỉ nhận nhiệm vụ làm giáo viên trật tự. Trong giờ học, ông đi vòng quanh lớp để nhắc nhở những em nói chuyện hay quấy rối, khuyên nhủ các em cố gắng học tập.

Theo thầy Hùng, ban đầu thấy 2 đứa trẻ trong dãy trọ phải theo cha mẹ đi bán vé số, không được học hành gì nên thầy nhận dạy kèm cho 2 đứa trẻ biết con chữ. Ai ngờ tiếng lành đồn xa, những đứa trẻ đến xin học ngày càng đông dần. Đến nay, lớp học tình thương của thầy Hùng đã duy trì được 6 năm và số trẻ đến học đã lên đến hàng trăm em. Trước đây lớp học được tổ chức ở nhà trọ của thầy Hùng (quận Bình Tân), sau này do quy mô học sinh quá lớn, ông phải lấy mặt bằng quán cơm chay của gia đình trên đường Phan Anh (quận Tân Phú) để mở lớp.

Khi lớp có nhiều học sinh, nhận thấy vốn kiến thức mình có khác xa thời bây giờ và sức khỏe kém nên thầy quyết định không đứng lớp vì sợ lỡ việc học của các em. Do đó, thầy Hùng bỏ công đi tìm những người có tâm huyết đến đứng lớp giúp mình. Rất may là khi thầy đề xuất ý tưởng, có rất nhiều sinh viên các trường đại học tình nguyện đến giúp thầy nên lớp học duy trì được đến nay và ngày càng mở rộng số lượng học sinh.

Bạn Tiêu Ngọc Hân, một giáo viên tình nguyện đã gắn bó với lớp học tình thương của thầy Hùng gần 1 năm nay chia sẻ: “Em là sinh viên sư phạm, khi biết đến lớp học này của thầy Hùng, em đã tình nguyện đến dạy, không chỉ là giúp các em mà còn là học hỏi thêm kinh nghiệm dạy học. Các em học sinh ở đây học hăng say và ngoan nên em cũng rất thích!”.

Ở lớp học tình thương này, thầy Hùng không chỉ tổ chức lớp, mời thầy cô đến dạy con chữ mà còn lo cho các em một bữa ăn chiều trước khi vào giờ học. Mỗi tháng, thầy Hùng còn tự bỏ tiền ra để tổ chức sinh nhật tập thể cho các em có ngày sinh trong tháng. Dù buổi tiệc chỉ có cái bánh và mấy phần kẹo nhưng đó là một niềm vui bất ngờ dành cho những đứa trẻ vốn đã phải bán sức lao động từ tấm bé.

Em Ngô Thái Trà My đang theo học chương trình lớp 5 tại lớp học của thầy Hùng cho biết: “Em đã học ở đây được mấy năm rồi, thầy cô giáo trong này dạy rất vui và nhiệt tình. Với lại, lớp học có tổ chức nhiều hoạt động vui chơi nên em rất thích”.

Ông Bùi Minh Hùng, cán bộ phụ trách công tác khuyến học phường Tân Thới Hòa cho biết: “Là người làm khuyến học ở địa phương và cũng là hàng xóm với ông Hùng, tôi nhận thấy việc làm của ông Hùng rất tốt và ý nghĩa. Các em học ở đây đa phần đều theo chân cha mẹ từ các tỉnh về thành phố kiếm sống và không có điều kiện đến trường. Nhiều em học ở trường rồi nhưng phụ huynh vẫn gửi ở đây để các em có điều kiện ôn tập kiến thức trên trường, những em nào chưa biết chữ thì được hướng dẫn học tập cách tốt nhất”.

Còn thầy Hùng, người đã bỏ biết bao mồ hôi, tâm huyết duy trì lớp học suốt 6 năm qua cười chia sẻ một cách giản dị: “Tôi rất thương trẻ con, cho dù chúng không phải là máu mủ ruột thịt của mình nhưng tôi vẫn muốn giúp thêm cho các em chút con chữ để cũng cố hành trang vững bước vào đời. Khi dạy con chữ cho các em, mong ước lớn nhất của tôi là sau này dù chúng không thành công cũng có thể thành người. Tôi làm công việc này như mình đang thiếu nợ cuộc đời, giờ đây phải trả, đó là món nợ tình người!”.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam  TV Online.

 

Từ khóa:

quán cơm chay

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước