Gia đình khốn khổ
Nam thanh niên đang đối mặt với nguy cơ phải đoạn bỏ cẳng chân phải là Nguyễn Minh Vương (20 tuổi, ngụ tại Đăk Lăk). Trước khi rơi vào nỗi đau trên, cuộc đời em là chuỗi ngày bất hạnh, luôn quay cuồng trong cảnh nghèo đói và bệnh tật của những người thân trong gia đình.
Ngồi bên giường bệnh của con, ông Nguyễn Văn Thuật (63 tuổi) ngậm ngùi tâm sự: “Vợ chồng tôi sinh được 5 đứa con. Trước đây, chúng tôi sống ở Thăng Bình, Quảng Nam, miếng ăn của gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng cằn cỗi, nhưng mùa màng thường xuyên thất bát vì thiên tai. Với hy vọng thoát khỏi cảnh khổ, năm 1993, tôi quyết định đưa vợ con vào Đăk Lăk đi theo diện xây dựng vùng kinh tế mới".
Nhưng thực tế cuộc sống không chiều lòng người, giữa rừng thiêng nước độc, bi kịch bắt đầu giáng xuống vùi dập gia đình ông Thuật. Ngoài người con đầu lòng bị câm điếc bẩm sinh, vừa chân ướt chân ráo đến vùng đất mới, đến lượt người con thứ 4 mắc bệnh động kinh. Phải lao lực khai hoang vỡ đất và nuôi đàn con thơ nheo nhóc trong cảnh ăn bữa trước lo bữa sau, 18 năm trước, bà Trần Thị Ly (57 tuổi) rơi vào trạng thái trầm cảm rồi phát bệnh tâm thần.
“Mỗi lúc lên cơn điên, vợ tôi không gào khóc thì cũng lăm lăm con dao trong tay dọa giết mọi người. Tôi đã đưa đi chạy chữa khắp nơi, giờ ngày nào bà ấy cũng uống thuốc an thần. Bệnh đã lắng xuống nhưng vợ tôi chỉ còn đó như cái xác không hồn, đến bữa ăn cũng không tự lo được. Thằng con đầu bị câm điếc, mình nói nó còn chẳng hiểu, làm sao đỡ đần công việc. Thằng thứ 4 bị động kinh, cũng ngây dại như mẹ… khổ lắm nhưng biết làm sao được", ông Thuật nghẹn ngào.
Vợ chồng ông Thuật có hai người con gái, khi đến tuổi cập kê đã lần lượt theo chồng. Để cậu con trai út không lâm vào cảnh thất học như anh chị, người cha đã nhịn ăn, nhịn mặc hết công việc nương rẫy lại đến làm thuê làm mướn kiếm tiền nuôi cả gia đình và cho con đến trường.
Nhưng một mình ông không thể vác nạng chống trời, khi Minh Vương bước vào lớp 11, ông không thể xoay xở được tiền trường cho con. “Em rất muốn được học hết cấp 3 rồi đi học nghề để mai này có công ăn việc làm ổn định. Nhưng phần vì thương cha một mình cha cực khổ, làm việc không ngơi tay, phần vì không có tiền để học tiếp nên 4 năm trước, em buộc lòng phải bỏ giữa chừng".
“Nó mà cụt chân thì gia đình cũng lâm nguy”
Sau khi Vương phải thôi học, ngoài công việc trên 5 sào nương rẫy của gia đình, hai cha con họ không ngần ngại bất kỳ công việc gì khi có người thuê mướn. Sau nhiều năm thuộc diện nghèo khốn của địa phương, gần 2 năm nay họ đã thoát nghèo, cuộc sống cũng bớt phần cơ cực. Để có thu nhập ổn định hơn ngoài những công việc theo mùa lúa, mùa cà phê, tháng 8/2015 Minh Vương xin đi làm phụ hồ. Nhưng tai họa đã ập đến, đẩy tương lai của chàng trai trẻ và cả gia đình quay lại ngõ cụt.
Ngồi trên giường bệnh, cố nén cơn đau đang hành hạ thân xác, Minh Vương nhớ lại: “Hôm đó là chiều 25/8, sau khi hết giờ làm, em chạy xe về nhà chủ thầu công trình để xin ứng tiền đổ xăng. Khi chỉ còn cách nhà vài trăm mét, bất ngờ chiếc xe công nông chạy phía trước bị rớt bánh ra ngoài lao thẳng về phía em. Tình huống quá nhanh em không thể tránh được nên đã bị đầu công nông đè lên người, bất tỉnh".
Sau khi được giải cứu khỏi gầm xe công nông, Vương đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng chân phải bị gãy, dập nát, một khúc xương khoảng 10cm văng ra đường được người dân bỏ vào thùng đá đưa đến bệnh viện. Sau khi được bệnh viện Đa khoa tỉnh Đăk Lăk sơ cứu em tiếp tục phải chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy.
BS Đỗ Thành Trung, khoa Chấn thương Chỉnh hình cho hay: “Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng, gãy xương đùi, gãy xương cẳng chân, với một đoạn xương chày bị văng ra ngoài. Tuy nhiên, do quảng đường di chuyển quá xa, phần xương chày dù được ướp đá nhưng đã quá thời gian chỉ định ghép. Chúng tôi đã cố định xương đùi bị gãy bằng nẹp vít đồng thời cố định xương chày bằng khung ngoài".
Minh Quân không có bảo hiểm y tế nên khi xảy ra tai nạn, toàn bộ viện phí gia đình phải chi trả. Người gây tai nạn cũng nghèo nên chỉ bồi thường được 5 triệu đồng. Để cứu con, ông Thuật đã phải nhờ người thân mượn khắp nơi với số tiền lên tới hơn 50 triệu đồng. Tuy nhiên, khoản vay nợ trên chỉ mới đáp ứng được một phần chi phí phẫu thuật và nằm viện. Khi chuyển sang Bệnh viện 7A để tiếp tục điều trị, gia đình lâm vào cảnh khánh kiệt nên ông Thuật đành đưa con về.
Sau 2 tuần rời bệnh viện, toàn bộ chân phải của Vương đã bị sưng phù, tím tái, đau nhức dữ dội, toàn thân sốt cao. Trước tình trạng nguy khốn của con, ông Thuật đã phải cầm cố nhà cửa vay được hơn 20 triệu đồng hỏa tốc chuyển Vương trở lại bệnh viện Chợ Rẫy. Được bác sĩ tận tình cứu chữa, Vương mới vượt qua được cơn nguy nan của tình trạng nhiễm trùng.
Với chấn thương mất một đoạn xương chày, bác sĩ khuyến cáo gia đình nên thực hiện phương pháp ghép xương để tránh nguy cơ phải đoạn chi. Tuy nhiên giải pháp này tốn tới hơn 50 triệu đồng, trong cảnh nợ nần chồng chất, số tiền mới cầm cố nhà đất vay mượn được cũng đã cạn, ông Thuận đau đớn nghĩ đến cảnh lại phải đưa con về nhà. “Lần này mà về nữa chắc thằng bé sẽ bị cắt cụt mất chân, nhưng không về sẽ lấy tiền đâu mà nằm lại bệnh viện".
Trước cảnh nguy khốn trên, ông Nguyễn Hồng Chương, Trưởng thôn 2, xã Hòa Xuân, thành phố Buôn Ma Thuật, tỉnh Đăk Lăk cho hay: “Gia đình họ vừa thoát nghèo lại lâm nạn. Ông Thuật tuổi đã cao, sức cũng yếu song trong nhà có tới 3 người không có khả năng lao động. Cuộc sống của họ chỉ trông chờ vào đứa con trai út nhưng giờ cháu gặp nạn vô cùng khó khăn. Thằng Vương mà bị cắt cụt chân cả nhà họ cũng lâm nguy".
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.