"Trụ cột" gia đình nguy cơ thành phế nhân
Người đàn ông nằm co quắp trên giường bệnh khoa Bỏng và Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM với những vết thương còn rỉ máu rải rác khắp cơ thể. Đôi bàn tay anh sưng nề, các ngón dần mất cảm giác, những hơi thở cũng trở nên khó nhọc. Anh là Lê Hoàng Dưỡng (34 tuổi, quê Hậu Giang) nạn nhân bị bỏng điện ở công trình xây dựng nhà ở dân sinh trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc tỉnh Kiên Giang.
Tai nạn bỏng điện khiến anh Dưỡng rơi vào nguy nan
Cố nén cơn đau đang hành hạ thân xác, anh Dưỡng bàng hoàng nhớ lại: "Hôm đó, em vừa bắt đầu ca làm buổi sáng, khi kéo cây sắt đan cốt để đổ bê tông sàn tầng 2 của căn nhà thì bị đường dây điện trung thế ở trước nhà phóng xuống. Em chỉ nghe tiếng "roẹt" sau đó toàn thân tê cứng, không còn biết gì. Em tỉnh lại sau khi rơi từ lầu 2 xuống lầu 1, quần áo trên người đã cháy hết".
Sau khi được đưa tới bệnh viện địa phương sơ cứu, anh Dưỡng phải chuyển lên Chợ Rẫy. BS Nguyễn Trọng Luyện, khoa Bỏng và Phẫu thuật Tạo hình cho hay: "Bệnh nhân bị bỏng tia lửa điện rất nặng, diện tích bỏng chiếm 31% toàn thân, vùng bỏng nặng tập trung ở tứ chi. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn bị gãy 4 xương sườn bên trái, dập phổi".
Chị Loan phải gửi đứa con nhỏ mới chào đời cho người thân đi nuôi chồng trên giường bệnh
Các bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa, điều trị tích cực chống sốc bỏng, chống nhiễm trùng, chống suy thận, cắt lọc hoại tử, ghép da… Tuy nhiên, tia lửa điện đã khiến 2 cổ tay của bệnh nhân bị bỏng sâu, hoại tử. "Chúng tôi đang cố gắng điều trị bảo tồn với hy vọng giữ lại đôi tay cho người bệnh nhưng tiên lượng khá dè dặt. Nếu tránh được đoạn chi, chức năng cầm nắm, vận động của đôi tay cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng" - BS Luyện chia sẻ.
Phải nghỉ học vì nhà nghèo, bé Thúy Hằng lại thêm sốc khi tai nạn ập đến với cha
"Đau đớn hành hạ, có những lúc em muốn buông xuôi theo số phận. Nhưng khi chập chờn mê sảng, hỉnh ảnh những đứa con thơ mỗi chiều ngồi trước cửa chờ cha đi làm về lại hiện ra, em tự động viên mình phải cố gắng sống để về với các con. Nhưng đường về nhà của em còn quá xa, làm sao em kiếm tiền nuôi con khi đôi tay không còn nữa" – anh Dưỡng nghẹn ngào, 2 hàng nước mắt lăn dài.
Những đứa trẻ đói khát mong tin cha
Cuộc sống khó khăn, gia đình không ruộng đất canh tác nên anh Dưỡng phải bỏ xứ, theo người thân ra huyện đạo Phú Quốc làm thợ hồ mưu sinh. Tại đây, anh gặp rồi mang lòng yêu thương người "đồng nghiệp" cùng cảnh ngộ là chị Trương Thị Thúy Loan (36 tuổi, quê Bạc Liêu). Họ đã nên duyên vợ chồng sau mâm cơm đạm bạc mời người thân. Sau 15 năm chung sống, họ đã có với nhau 5 mặt con, bé lớn nhất 14 tuổi, bé út mới được 2 tháng tuổi.
Xác nhận của chính quyền địa phương về hoàn cảnh khó khăn của gia đình người bệnh
Sau nhiều lần sinh nở, chị Loan xuống sức không còn làm được việc nặng. Vợ phải ở nhà chăm sóc các con, lo việc nội trợ nên anh Dưỡng trở thành lao động chính. Người cha phải vắt kiệt sức làm nhiều việc để có đủ bữa cho 7 miệng ăn, nhưng nỗ lực của mình anh cũng chưa thể mang lại cuộc sống no đủ cho vợ con.
Anh Dưỡng tâm sự: "Em làm thợ hồ từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều rồi về nhà ăn vội chén cơm sau đó tiếp tục đi chạy xe ôm đến 12 giờ khuya. Những ngày may mắn, thời tiết thuận lợi em kiếm được vài trăm nghìn, nhưng ngày mưa gió thì chẳng có đồng nào. Con đông lại phải ở trọ nên cuộc sống rất khó khăn, vợ chồng em thường phải vay mượn để các con không bị hụt bữa".
Đứa con thơ mới 2 tháng tuổi đã phải sống trong cảnh khát sữa vì cha gặp nạn
Gần 1 tháng trước, anh Dưỡng vừa đi làm thì tin chồng gặp nạn như sét đánh ngang tai chị Loan. Gửi đứa con gái mới được hơn 1 tháng tuổi cho người thân, chị vội chạy đến bệnh viện trong cảnh chẳng có đồng nào dính túi. "Nhìn cơ thể anh bị cháy đen, máu trào ra mũi miệng, em đã nghĩ đến điều tồi tệ nhất. Những lúc anh ở nhà các con đều bám theo cha như hình với bóng, từ khi anh gặp nạn, lũ trẻ ngày nào cũng khóc đòi cha" - chị Loan nghẹn ngào.
Gia đình không có tài sản nào đáng giá ngoài chiếc xe gắn máy cũ anh Dưỡng đi làm và chạy xe ôm. Không có bảo hiểm y tế, gia đình nội ngoại đều nghèo nên chẳng ai giúp được gì, để điều trị cho chồng, chị Loan phải nhờ người vay nóng hơn 30 triệu đồng. Nhưng khoản tiền trên chẳng thấm vào đâu so với chi phí điều trị của anh Dưỡng, hiện nợ viện phí đã lên tới hàng chục triệu nhưng gia đình không thể chi trả.
Gia đình anh Dưỡng đang rất cần sự giúp đỡ để vượt qua hoạn nạn
Từ ngày chồng gặp nạn, chị Loan và đứa con gái Trương Thúy Hằng (12 tuổi) phải đi theo chăm sóc, mẹ con họ đang bấu víu vào những suất cơm từ thiện sống qua ngày. Cậu anh cả là Trương Nhật Linh (14 tuổi) đã phải gánh vác việc chăm sóc 3 đứa em trong đó có bé gái mới hơn 2 tháng tuổi. Cảnh khốn khó không chỉ khiến anh Dưỡng đối mặt với nguy cơ vĩnh viễn mất đôi tay mà còn đẩy các con anh vào cảnh đói cơm, khát sữa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!