Chị Hằng trượt chân ngã từ tầng cao xuống thấp trong lúc phụ hồ khiến gãy nhiều đốt sống lưng, đứt gân.
Tôi tìm về căn nhà của chị Lê Thị Hằng (SN 1971, thôn An Lạc, xã Hoằng Hải, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) - người phụ nữ bất hạnh vừa bị tai nạn lao động ngã giàn giáo trong lúc phụ hồ.
Lặng lẽ lấy đồ nghề cào ngao, bà Dốn lại chuẩn bị cùng đứa cháu gái ra biển để mưu sinh. 74 tuổi, bà chẳng biết làm gì khi con gái bị tai nạn "thập tử nhất sinh". Mỗi ngày bà ra biển cào mớ dắt về bán để kiếm vài chục nghìn mua gạo cho cháu.
Gạt nước mắt, bà Dốn kể cuộc đời bất hạnh của con gái mình. Ở cái tuổi "gần đất xa trời", chẳng thể lên viện chăm con, chẳng thế làm gì ra tiền cứu con, nỗi giằng xé, xót xa của người mẹ này chỉ biết gửi hết vào biển cả ngoài kia.
Chồng chị Hằng mất sớm vì bệnh ung thư tủy, bỏ chị lại một mình với một đàn con đang tuổi ăn học. Chẳng những thế, trước khi mất anh bị bệnh hiểm nghèo, phải cưa 1 chân, rồi lay lắt với bệnh tật mãi mới qua đời khiến gia đình lâm cảnh nợ nần chồng chất vì tiền chạy chữa cho anh.
Một năm sau ngày chồng mất, chưa thể nguôi ngoai nỗi đau thì đứa con trai đầu của chị trong lúc đi làm thuê bị tai nạn lao động rồi liệt hẳn một chân, không còn khả năng lao động nữa.
Năm ngoái, con gái lấy chồng chưa được bao lâu thì chồng cũng bị bệnh mà qua đời, chẳng còn biết nương tựa vào ai, lại trở về với mẹ. Mẹ già, con đứa thì đang đi học, đứa thì tật nguyền, tất cả đè lên đôi vai người phụ nữ này nên chị phải lăn lộn làm thuê, làm mướn kiếm tiền nuôi sống cả gia đình.
Bao năm qua, chị cứ theo nhóm thợ xây đi hết công trình nọ đến công trình kia, "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", làm công việc nặng nhọc đáng ra là của đàn ông mà nợ vẫn chưa xong, cái nghèo cũng mãi chẳng buông tha.
Bất hạnh vẫn chưa dừng lại đối với người phụ nữ khốn khổ này. Trong lúc phụ hồ trên tầng 3 của tòa nhà, không may chị trượt chân ngã xuống đất khiến 5 đốt sống lưng bị gãy, đứt gân tay, toàn bộ cơ thể bầm dập. Căn nhà - tài sản duy nhất của mấy mẹ con bà cháu phải mang cầm cố mới có tiền cứu chị qua cơn nguy kịch.
Những món nợ từ việc chạy chữa cho chồng, cho con trai giờ đến chị càng ngày càng chất chồng, hành trình chữa bệnh cho chị cũng không biết đến bao giờ nhưng cái gia đình khốn khổ này chẳng biết xoay xở ra sao. Bất lực, nhiều lần chị bắt con gái đưa mình về nhà. Không đành lòng đưa mẹ về nhà nhưng cũng chẳng biết phải làm sao để có tiền chữa trị cho mẹ.
"Hôm gặp tai nạn, họ đưa nó vào Bệnh viện Việt Đức, sau khi qua cơn nguy kịch hai mẹ con nó xin được về Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa để cho bớt chi phí. Họ bảo về đó nằm vài tháng rồi phải ra để kiểm tra lại. Biết nhà không có tiền, nó cứ đòi bỏ viện về nhà nhưng về rồi thì phải làm sao đây, phải nằm liệt cho đến hết đời hay sao…
Căn nhà thì đã cầm cố rồi, tới đây để có tiền chữa trị chỉ còn cách bán nó đi thôi. Nhưng bán rồi thì biết ở đâu… Tôi già rồi sao ông trời không bắt tôi gánh thay nó… Nó đã khổ cả cuộc đời này rồi…" - bà Dốn bưng mặt khóc - tiếng khóc bật thành tiếng như bao nỗi xót xa của người mẹ bấy lâu kìm nén nay mới có dịp bung ra.
"Nằm ở bệnh viện với những cơn đau hành hạ, thế nhưng nó cũng cứ nghiến răng chịu đựng, không dám nói ra sợ con gái đau lòng. Nhiều lúc nó còn bảo cứ để nó chết đi, chứ sống mà tàn tật, mang gánh nặng cho con cái, mẹ già nó không đành. Nó nói đến đâu như xát muối vào lòng tôi đến đó cô ạ" - bà Dốn rưng rưng.
Thấy bà khóc, đứa con út của chị Hằng năm nay mới học lớp 5 cũng sụt sùi khóc theo. Đứa trẻ này đã không còn cha khi mới lên 8 tuổi, nay lại đối mặt với nỗi đau mẹ nằm một chỗ nên đôi mắt buồn rười rượi. Có lẽ hiểu được thân phận mình nên mỗi ngày sau buổi đến trường, em lại theo bà ra biển cào dắt. Tuổi thơ của cô bé chỉ là những ngày xa mẹ, ở với bà và đi biển mưu sinh.
Tôi đã ứa nước mắt khi nghe cô bé tâm sự, mấy ngày nay, bà không ăn không ngủ tí nào cả, ngày nào bà cũng đi khắp anh em, hàng xóm để vay tiền cứu mẹ. Bác sỹ nói để có thể đi lại được mẹ phải điều trị, phục hồi rất lâu dài. Cô bé chỉ cần mẹ sống và khỏe lại, cuộc sống có vất vả thế nào cháu bảo cũng chịu được.
Cái lạnh khiến cô bé run lên mỗi khi có sóng ập vào còn đôi tay và gương mặt bà cũng đã trở nên thâm sì thế nhưng họ vẫn cần mẫn làm công việc chỉ để kiếm vài chục nghìn trong ngày. Số tiền đó còn không đủ để hai bà cháu ăn qua ngày thì làm sao mơ đến số tiền lớn chữa trị cho chị Hằng - người phụ nữ cả cuộc đời khổ vì chồng vì con vậy mà đến lúc mạng sống cận kề tử thần cũng không biết phải xoay sở ra sao…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!