Chồng nguy kịch, vợ trẻ con thơ lâm cảnh cùng đường

Theo Dân trí-Thứ năm, ngày 28/02/2019 09:50 GMT+7

Trong tình trạng hôn mê, những hàng nước mắt của anh Vui vẫn lăn dài

VTV.vn - Không may bị điện giật khi đang làm việc, người thợ hồ là trụ cột trong gia đình rơi vào nguy kịch.

Người thợ hồ nghèo lâm nạn

Nam bệnh nhân với cơ thể chỉ còn da bọc xương nằm bất động trên giường bệnh khoa Gây mê – Hồi sức, đôi mắt vô hồn hé mở mặc cho 2 hàng nước đục ngầu thi nhau lăn dài. Hơn 1 tháng nằm viện nhưng bệnh nhân vẫn cần những thiết bị y tế hỗ trợ và sự theo dõi liên tục từ các y bác sĩ. Những tiếng thở khó nhọc vang lên thi thoảng nghẽn lại trong ống nội khí quản vì đàm nhớt, người bệnh co gồng, quằn quại trong vô thức.

BS Ngô Ngọc Dương chia sẻ: “Bệnh nhân Cao Ngọc Vui (30 tuổi) làm nghề thợ hồ không may bị tai nạn thương tâm. Ngày 19/1, trong lúc Vui sơn nước cho một công trình nhà ở dân sinh thì bị điện giật ngã từ trên cao đập đầu xuống đất. Vui vào viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê, được chẩn đoán máu tụ dưới màng cứng cấp tính bán cầu phải, nguy kịch tính mạng. Cuộc mổ cấp cứu lấy máu tụ, giải áp được thực hiện ngay sau đó đã giúp bệnh nhân qua nguy kịch. Tuy nhiên, do thương tích quá nặng, sau phẫu thuật đến nay Ngọc Vui bình phục chậm”.

Hiện người thợ hồ khốn khổ vẫn hôn mê, phải hỗ trợ thở máy, điều trị tích cực chống phù não. Sau hơn 1 tháng nằm viện, nguy hiểm vẫn chưa buông tha cho anh bởi nhiễm trùng cơ hội gây viêm phổi trên nền bệnh hậu phẫu dưới màng cứng bán cầu não phải. BS Ngọc Dương tâm sự: “Bệnh nhân còn quá trẻ, khả năng bình phục tuy chậm nhưng có cải thiện tích cực, chúng tôi đang cố gắng điều trị với hy vọng Ngọc Vui sẽ có cơ hội trở lại với cuộc sống nhưng gia đình quá khó khăn không thể chi trả cho khoản điều trị trung bình mỗi ngày tốn tới 3 triệu đồng”.

Theo nhận định chuyên môn của bác sĩ, với tình trạng hiện tại, bệnh nhân cần được điều trị kháng sinh mạnh để đầy lùi nhiễm trùng kết hợp chăm sóc, điều trị nội khoa tích cực giúp bình phục tổn thương não, thời gian nằm viện còn kéo dài. Tuy nhiên, nếu không đáp ứng được chi phí điều trị, tình trạng nhiễm trùng diễn tiến nặng trên nền cơ địa suy kiệt có thể khiến sinh mạng của người bệnh một lần nữa bị đe dọa.

Vợ trẻ, con thơ lâm cảnh cùng đường

Sinh ra ở vùng quê nghèo thuộc tỉnh Thanh Hóa, cha mẹ mất sớm Cao Ngọc Vui sống nhờ tình thương yêu và sự đùm bọc của người anh trai. Nhà nghèo nên Vui chỉ được học biết mặt chữ thì phải ở nhà chăn trâu, cắt cỏ phụ giúp gia đình. Hơn 10 năm trước, người anh đi làm thợ hồ bị tường sập đè gãy chân, mất sức lao động.

Không nỡ nhìn những đứa cháu, đói khát, thất học như mình dù chưa đến tuổi trưởng thành nhưng Vui đã khăn áo vào Nam tìm việc làm. “Nhờ em tôi ngược xuôi khắp các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Sài Gòn làm mướn mỗi tháng đều đặn gửi tiền về nên những đứa cháu mới có cái ăn, cái mặc. Nghe hàng xóm đi làm cùng về kể sự vất vả, khó nhọc, Vui phải ăn nhịn, chắt chiu mới có tiền gửi về quê, lòng tôi quặn thắt” – chị gái của Vui là Cao Thị Hạnh nghẹn ngào.

Giữa cảnh nghèo khó, hơn 3 năm trước trong lần đi làm mướn số phận run rủi đã giúp anh gặp được người cùng cảnh ngộ là chị Vũ Thị Bích Liễu (31 tuổi, ngụ tại Định Quán, Đồng Nai). Sau cả năm quen biết 2 người nên vợ thành chồng bằng mâm cơm đạm bạc mời 2 bên gia đình. Cưới xong họ thuê nhà trọ, xin việc làm ở thành phố Biên Hòa, hạnh phúc đơn sơ trở nên mặn mà sau khi cậu con trai đầu lòng chào đời vào tháng 7/2018. Sau sinh con, chị Bích Liễu cũng bị thất nghiệp, phải về nương nhờ cha mẹ đã ở tuổi “thất thập cổ lai hi”. Một mình anh Vui với công việc bấp bênh và khoản thu nhập ít ỏi của nghề thợ hồ từ đó phải lo cho cả gia đình.

Đang trong cảnh “ăn bữa trước hụt bữa sau” thì tai nạn ập đến với chồng, người vợ khốn khổ phải một nách mang theo con nhỏ vào bệnh viện chăm nuôi. Tin anh Vui gặp nạn như sét đánh ngang tai, những người thân của từ quê phải lặn lội từ Thanh Hóa vào bệnh viện giúp sức để em dâu mang cháu nhỏ về nhà. Dù có bảo hiểm y tế, nhưng các khoản chi ngoài danh mục quá lớn, hơn 1 tháng nằm viện trôi qua chị Liễu cùng gia đình chồng đã phải vay mượn hơn 100 triệu đồng song số tiền có được không đủ chi trả. Đến nay, nợ viện phí đã lên tới hàng chục triệu đồng, thời gian điều trị còn kéo dài trong khi những nơi có thể vay mượn đều đã gõ cửa.

Chị Liễu nghẹn ngào: “Vợ chồng em mới lập gia đình, ngoài sức lao động chúng em chẳng có tài sản gì. Con em còn quá nhỏ, chồng chưa biết khi nào mới hồi tỉnh, cha mẹ đã già, em lại thất nghiệp nên không biết phải làm sao để lo viện phí cho những ngày sắp tới. Em cầu mong phép màu đến với chồng để mẹ con em còn nơi nương tựa”.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước