Chuyện về người phụ nữ Chiềng Nơi

Văn Quân-Thứ năm, ngày 13/03/2014 16:53 GMT+7

Là người con của dân tộc Khơ Mú, mười sáu tuổi, bà trốn nhà, đi bộ ba ngày trời tìm cái chữ và trở thành người phụ nữ có “trình độ học vấn” cao nhất bản Phiêng Khá. Nhiều năm liền làm Chủ tịch Hội phụ nữ Huyện Mai Sơn (Sơn La) bà cũng trở thành người đi đầu trong việc vận động bà con thôn bản từ bỏ cây thuốc phiện và vinh dự nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Giữa nhọc nhằn cuộc sống, bà không quản ngại nhận năm đứa trẻ lang thang cơ nhỡ về chăm lo nuôi ăn học trưởng thành. Câu chuyện đẹp, mang đậm biểu tượng người phụ nữ Việt Nam trên kể về bà Lò Thị Phanh ở tiểu khu 15, thị trấn Hát Lót (huyện Mai Sơn – Sơn La).

‘ Bà Lò Thị Phanh

Người phụ nữ đấu tranh với hủ tục

Gọi là tiểu khu nhưng để được vào nhà bà Phanh, chúng tôi phải leo qua ba quả đồi, xuyên qua mấy ruộng sắn mới đến được căn nhà của hai vợ chồng ông bà sinh sống. Khi chúng tôi đến cũng là lúc bà đi họp chi bộ về, bà bảo bà họp chi bộ, là chuẩn bị cùng với chính quyền địa phương tuyên truyền vận động cho các con em trên địa bàn xã lập các kế hoạch chuẩn bị đi học các trường trung cấp nghề dưới Thái Nguyên.

“Ngày xưa chúng tôi không được học cái chữ, khổ lắm rồi. Bây giờ đất nước đổi mới, các cháu thanh niên tha hồ được lựa chọn cho mình những công việc tùy vào khả năng mỗi người. Mà có mất tiền học phí đâu, toàn được nhà nước hỗ trợ miễn phí thôi".

Vừa rề rà câu chuyện bằng tiếng Kinh lơ lớ, bà Phanh bảo đúng là thời của bà việc đi tìm cái chữ khó khăn vất vả thật. Đàn ông đã khó, đàn bà càng khó hơn. Như tộc người Khơ Mú của bà, suốt một thời gian dài sống ở Phiêng Khá, (Chiềng Nơi – Mai Sơn) chẳng cần đến cái chữ.

Ngày bà còn ở tuổi mười lăm mười sáu xin cha mẹ đi học, khi nghe ý kiến của bà họ đã nhìn bà như nhìn một vật thể lạ và rồi họ hỏi bà hôm nay có bị con mà rừng ma núi nào ám vào không mà nói toàn điều… kỳ lạ thế. Và rồi là những trận đòn roi như trút của người cha. Ông còn bảo, ở nhà thì còn là con của ông, còn là đứa con gái của dòng họ Lò, nhược bằng cứ tìm cách đi học thì đừng bao giờ gọi ông là cha nữa. Mẹ bà thì nhẹ nhàng hơn, cũng khóc hết nước mắt mà dỗ dành con gái, người mẹ ấy bảo: “Phanh à! Tại sao mày lại nghĩ vậy. Mày thấy cả làng cản bản người Khơ Mú mình, quanh năm chỉ làm quen với việc lên nương cấy lúa vào rừng săn bắn và ra suối đơm cá thôi, có ai đi học cái chữ đâu mà vẫn sống, vẫn khỏe mạnh đó mà. Phanh à! Mày thôi ngay cái suy nghĩ ấy đi nhé.”

Vừa túc tắc khâu lại chiếc áo cho chồng, người phụ nữ nguyên là chủ tịch Hội phụ nữ huyện Mai Sơn khẽ bảo với tôi, bà cũng chẳng bao giờ oán trách cha mẹ, cái thời ấy cách đây đã năm mươi năm rồi và lúc đó bất kỳ ai cũng có chung suy nghĩ như vậy thôi. Thời của bà, việc đi tìm cái chữ, học tiếng Việt là một điều gì đấy rất xa lạ với bà con Khơ Mú. Và Phiêng Khá đã thêm một lần nữa náo loạn bởi cái tin “Lò Thị Phanh đã trốn nhà đi học”.

Bà Phanh bảo bà biết làm như vậy sẽ rất có lỗi với cha mẹ nhưng về lâu dài, bà tin ông bà sẽ hiểu, và hơn nữa, chiến tranh ác liệt, nhiều người con ở quê hương bà cũng lên đường tòng quân nên câu chuyện bà trốn đi học chữ cũng dần lắng xuống. Đi bộ mất ba ngày ba đêm bà mới xuống được tới Chiềng Nơi để học chữ. Quê hương và cha mẹ cũng cách chẳng bao xa nhưng suốt hơn một năm bà chẳng dám về thăm bởi sự tức giận của người cha vẫn chưa hề nguôi ngoai trước đứa con gái “bất trị”.

“Ngày đọc thông viết thạo tiếng Việt tôi đã viết một bức thư về cho cha mẹ, vừa bằng tiếng Việt vừa bằng tiếng Khơ Mú. Tôi nói rằng tuy xa cha mẹ, lâu rồi không được nhìn thấy cha mẹ nhưng đêm đêm, hình bóng của hai người vẫn về trong giấc ngủ của tôi. Tôi cũng nói rằng tôi đã học được cái chữ, biết được nhiều điều hay lẽ phải, biết được cả nước đang cùng nhau đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược và tới đây, tôi sẽ xung phong đi làm công nhân làm đường để phục vụ cách mạng, phục vụ sự nghiệp chung của cả nước. Tôi vừa viết vừa khóc thôi, không biết sao nước mắt cứ chảy ra nhiều thế”. Bà Phanh bảo gửi bức thư ấy về cho cha mẹ thì bất ngờ một tuần sau, hai cha mẹ bà đã dắt díu ra chỗ trọ học để thăm “đứa con gái gàn lì nhất Phiêng Khá”.

“Có nói được gì đâu, chỉ nhớ rằng lúc ấy tôi đã khóc rất nhiều, cả bố tôi nữa, ông cụ cứ rấm rứt mà khóc chứ cũng chẳng nói gì. Tuy ông không nói nhưng nhìn ông tôi biết, mọi tội lỗi của tôi ông đã hiểu và tha thứ” Vẫn cái giọng rì rầm lơ lớ tiếng Kinh bà Phanh bảo sở dĩ đến giờ bà vẫn nhớ đến kỷ niệm thời tuổi trẻ bởi những dòng hồi ức ấy, trong trái tim của bà nó chưa một ngày bị nguôi quên. Trở thành người “có cái chữ đầu tiên” ở Phiêng Khá, sau đó Lò Thị Phanh tham gia dân công mở đường cho pháo cao xạ lên dốc Đốc Bai, xã Chiềng Nơi (Mai Sơn) cho đến những năm đầu 1970 thì về công tác tại Hội phụ nữ huyện Mai Sơn.

“Đến năm 1979 thì tôi được cử xuống Hà Nội học trường Phụ nữ Trung ương. Tốt nghiệp trở về thì được bỏ nhiệm làm phó chuc tịch Hội phụ nữ huyện”. Sau đó, bà tiếp tục theo học nhiều lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và từ năm 1989 cho đến năm 2002 bà là Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Mai Sơn, trở thành người phụ nữ Khơ Mú đầu tiên ở Sơn La thành công trong sự nghiệp và học tập.

‘ Vợ chồng bà Lò Thị Phanh bên hai người con nuôi

Người đi đầu trong công tác Hội phụ nữ

Bà Phanh bảo cái thời bà làm Chủ tịch Hội phụ nữ huyện (1989 -2002) thì cũng là giai đoạn bà con dân tộc ở Sơn La, mà đặc biệt là các chị em phụ nữ, phong trào trồng cây thuốc phiện “tích cực” lắm. “Tôi còn nhớ đó là năm 1993, Đảng và Nhà nước có chính sách phá và cấm trồng cây thuốc phiện. Khi nhận được thông tin từ Trung ương về tôi biết đây là một việc làm khó. Nhưng là chính sách đúng đắn của Nhà nước, khó mấy cũng phải làm. Mà phải làm sao để bà con vui vẻ cùng giúp mình xóa bỏ cây thuốc phiện mới là giỏi”. Bắt đầu từ quê hương Chiềng Nơi rồi đến Pá Men, Pá Hốc, Co Hịn… suốt một vệt dài của mảnh đất Mai Sơn, cứ nơi nào có bóng dáng cây thuốc phiện là nơi ấy lại có dấu chân của bà chủ tịch Hội phụ nữ Lò Thị Phanh.

Bà Phanh bảo ban đầu cơ cực lắm, bà con lúc đầu còn coi mình như… kẻ thù. Mỗi khi biết bà đến, họ cắm cây trước cổng ý rằng nhà không… giao dịch và không hề muốn có khách vào thăm. “Cũng không dám gỡ rào ra để vào đâu, mình biết đó là phong tục mà. Mình cứ đứng ngoài… chờ vậy thôi. Rồi thấy bọn trẻ lê la chạy nhảy bẩn thỉu lắm, mình lại dắt ra suối tắm rửa xà phòng cho sạch sẽ, đến tối thì thấy nhà Sùng Súa Vừ đã tháo cành cây trước cổng mình mới đi vào. Vào đến nơi thấy vợ Vừ đang giã gạo mình cũng chạy ra giã gạo giúp, rồi trò chuyện, mới chuyển được cái thông điệp của Đảng và Nhà nước đến cho bà con. Mình cứ nói thật thôi, về cái tác hại của thuốc phiện, nói rằng mình cứ trồng, cứ hút thì không chỉ người lớn khổ, mà tương lai của trẻ con làng bản cũng sẽ tối mịt mùng như đêm giữ rừng sâu kia. Phá cây thuốc phiện, Nhà nước và nhân dân sẽ trồng những cây lương thực khác, không sợ cái đói, cái khổ đâu.”

Và rồi “mưa dầm thấm lâu”, thấy “cái lý” của bà Phanh cũng hợp cái bụng, người nọ truyền người kia, một thời gian sau, suốt một dải đại ngàn Mai Sơn, hàng nghìn hec ta thuốc phiện đã được bà con hăng hái nhổ bỏ. Bà Phành bảo nhớ lại những ngầy ấy bà thấy nó chẳng khác gì một ngày hội. Đi nhổ bỏ cây anh túc mà không khí rộn ràng, hồ hởi như đi thu hoạch vụ mùa. Thời đó 1 ha thuốc phiện phá bỏ được nhà nước hỗ trợ cho 20kg gạo và một buổi bà con đi phá sẽ được trả 2000 đồng. Nhiều vị cán bộ huyện khi đó đã nghĩ ra nhiều “sáng kiến” như biến 20kg trở thành… 15 kg và tiền công từ 2000đồng cũng thành… 1500đồng hoặc “hô biến” số hộ gia đình được hỗ trợ tăng vọt lên để báo cáo khống. Bà con dân bản thấy lạ. Cùng một loại cây như thế, lao động như nhau nhưng cứ ai ở “tổ Chị Phanh” thì được trả đủ còn ở một số nhóm khác thì cứ… thiếu.

Đem cái thắc mắc ấy giãi bày với bà chủ tịch Hội phụ nữ huyện, sau khi xác minh rõ ràng, thấy thiệt hại của bà con là không nhỏ, chính bà Phanh là người đã đi đòi lại sự công bằng cho họ và cuối năm ấy, vị chủ tịch huyện, “đạo diễn” của sự mập mờ ấy đã bị mất chức vì tiêu cực. “Mình đã nói với bà con những lời rất tốt đẹp mà bây giờ đi lừa họ. Chủ trương của Nhà nước rất đúng mà mình lại làm sai. Như thế là hai lần sai, xấu hổ quá mình phải đấu tranh cho sự công bằng thôi” Bà Phanh giải thích. Hàng nghìn ha thuốc phiện bị phá bỏ thì sau đó, hàng nghìn hecsta đậu tương, ngô, dâu tằm… với sự hỗ trợ của nhà nước, bà chủ tịch Hội phụ nữ lại lặn lội đêm ngày để giúp đỡ bà con tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống. Và với những thành tích thiết thực đó, Bà Phanh đã vinh dự nhận được Bằng khen của thủ tướng Chính phủ ghi nhận là người đi đầu trong việc tuyên truyền và làm tốt việc xóa bỏ cây thuốc phiện của tỉnh Sơn La


TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước