Để việc học chữ của con gái được thuận tiện, người cha đã sáng chế ra một chiếc bàn phù hợp với thân hình nhỏ bé của em.
Mỗi sáng thức dậy, Lê Thị Thắm ở xã Đông Thịnh (Đông Sơn, Thanh Hóa) tự dùng bàn chân trái đánh răng, chải đầu, mặc quần áo và chuẩn bị đến trường. Cẩn thận đeo chiếc khăn quàng đỏ lên vai cùng chiếc cặp, cô bé nhờ mẹ đèo đến lớp. Khi chiếc xe đạp cà tàng dừng bánh trước cổng trường cũng là lúc bạn bè lớp 9B (trường THCS Đông Thịnh) lại ùa ra đón Thắm vào lớp.
Ngồi ngay ngắn trên chiếc bàn đặc biệt đặt phía đầu lớp, Thắm dùng chân mở cặp, lấy sách bút… chuẩn bị tiết học đầu tiên. Cứ ít phút, cô bé thân hình nhỏ thó lại cúi rạp người ghi chép từng lời thầy cô giảng. Những nét chữ ngay ngắn thẳng hàng đều tăm tắp trên trang vở trắng. Ít ai biết có được thành quả như ngày hôm nay, Lê Thị Thắm đã mất nhiều năm khổ luyện. Thậm chí, những ngày đầu tập viết, bàn chân em đã có lúc nứt nẻ, rỉ máu đau đớn.
Ngồi trong căn nhà nhỏ ở thôn Đoàn Kết, xã Đông Thịnh, chị Nguyễn Thị Tình (mẹ Thắm) nhớ lại kỷ niệm buồn ngày sinh đứa con gái đầu lòng. Năm 1997, chị lập gia đình với người trai làng hiền lành chất phác hơn mình 5 tuổi. Một thời gian sau, chị bụng mang dạ chửa, cũng 9 tháng 10 ngày như bao người phụ nữ khác. Rồi ngày cả gia đình hân hoan chào đón thành viên mới cũng đến, nhưng chính hôm Thắm chào đời là ngày chị Tình đau đớn nhất.
“Đến tận bây giờ, sau mười mấy năm, tôi không thể quên được giây phút ám ảnh một ngày đầu năm 1998. Sau khi tỉnh dậy trên giường đẻ, nhìn quanh không thấy con đâu, hỏi mọi người nhưng chẳng ai nói gì. Trong lòng tôi chợt hoài nghi có chuyện chẳng lành. Một tuần sau, khi tôi một mực đòi gặp con thì bà ngoại mới bế cháu đến. Nhìn cháu đỏ hỏn như một cục thịt, nhỏ xíu, yếu ớt và đặc biệt là không có đôi tay, tôi chết điếng, nước mắt giàn giụa”, chị Tình kể.
Cứ mỗi lần cho con bú, chị Tình lại khóc thầm. Thời điểm đó rất nhiều người đặt ra câu hỏi không biết vì sao Thắm lại không có tay? Câu chuyện được truyền từ người này sang người khác, rồi cả thôn, cả xã ai cũng biết. "Hàng xóm người thông cảm thì ít, nhiều người dị nghị bàn tán bảo mình không biết sinh con, sinh ra đứa bé không giống người khiến lòng tôi quặn thắt. Tủi phận, nhiều lúc quẫn trí tôi định tìm đến cái chết nhưng nhìn đứa con do mình dứt ruột đẻ ra, tôi không đành lòng”, chị Tình chia sẻ.
Mãi sau này, khi các cụ cao niên trong làng ngồi với nhau để tìm xem trước đây họ hàng trong nhà có ai bị nhiễm chất độc da cam không. Biết bà ngoại Thắm từng tham gia chiến trường Tây Nam Bộ và Tây Nguyên, có thể đã bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, lúc đó mọi người mới cho rằng Thắm có thể bị ảnh hưởng từ bà ngoại mình. Cũng từ đó, họ hàng mới thôi không dè bỉu như trước nữa.
Không chỉ mất đôi tay, ngày mới sinh, Thắm chỉ nặng 1,2 kg. Phải mất gần 2 năm Thắm mới biết trườn, đến năm 3 tuổi mới tập đi và đến 4 tuổi mới nói được rõ ràng. Lên 5 tuổi, mỗi lần ra ngõ thấy các bạn cùng trang lứa tung tăng cắp sách đến trường, Thắm lại lủi thủi theo sau với vẻ mặt buồn bã. Rồi một ngày, Thắm khóc đòi bố mẹ cho đi học.
Nghe con đòi đến trường, chị Thắm cứ trào nước mắt rồi lựa lời khuyên ngăn. Con muốn đi học cũng được nhưng có tay nào để cắp cặp, để cầm bút mà viết? Nghe mẹ hỏi, cô bé lại lầm lũi đi về xó nhà, cả ngày không nói nửa lời. Ít ngày sau, Thắm mượn của chị họ được một cây bút và một cuốn vở cũ, rồi ngày ngày khi bố mẹ đi làm vắng nhà, cô bé lại miệt mài tập viết bằng chân trái.
Bàn chân khô cứng lâu nay chỉ dùng để đi lại, giờ tập viết cứ khòng khoèo. Hai ngón chân kẹp bút để viết bị phồng rộp, tê cứng. Đau đớn nhưng Thắm vẫn ngồi lì một chỗ, cặm cụi nắn nót từng nét chữ. Khuyên ngăn mãi không được, vợ chồng chị Tình chuyển sang động viên và tìm mọi cách giúp đỡ con. Thấy Thắm thích học chữ, chồng chị đã dành nhiều thời gian để kèm cặp cho Thắm chỉ với ý nghĩ là mong cho con đỡ buồn, đỡ tủi chứ không dám hy vọng con có thể học bằng người.
Tất cả mọi người không ngờ rằng nhờ chăm chỉ học quên ăn quên ngủ nên Thắm tiến bộ rất nhanh. Chị Tình kể, học viết bằng bút chán, Thắm tiếp tục tập viết bằng phấn, bất chấp việc bị phấn ăn khiến chân lở loét, máu tứa ra mỗi khi vận động mạnh. Mỗi đêm sau buổi tập viết, người mẹ lại lấy thuốc bôi vào chỗ loét cho Thắm.
Năm 2004, vượt qua kỳ sát hạch, Thắm được nhận vào trường tiểu học ở gần nhà. Ngày khai trường, người mẹ dắt đứa con khuyết tật vào tận lớp, bế con lên ghế. Thắm lẳng lặng ngồi thu mình một góc rồi dùng chân mở cặp, bỏ vở ra viết liền một mạch trước con mắt ngạc nhiên xen lẫn tiếng trầm trồ thán phục của cả lớp.
Kỷ niệm về cô con gái khuyết tật khiến chị Tình nhớ mãi đó là vào một buổi chiều khi Thắm đi học về, không chịu ăn cơm nước mà cứ ngồi khóc. Gặng hỏi mãi Thắm cất tiếng hỏi mẹ: “Sao con không có tay như các bạn?”. “Câu hỏi của con như đâm trúng tim gan tôi. Không biết giải thích ra sao, tôi chỉ biết ôm con vào lòng rồi hai mẹ con òa khóc”, người mẹ kể, khuôn mặt khắc khổ giàn giụa nước mắt.
Quyết tâm dạy con nên người, vợ chồng chị Tình miệt mài ngày đêm. Không chỉ dạy con ở nhà, mỗi khi ra đồng, chị thường bẻ cho con một cái que để Thắm tập viết trên nền đất. Chị bảo, có những hôm Thắm tập viết từ lúc mẹ ra đồng đến khi mẹ về vẫn chưa chịu nghỉ. “Không ngờ mấy tháng sau cháu đã viết được tất cả chữ trong bảng chữ cái, rồi những phép nhân, chia, cộng, trừ cháu cũng tính được rất nhanh”, chị Thắm kể.
Dù cho vào những ngày nóng nực, mồ hôi nhỏ xuống nhòe hết cả trang giấy, mùa đông, đôi bàn chân tê cứng vì giá lạnh, điều khiển cây bút cực kỳ khó khăn nhưng cô gái không tay vẫn không nản chí. Kết quả suốt từ năm học lớp 1 đến lớp 9, năm nào Thắm cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Đặc biệt, Thắm thường xuyên đoạt giải cao trong các cuộc thi vở sạch chữ đẹp do trường, huyện, tỉnh tổ chức.
Đưa bàn chân thoăn thoắt viết chữ, Thắm khoe: “Hồi cấp 1 cháu viết còn đẹp hơn bây giờ nhiều, môn Chính tả cháu toàn được điểm 10, lên cấp 2 thầy cô đọc nhanh nên viết xấu hơn chút ít”.
Không chỉ viết chữ đẹp, chân trái của Thắm còn có thể khâu áo, vẽ tranh, thêu thùa thành thạo. Chị Tình khoe, năm ngoái một lần đi làm đồng về, chị rất xúc động khi thấy Thắm đưa ra một chiếc khăn do chính chân Thắm thêu, trên mặt khăn có dòng chữ: “Chúc mừng mẹ nhân ngày mùng 8/3, con mãi yêu mẹ”.
Thắm còn có một sở thích đặc biệt nữa là vẽ tranh. Những bức tranh do chính Thắm vẽ đã được giải nhì cuộc thi vẽ tranh do Hội Mỹ thuật tỉnh Thanh Hoá tổ chức cuối năm 2007. Đặc biệt, những trang vở do Thắm viết bằng chân trái đã có mặt trong cuộc triển lãm mang tên “Những phụ nữ vượt lên số phận” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Ngoài giờ đến lớp, ở nhà Thắm còn giúp mẹ làm việc nhà như nhặt rau, nấu cơm, và dạy em trai học bài. Ngoài làm toán và học văn rất giỏi, môn học được Thắm rất yêu thích là tin học. “Chiếc máy tính là người bạn thân thiết của em, mỗi ngày em đều dành thời gian vào mạng đọc sách, báo, học những phép tính hay”, Thắm vừa kể vừa nghiêng người dùng bàn chân khởi động chiếc máy tính xách tay. Thắm có thể dùng đôi chân đánh máy thành thạo, chỉ chưa đầy 30 phút một trang giấy A4 đã kín chữ.
Nói về ước mơ, Thắm chia sẻ sẽ thi đỗ đại học để trở thành kỹ sư công nghệ thông tin vì công việc đó phù hợp với bản thân. “Em thua thiệt mọi người vì không có đôi tay. Nhưng em không nản, em còn có đôi chân và trí óc. Mỗi lúc buồn, em luôn lấy tấm gương thầy Nguyễn Ngọc Ký để động viên mình, vì thầy không có tay nhưng đã trở thành người rất nổi tiếng, được mọi người ngưỡng mộ…”, Thắm chia sẻ.
Con gái học giỏi và chăm ngoan, vợ chồng chị Tình rất mừng nhưng trên khuôn mặt người mẹ vẫn hiện rõ nhiều nỗi lo. “Một năm trở lại đây, có lẽ do việc học tập vất vả, cùng với di chứng của chất độc dioxin nên căn bệnh vẹo cột sống của cháu thêm nặng. Đôi chân của cháu giờ cũng bên ngắn, bên dài. Bàn chân trái cầm bút viết đã dài hơn bàn chân phải. 15 tuổi, nhưng cháu chỉ cao chưa đầy 1,4 m và nặng 27 kg”.
Nhắc đến học trò, cô Nguyễn Thị Thịnh, Phó hiệu trưởng trường THCS Đông Thịnh cho biết, Thắm là học sinh đặc biệt nhất trường nhiều năm qua. Bị khuyết tật từ nhỏ, gia đình khó khăn nhưng Thắm rất giàu nghị lực. Dù phải đi lại, tập viết và làm mọi việc bằng đôi chân nhưng em viết rất nhanh, rất đẹp.
“Nhiều năm liền Thắm luôn là một trong những học sinh dẫn đầu về thành tích học tập của lớp. Đặc biệt năm nào em cũng đạt giải cao trong các kỳ thi viết chữ đẹp do nhà trường, huyện, tỉnh tổ chức. Chia sẻ hoàn cảnh khó khăn với em, nhà trường đã miễn toàn bộ tiền đóng góp hàng năm. Ngoài ra, trường còn kêu gọi giáo viên cũng như các tổ chức từ thiện ủng hộ quần áo, sách vở để Thắm yên tâm đến lớp”, cô Thịnh cho biết.