Gần 10 năm nay, Hà Thế Văn phải duy trì chạy thận nhân tạo 1 tuần 3 lần
9 năm nay, Hà Thế Văn (SN 1987, trú xóm 10, xã Ngọc Sơn, Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã quá quen thuộc với bác sĩ, bệnh nhân chạy thận nhân tạo Bệnh viện 115 Nghệ An. 22 tuổi, những hoài bão của tuổi trẻ bỗng nhiên vụt tắt khi Văn bị suy thận độ 4. 22 tuổi, cuộc sống của Văn gắn chặt với lịch 3 buổi lọc thận 1 tuần.
"Khi đó mẹ em qua đời được 6 năm, bố đã lấy vợ mới và sinh thêm 2 người em. Bố, dì và các chị dựng riêng cho em một căn nhà nhỏ bên cạnh vườn để lấy vợ. Chưa kịp yêu ai thì em thành thế này. Bệnh tình của mình chữa cả đời, làm gì có cô gái nào dám yêu và gắn bó được hả chị? Vả lại, thân em nuôi chưa nổi, em cũng không dám mở lòng với ai", Văn nói bằng giọng buồn buồn.
Thận hư biến chứng khiến các khớp xương của Văn rệu rã, đau nhức, da bị bào mòn, chỉ cần một cọ xát nhỏ cũng gây chảy máu, khó lành
Thời gian đầu còn sức khỏe, cứ mỗi lần chạy thận xong, Văn bắt xe buýt từ Vinh về Quỳnh Lưu, nằm nghỉ một chút rồi sửa soạn đi soi cá. Soi cá đêm là công việc không dành cho những người ốm yếu nhưng sức như Văn biết làm việc gì khác mà nuôi thân, mà chữa bệnh? Mỗi đêm ra đồng, trở về với mớ cá vụn, Văn cũng có thể gắng gượng lo cho mình ngày 3 bữa ăn để chạy thận.
"Bố em vốn ốm yếu, ông cũng không làm được việc nặng, đi liêu xiêu như sắp ngã, lại còn 2 em nhỏ nữa. Các chị lấy chồng, có thương em cũng thỉnh thoảng dấm dúi cho em vài trăm nghìn vì còn gia đình chồng, còn các con nữa. Em còn gắng gượng được thì sẽ cố lo cho thân mình", Văn nói.
Tóc, lông mày, lông mi của Văn bị đổi sang màu vàng không rõ nguyên nhân
Nhưng từ hồi trước Tết đến giờ, sức khỏe của Văn giảm sút thấy rõ. Các khớp xương rệu rã, đau nhức nên công việc soi cá đêm không thể làm được nữa. "Cũng may, giờ sức em yếu, không ăn được mấy nữa", Văn cười chua chát.
Hệ quả của quá trình chạy thận gần 10 năm khiến cơ thể của Văn thay đổi. Bên cạnh xương khớp bị sưng, ảnh hưởng đến việc đi lại, lao động, thì tóc và lông mày, lông mi của Văn cũng bị đổi thành màu vàng nhạt. Nhiều người nhìn mái tóc lởm chởm, vàng hoe của Văn, tưởng là tóc nhuộm còn buông lời trách cứ "đã bệnh tật còn đua đòi". Văn cũng không dám đi kiểm tra vì sợ phát hiện ra chứng bệnh mới.
Xác nhận hoàn cảnh của chính quyền xã Ngọc Sơn về hoàn cảnh ông Hà Thế Vượng
Quả thận của Văn hiện giờ hoàn toàn mất khả năng hoạt động nhưng lại chứa khối u cần phẫu thuật. Hồi năm 2016, Văn và chị gái ra Hà Nội khám, bác sĩ kiểm tra thể trạng và quyết định phẫu thuật để lấy khối u, nếu không sẽ đứng trước nguy cơ bị liệt nửa người hoặc phải nằm một chỗ. Muốn mổ thì phải đóng 6 triệu tạm ứng, Văn không có tiền, đành về nhà, chịu khối u hành hạ. Cũng vì không có tiền nên 1 quả lọc người ta chỉ dùng 3-4 thì Văn phải tận dụng triệt để, sử dụng 6 lần mới chịu thay cái mới.
Trong khi con trai độc nhất duy trì sự sống bằng chạy thận nhân tạo thì ông Hà Thế Vượng cũng đang chiến đấu với căn bệnh ung thư phổi
"Em giờ như người thừa, nhiều khi chỉ muốn chết đi cho khỏe nhưng nghĩ thương bố. Bố em chỉ có mình em là con trai, mà giờ ông đang bị ung thư giai đoạn cuối…", Văn bỏ lửng câu nói ở đó. Đôi cánh tay chằng chịt những u, những cục – hệ quả của những lần lấy ven lọc máu mệt mỏi tì vào thành ghế, gánh đỡ cơ thể đã rệu rã bước vào phòng lọc thận để duy trì kiếp "sống mòn" của mình.
Trong khi đó, ông Hà Thế Vượng (SN 1958, bố của Văn) đang được chữa trị tại Khoa Nội 2, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An. Mấy hôm nay đang vào mùa gặt, lại chuẩn bị cho vụ cấy nên vợ ông Vương phải về nhà lo việc đồng áng. Một mình ông Vượng tự xoay xở lo cho bản thân mình. Căn bệnh ung thư phổi đã di căn khiến giọng nói của ông như bị hụt hơi, méo mó.
Bế tắc trước cảnh nghèo đói, bệnh tật, nhiều khi ông Vượng ước mình chết cho nhẹ nợ nhưng nghĩ đến 2 đứa con thơ dại và đứa con trai mắc trọng bệnh, ông lại gắng sống để con còn có cha
Đứa con trai độc nhất mắc trọng bệnh, bản thân ông lại sống với "bản án tử hình" lơ lửng trên đầu. Mỗi lần hóa trị, xạ trị của ông cũng tốn hơn 20 triệu đồng. Thấy vợ bạc mặt chạy vạy lo liệu, nhiều lúc ông cũng muốn chết quách cho xong. Nhưng nhìn hai đứa con gái chưa đầy 10 tuổi thiếu ăn, thiếu mặc, nhìn đứa con trai sống mòn với bệnh tật hành hạ, ông Vượng lại nhủ mình gắng sống, dù rằng, sống với ông trong hoàn cảnh này còn khổ hơn cái chết.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!