Cảnh tượng đó với chúng tôi có lẽ sẽ không bao giờ quên được bởi hình ảnh người con gái bị ung thư giai đoạn muộn với cơ thể bị tàn phá khủng khiếp nhưng vẫn cố lết bò ra ngoài để chăm bố bị liệt. Toàn bộ gương mặt bị thâm đen như những vết sẹo, trông chị càng hom hem, xơ xác như chẳng còn sức sống.
Chị bảo có những vết chàm ở mặt là do phản ứng phụ khi chị sử dụng thuốc: "Em cũng đã được truyền hóa chất trên bệnh viện K nhưng mới truyền một mũi thì bị phản ứng mạnh quá nên bác sĩ thay đổi phác đồ điều trị cho em chuyển sang uống hóa chất khô. Nhưng khi em uống vào thì bạch cầu giảm trầm trọng nên lại phải dừng vì nếu tiếp tục thì em sẽ bị suy tủy. Bây giờ em phải sử dụng thuốc ngoài nhưng không có tiền nên cứ kệ vậy chị ạ" – Chị Hằng tâm sự với giọng yếu ớt trong những tiếng thở gấp gáp.
Phát hiện ung thư dạ dày đã ở giai đoạn 3 khiến cơ thể chị Hằng bị tàn phá khủng khiếp.
Bố chị Hằng là bác Vĩnh bị liệt do tai biến đã 6 năm nay.
Từ một người phụ nữ đảm đang, việc gì cũng lao vào làm để nuôi con gái nhỏ, chị Hằng cay đắng nhận bản án tử hình khi mới ngoài 30 tuổi. Sức cùng, lực kiệt, chị xin trở về nhà bố mẹ đẻ để được ở những ngày cuối đời, được chăm sóc bố dù cho bản thân mình có yếu ớt, kiệt quệ đến đâu. Thương con gái, bố chị Hằng là bác Phạm Ngọc Vĩnh liên tục chảy nước mắt, thoi thóp kể: "Tôi bị tai biến 6 năm nay rồi nên không đi lại được. Con bé Hằng nó cũng bị ung thư mà nó cứ nhất quyết về chăm tôi. Nhìn con mà bố buốt hết cả ruột nhưng không biết làm sao cả".
Con gái nhỏ của chị Hằng khóc sợ hãi khi thấy mẹ không thở được.
Cô bé mới 3 tuổi, em còn nhỏ quá để biết được mẹ sắp rời xa mình mãi mãi nếu như không được đến viện điều trị.
Không hiểu gì về căn bệnh mẹ đang mang nên con gái nhỏ Khánh Diệp (3 tuổi) cứ liên tục khóc khi thấy mẹ ôm ngực không thở được. Những lúc đó con bé chạy lại chỗ giường ông ngoại cầu cứu nhưng đáp lại sự mong chờ của cháu, bác cũng chỉ biết cố ngước nhìn mà bất lực. Chân tay cứng đơ và co quắp, bác đã không thể làm được gì trong 6 năm nay, nên dù có thấy con gái đang thoi thóp đi chăng nữa bác cũng chẳng thể làm được gì.
Chứng kiến hoàn cảnh bi đát của bố con bác Vĩnh, anh Nguyễn Văn Quân - Trưởng xóm 12, xã Hải Bắc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định ái ngại chia sẻ: "Ở vùng quê này nhắc đến bố con bác Vĩnh ai cũng biết và thương lắm. Bác Vĩnh bị tai biến, không làm được gì, cảnh nhà quê đã nghèo nay lại càng khó khăn. Rồi con gái bác là cháu Hằng cũng mắc bệnh ung thư nên gia đình càng lao đao, kiệt quệ. Về phía chính quyền địa phương, chúng tôi tha thiết mong muốn được mọi người giúp đỡ để bố con tiếp tục sống".
Giấy hẹn tái khám của chị Hằng đã qua 1 tháng.
Không còn hi vọng quá nhiều vào việc chữa trị cho mình, chị Hằng lả đi, tâm sự trong hai hàng nước mắt giàn giụa: "Em thương nhất là bố của em, ông sống cả một đời liêm chính, lúc nào cũng nghĩ cho người khác, vậy mà lại bị thế kia. Người tiếp theo là con gái nhỏ của em, cháu còn bé quá để biết được em đang mắc bệnh. Em mà chết đi rồi, chỉ mong con vẫn có bát cơm ăn và sau này được đi học".
Không có tiền đi viện tiếp, chị Hằng run run lấy ra cho chúng tôi xem tờ giấy hẹn ngày 16/4 phải lên viện nhưng đã quá hẹn 1 tháng rồi chị vẫn phải ngậm ngùi ở nhà vì không xoay xở được tiếp. Sức khỏe yếu đi nhiều, lúc nào cũng muốn đóng cụp mắt lại để nghỉ ngơi nhưng chị không dám ngủ vì sợ ngủ rồi chẳng còn dậy được nữa. Ngoái ra nhìn bố, lại quay sang ôm con, chị ước mình có thể sống, sống để chăm bố, làm tròn chữ hiếu phận làm con, và sống để nuôi nấng bé Diệp nhưng cơ thể yếu quá rồi, chị hiểu hơn ai hết.
Chị ước mình được sống tiếp để chăm sóc bố và con gái nhỏ.
"Khi có sức khỏe mọi người nghĩ nó bình thường lắm, nhưng khi bị bệnh rồi mới thấy quý trọng sức khỏe của mình biết bao nhiêu. Con em mỗi lần ngủ ôm mẹ, nó cứ líu lo kể chuyện sau này lớn sẽ thế này, thế kia mà em chỉ biết cố gắng kìm nén để không khóc trước mặt con. Em hiểu em có tiếp tục sống được hay không phải phụ thuộc vào việc mình nghiêm ngặt đến viện điều trị theo phác đồ của bác sĩ nhưng tiền không có biết phải làm sao chị ơi?" – Chị Hằng tiếp tục trải lòng khi cơ thể đã mệt lả, phải xin phép nằm nghỉ.
Chia tay gia đình chị Hằng trở về Hà Nội, cảnh chị đau nhưng vẫn cố bò từ trong ra ngoài để chăm bố khiến chúng tôi bị ám ảnh. Và đâu đó là tiếng khóc bắt đền của bé Diệp Chi khi mẹ không thở được trên gương mặt nhòe nhoẹt nước của em. Cô bé nhỏ quá, chẳng biết gì, chỉ biết gục đầu vào mẹ mà khóc bên cạnh ông ngoại bị liệt cũng đang đớn đau vì bất lực, chẳng thể làm gì.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!