Hành trình 10 năm đầy cảm xúc của "Thiện Nhân và những người bạn"

Linh Đan (Ảnh: Lê Bích, Lê Ngọc Minh Đức)-Thứ sáu, ngày 22/11/2019 10:31 GMT+7

Ê kíp Thiện Nhân và Những người bạn (TN&F)

VTV.vn - Tính đến năm 2019, Quỹ Phòng chống thương vong châu Á AIP và Quỹ Thiện Nhân and Friends cùng các bác sỹ quốc tế, Việt Nam đã khám 1500 ca, phẫu thuật 487 ca.

Cách đây hơn 10 năm Trong quá trình khám chữa bệnh cho Thiện Nhân - cậu bé bị bỏ rơi trong vườn hoang với tình trạng một chân phải và bộ phận sinh dục bị mất, chị Trần Mai Anh (mẹ nuôi Thiện Nhân) đã gặp gỡ các bác sỹ hàng đầu thế giới về lĩnh vực tái tạo bộ phận sinh dục. Chị nghĩ mãi: Tại sao không mời các bác sỹ về Việt Nam, trong khi ở Việt Nam còn rất nhiều em bé bị mắc dị tật sinh dục, hoặc do tai nạn mà mang mặc cảm suốt đời.

Những khiếm khuyết ở bộ phận sinh dục vốn là một đề tài được coi là tế nhị và các gia đình và cả bệnh nhân đều muốn giấu kín, bởi các quan niệm phong tục ở châu Á. Tuy nhiên, câu chuyện của Thiện Nhân đã thay đổi quan niệm này. 

Đây là điều thôi thúc ông Greig Craft (Chủ tịch Quỹ phòng chống thương vong châu Á) và chị Trần Mai Anh và bác sỹ người Ý Roberto DeCastro đi đến quyết định thành lập dự án Thiện Nhân và Những người bạn (TN&F) để trợ giúp cho các em nhỏ bị dị tật bộ phận sinh dục và các bệnh liên quan.

Hành trình 10 năm đầy cảm xúc của Thiện Nhân và những người bạn - Ảnh 1.

Ánh mắt bác sỹ Roberto Des Castro trong một ca mổ

Bắt đầu từ người "thủ lĩnh" bác sỹ Roberto Des Castro - người chữa trị cho Thiện Nhân năm nào tại Ý, giờ đã tận tình đều đặn 10 năm bay sang Việt Nam để chữa cho nhiều trẻ em Việt Nam. Ông còn chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, mời thêm nhiều vị bác sỹ đồng nghiệp để cùng tham gia trong ekip của mình.

Tổng kết lại 10 năm qua, theo ông Greig Craft, chương trình đã có sức lan tỏa đến hàng nghìn người có hoàn cảnh khó khăn khác, và họ đã tìm đến Thiện Nhân and Friends như một niềm hy vọng cuối cùng tuy rằng chương trình còn nhiều khó khăn, cần nhiều cố gắng hơn nữa để bớt "lo lắng" về chi phí cho các gia đình, bệnh nhân, để thông tin về chương trình đến được với những gia đình ở vùng sâu, vùng xa. .

10 năm qua, con số thăm khám 1500 em, phẫu thuật lên tới 487 trẻ em. Đây là con số khá lớn về lượng người mắc dị tật bộ phận sinh dục và thực sự có thể còn nhiều hơn thế.

Hành trình 10 năm đầy cảm xúc của Thiện Nhân và những người bạn - Ảnh 2.

Bé Đan Thuơng sau khi vừa mổ

Điều đặc biệt là chi phí cho các ca phẫu thuật đều do các nhà hảo tâm trong và ngoài nước ủng hộ chứ không có một tổ chức nào tài trợ toàn bộ. Ông Greig cho rằng, đây là điều tự hào vì suốt 10 năm qua, chương trình luôn cần một số tiền lớn để giúp các em và chính người Việt Nam đã giúp người Việt Nam. Đây là một sự thay đổi nhận thức rất lớn và ông Greig đánh giá cao về điều đó.

Điều làm ông Greig đau đáu, đó là bởi điều kiện nên các bác sỹ chỉ có thể sang đây 1 năm 1 lần, điều đó khiến cho một số bệnh nhân phải chờ đợi, gia đình cũng chờ đợi và phải chăm sóc các em có sức khỏe xấu trong các điều kiện khó khăn để chờ tới lượt hẹn.

Năm 2019 đánh dấu một bước phát triển và đội ngũ các bác sỹ quốc tế tình nguyện sang Việt Nam để chữa trị miễn phí cho các em. Năm nay ngoài người thủ lĩnh là bác sỹ Roberto Descatro còn có 7 bác sỹ từ Ý, Nga, Belaruss tham gia.

Vị bác sỹ đáng kính Roberto De Castro sau khi tới Việt Nam chữa cho các em lần đầu tiên cách đây 13 năm đã thốt lên: "Việt Nam là đất nước có tỷ lệ các bé bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục nhiều nhất trên thế giới".

Hành trình 10 năm đầy cảm xúc của Thiện Nhân và những người bạn - Ảnh 3.

Một cuộc hội chẩn giữa các bác sỹ trong đợt khám vừa diễn ra trong tháng 11

Bác sỹ Roberto chia sẻ: "Lần đầu tôi gặp Greig, ông ấy bảo: Roberto – Việt Nam sẽ làm thay đổi cuộc đời ông!". Và cuộc đời của Roberto đã thay đổi thật sự. Hàng năm ông và những người cộng sự đã dành trọn kỳ nghỉ phép chỉ để tới Việt Nam thăm khám và phẫu thuật cho các em bé Việt Nam. Đem lại bao nụ cười, niềm tin, hy vọng, giảm thiểu sự đau đớn mặc cảm cho các em và gia đình, đó là những điều tốt đẹp mà Roberto cùng các cộng sự của mình đang nỗ lực thực hiện.

Với ông, niềm canh cánh duy nhất đó là tuổi tác của ông đã ngày càng cao, nên điều cần thiết là đào tạo, tìm kiếm những cộng sự trẻ để kế tiếp những dự án thiện nguyện, điều này được ông coi là sứ mệnh tối thượng.

"Chúng tôi đã thấy từ Hà Nội – TP Hồ Chí Minh- Đà Nẵng, thế hệ bác sỹ trẻ đã chủ động học hỏi, trực tiếp tham gia vào các ca mổ. Chúng tôi đã quan sát, vạch ra kế hoạch, phương án, và các bác sỹ trẻ đã trực tiếp mổ. Đó là điều tôi mong muốn. Mỗi lần nhìn lại hình ảnh các em bé, chúng tôi rất xúc động, cảm ơn đã tạo điều kiện cho chúng tôi được ở đây, để thấy cuộc đời này có ý nghĩa.".

Hành trình 10 năm đầy cảm xúc của Thiện Nhân và những người bạn - Ảnh 4.

Các bác sỹ trong một ca mổ

Trong đợt khám 9/11-14/11, tại Đà Nẵng, theo Th.s Bác sỹ Nguyễn Phi Phong (bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng), chỉ riêng ở Đà Nẵng khám sàng lọc 70 ca, phẫu thuật khoảng 26 ca, đa số tái tạo bộ phận tiết niệu, sinh dục, 1 số về rối loạn giới tính (Không rõ nam hay nữ), tỷ lệ trẻ em bị lỗ tiểu thấp, cao chiếm nhiều. Khoảng 1/250 bé sinh ra bị mắc bệnh này, bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ bị rối loạn giới tính cũng khá cao.

Bác sỹ Phong cho biết, bản thân ông cùng với các bác sỹ coi công việc này giống như "vá lỗi của tạo hóa" vì bản thân khi đứa trẻ sinh ra không hoàn chỉnh thì bổn phận của chúng tôi là giúp các em hoàn thiện để trở về cuộc sống bình thường. Ông và các đồng nghiệp của mình coi đây là sứ mệnh mà những người bác sỹ có thể dành hết tâm huyết để giúp các em.

Những ca phẫu thuật thường kéo dài từ 6- 9 tiếng và khá căng thẳng, các bác sỹ gần như kiệt sức, họ hầu như không ăn trưa, chỉ nghỉ giải lao đôi ba phút uống nước và ăn chút bánh. Tất cả đều tập trung cho các ca phẫu thuật.

Hành trình 10 năm đầy cảm xúc của Thiện Nhân và những người bạn - Ảnh 5.

Bữa trưa giữa giờ phẫu thuật của bác sỹ Gabriela Pelusi (Người Ý) trong ngày đầu tiên của kỳ mổ 14 trong Hành Trình Thiện Nhân. Đây là lần thứ 3 bác sỹ Gabriela đến Việt Nam mổ từ thiện. Chị tâm sự: "Tôi yêu đất nước các bạn, con người hiền lành, đồ ăn ngon. Trong tương lại tôi vẫn sẽ tiếp tục quay lại Việt Nam để mổ từ thiện". Vì tham gia mổ đợt này mà chị đã lỡ sinh nhật lần thứ 8 của con trai mình .

Ngoài ra, với sự tiếp đón nhiệt tình của các bác sỹ Việt Nam, đoàn bác sỹ quốc tế gồm các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chữa dị tật bộ phận sinh dục, đường tiết niệu, tái tạo bộ phận sinh dục của TN&F đã tổ chức trao tặng lại một số máy móc thiết bị y tế cho các bệnh viện VN, tổ chức các cuộc hội thảo trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ về chuyên ngành.

Theo ông Greig, hiện tại, tính tới năm 2019, Thiện Nhân and Friends đã tiến hành thăm khám cho 1500 em và sang 2020, có 1000 em đang trong danh sách chờ. Mỗi năm có từ 80- 100 em đang chờ được phẫu thuật. Nếu như vậy, sẽ mất 10 năm nữa để thực hiện điều này.

10 năm nữa, có lẽ là khoảng thời gian quá dài với các em đang phải chịu những khiếm khuyết của số phận và tạo hóa. Làm gì để giúp các em được vơi bớt những sự chịu đựng này, có lẽ không gì khác ngoài sự chung tay, góp sức của cộng đồng. Mỗi người chỉ cần bớt đi đôi chút sự tiêu thụ, giải trí, góp một số tiền nhỏ, nhiều người như vậy, sẽ giúp cho những mảnh đời bớt đi sự bất hạnh.

Hành trình 10 năm đầy cảm xúc của Thiện Nhân và những người bạn - Ảnh 6.

Ông Greig Craft (Chủ tịch Quỹ phòng chống thương vong châu Á) và chị Trần Mai Anh (sáng lập Thiện Nhân and Friends) chia sẻ về hành trình của Thiện Nhân and Friends và giới thiệu các người bạn đồng hành.

Vậy là còn rất nhiều việc phải làm, hành trình còn dài, chỉ mong sao luôn có những cánh tay ấm áp bên mình.

Nhìn lại hành trình 10 năm và nghĩ tới những năm tiếp theo chị Trần Mai Anh, người sáng lập TN&F nói: "Đời này cần phải tiết kiệm nỗi đau, tiết kiệm sự chịu đựng, tiết kiệm cả nước mắt. 1000 đứa trẻ khác đang còn chờ ở phòng mổ, không có chỗ nào cho sự bi lụy của tôi".


TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước