Đó là hoàn cảnh đáng thương của em Nguyễn Thị Nhàn (SN 1993, thôn Hồng Kỳ, Xã Hoằng Phụ, Huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Trong ngôi nhà xập xệ, đập vào mắt chúng tôi là cô gái trẻ thân hình gầy gò, xanh xao, một bên chân cụt cùng với khối u to đùng.
Cô gái trẻ không ngăn được những giọt nước mắt đang lăn dài trên khuôn mặt hốc hác khi nói chuyện với tôi. Em bảo mỗi đêm, em chỉ chợp mắt được 30 phút vì đau nhức và vì phải thấm dịch mủ chảy ra. Mỗi ngày trôi qua với em như địa ngục trần gian, đã hơn một lần em nghĩ đến cái chết. Chỉ có cái chết mới có thể giải thoát cho em hết những nỗi đau đớn này thôi.
Nhìn khối u đang rỉ máu và mủ ở chân em, nghe những lời nói tội nghiệp của em, quả thật tôi cũng không cầm được nước mắt, trái tim mình như thắt lại. Em chỉ mới 23 tuổi thôi, 23 tuổi em đã phải nghĩ đến cái chết để thoát những đớn đau nghe sao mà xót xa đến vậy.
Rồi em kể, vào năm 2012, chân phải của em bắt đầu xuất hiện những khối u to bất thường, màu đỏ. Khối u ngày càng to lên, gia đình đưa em ra bệnh viện Việt Đức khám thì được bác sỹ chẩn đoán em bị khối u lan tỏa, điều trị ở bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) hơn 2 tháng không thấy thuyên giảm, bác sỹ bảo em phải mổ cưa bỏ chân.
Không muốn con trở nên tàn phế, gia đình đã từ chối phẫu thuật cưa chân và chuyển em sang bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khám. Ở bệnh viện này, bác sỹ chẩn đoán em bị u xơ thần kinh chuyển dạng ác tính. Điều trị ở bệnh viện 108 hơn hai tháng, qua 4 lần phẫu thuật cắt bỏ khối u, Nhàn xuất viện về bệnh viện đa khoa Huyện Hoằng Hóa để xạ trị.
Những tưởng khối u của em đã khỏi, nhưng chỉ 3 tháng sau, những khối u lại tiếp tục phát triển. Nhàn trở lại bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tái khám. Tại đây, bác sỹ chỉ định em phải phẫu thuật cưa cắt chân để cứu mạng sống.
Không còn cách nào khác, tháng 2/2016, cô gái trẻ đau đớn chấp nhận cắt bỏ 1/3 chân trên đùi. Sau phẫu thuật cưa chân, nửa tháng sau em được xuất viện về nhà. Tưởng rằng chấp nhân cưa chân, chấp nhận tàn phế thì những khối u kia sẽ buông tha. Nào ngờ, chưa được một tháng sau, khối u lại xuất hiện ngay tại đầu chân phải ở vị trí em cưa chân. Lần này, khối u càng to và phát triển nhanh chóng mặt.
Nhà nghèo, để có thể đưa em đi viện, gia đình em phải chạy vạy khắp nơi mới có tiền đưa em đi. Nhàn lại trở lại bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để khám. Bác sỹ bảo phải điều trị bằng cách truyền hóa chất và xạ trị. Thấy hoàn cảnh nhà khó khăn, nhìn người bố tật nguyền và đàn em nheo nhóc, Nhàn từ chối xạ trị hóa chất, xin về chờ chết. Thương con nhưng mẹ Nhàn đành bất lực, hai mẹ con ôm nhau khóc dắt díu nhau trở về nhà. Từ ngày về nhà đến nay đã được 7 tháng, khối u càng lúc càng to, không những đau đớn, nó còn bị loét, chảy dịch, chảy máu mủ rất nhiều.
Nhìn con, bà Trương Thị Nhạn, mẹ Nhàn đau đớn thắt lòng, một mình bà chèo chống nuôi cả gia đình bằng vài sào ruộng và bằng những công việc làm thuê làm mướn. Người mẹ ấy bất lực vì không có tiền chữa trị cho con. Bởi lấy tiền đâu khi một vai bà gánh chồng, vai kia bà gánh bốn đứa con.
Hai mươi năm nay ông Nguyễn Văn Thành, bố của Nhàn bị tai nạn lao động trong một lần đi làm gạch. Chiếc máy gạch nghiền nát một chân của ông. Không những thế, ông còn bị u máu, những khối u như những cục thịt bằng quả nhãn mọc lên khắp người. Ông không có khả năng lao động, chỉ quanh quẩn ở nhà làm những công việc vặt vãnh. Dưới Nhài còn có em gái bị dị tật teo xương do hồi nhỏ bị ngã và hai đứa em đang tuổi đi học.
"Cả gia đình có 3 sào ruộng thôi, tôi cố cấy lấy gạo ăn. Hàng ngày ai thuê gì thì làm nấy, mong kiếm được vài đồng mua mớ rau, con cá cho con. Nhưng mấy năm nay, tôi không đi làm được vì phải đưa Nhàn đi chữa bệnh. Không có tiền, tôi phải vay mượn khắp nơi, số tiền lên đến gần 200 triệu đồng rồi, không biết bao giờ mới trả được, vậy mà con tôi vẫn phải đối mặt với cái chết" –Bà Nhạn vừa nói vừa gạt những giọt nước mắt đang thi nhau chảy.
Nước mắt người mẹ nghèo bất lực khi không có tiền chữa trị cho con sao mà đắng đót đến thế. Tôi cảm nhận được nỗi đau trong trái tim bà – nỗi đau ấy hẳn phải ngang bằng nỗi đau thể xác mà con gái bà đang phải chịu đựng. Câu nói "giá mà ông trời bắt tôi gánh bệnh thay con thì tôi cũng xin gánh thay cho nó" của bà khiến ai cũng thấy xót xa.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online.