Mẹ hiền của những trẻ khuyết tật trí tuệ

Theo Nguyên Linh/TTXVN-Thứ tư, ngày 19/04/2017 07:18 GMT+7

Cô Ái Vân bên học sinh của mình.

VTV.vn - 17 năm gắn bó với học sinh khuyết tật trí tuệ ở cô giáo Phương Ái Vân (tỉnh Bình Định) thấu hiểu được sự mất mát của những đứa trẻ không bình thường này.

Bằng tình yêu thương và lòng kiên nhẫn, cô Ái Vân đã vượt qua những khó khăn để dìu dắt, giúp đỡ các em vượt qua nỗi sợ hãi, cô đơn; dạy các em biết phân biệt đúng sai, biết bảo vệ bản thân, tự tin hòa nhập cộng đồng.

Năm 1999, tốt nghiệp khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn, Phương Ái Vân được nhận vào dạy một trường tiểu học công lập ở thành phố. Thế nhưng, một năm sau, cô xin vào dạy chữ cho trẻ câm điếc ở Cơ sở dạy nghề Nguyễn Nga (sau này chuyển thành Trường chuyên biệt Hi Vọng Quy Nhơn) trước sự ngỡ ngàng của mọi người.

Cô Ái Vân chia sẻ: "Từ nhỏ mình gặp nhiều em bị khuyết tật, trẻ câm điếc, chịu quá nhiều thiệt thòi, bất hạnh, thấy tội nghiệp lắm. Khi ra trường đi dạy, mình muốn góp một phần nhỏ bé để giúp những trẻ khuyết tật, trẻ câm điếc có được kiến thức, kỹ năng sống để các em có thể xây đắp tương lai tươi sáng hơn, vậy nên mình đã rẽ qua dạy học sinh khuyết tật". Ban đầu, cô Ái Vân được giao dạy các em khiếm thính, ba năm trở lại đây, với những sáng kiến kinh nghiệm giúp trẻ khuyết tật trí tuệ được áp dụng thành công, cô được giao chủ nhiệm lớp khó nhất trường – học sinh mắc hội chứng down và tự kỷ tăng động.

Tận mắt nhìn thấy cô dạy trẻ khuyết tật trí tuệ, tự kỷ tăng động mới thấy được những khó khăn, nhọc nhằn. Bởi khi đến lớp, những đứa trẻ ấy không hề biết một kỹ năng nào, dù đơn giản nhất như xúc cơm ăn, mặc quần áo, đi vệ sinh cho đến khả năng ngôn ngữ, giao tiếp. Năm 2013, cô Ái Vân thực hiện đề tài "Xây dựng phòng học kỹ năng sống và phục hồi chức năng cho học sinh khuyết tật trí tuệ", với việc hình thành một phòng học đặc biệt có 7 góc kỹ năng gồm: góc lễ phép, học tập, vệ sinh, ăn uống, giao thông, ngăn nắp và góc phục hồi chức năng. Mỗi góc đều có hình ảnh minh họa từng động tác và câu hướng dẫn thích hợp với từng chủ đề giúp các em khuyết tật trí tuệ dễ tiếp thu, dễ vận dụng vào thực tế. Kết quả là trẻ có kỹ năng tự chăm sóc bản thân, dễ dàng hòa nhập xã hội. Sáng kiến này được Hội đồng giám khảo của trường xếp giải A và Hội đồng giám khảo cấp tỉnh xếp giải C bởi tính hiệu quả của nó.

Năm học 2014-2015, cô Ái Vân tự tay thiết kế và làm ra bộ đồ dùng học tập bằng những hình ảnh gần gũi với cuộc sống xung quanh, bao gồm 10 chủ đề như đồ dùng gia đình, đồ dùng học tập, hình khối, môi trường xung quanh, phương tiện giao thông, thể thao, thiên nhiên... Sau một thời gian dạy bài thực nghiệm với bộ đồ dùng trên hai lớp, kết quả cho thấy, học sinh hứng thú tham gia vào bài học nhiều hơn, trên 90% học sinh đã phát triển tốt các khả năng quan sát, so sánh, khái quát. Cô Ái Vân tiếp tục được Hội đồng giám khảo cấp tỉnh trao giải C với sáng kiến này.

Ở trường chuyên biệt, nhiều học sinh mắc chứng hoảng sợ đám đông, sợ đi học, sợ đi cầu thang. Do đó, năm học 2015-2016 cô tập trung nghiên cứu, tìm tòi những cách thức để giúp các em xóa tan nỗi sợ hãi đó. Đề tài "Ứng dụng kỹ thuật giải mẫn cảm hệ thống vào can thiệp cho một trường hợp trẻ khuyết tật trí tuệ bị ám ảnh sợ cầu thang" của cô Ái Vân đã thành công khi đứa trẻ khuyết tật trí tuệ đã không còn nỗi sợ hãi khi đi cầu thang chỉ sau 12 buổi can thiệp bằng kỹ thuật giải mẫn cảm hệ thống. Sáng kiến này được Hội đồng giám khảo cấp tỉnh xếp giải B năm 2016.

Cô cho biết, cô chủ nhiệm lớp đặc biệt có nhiều học sinh cá biệt, khó khăn về nhận thức và luôn có những hành vi bất thường, do đó cô luôn phải gần gũi, yêu thương vỗ về các em. Ba năm nay, sau giờ học ở lớp, cô Ái Vân đều đặn chở hai học sinh 10 tuổi (bị tự kỷ tăng động nặng) về nhà mình để kèm cặp, hỗ trợ thêm. Chị Nguyễn Thị Thủy, mẹ của em K. chia sẻ: "Nhờ cô Vân tận tình giúp đỡ, kèm cặp mà cháu K. đã có những tiến bộ rõ rệt. Từ chỗ cháu không biết nói, suốt ngày la hét đập phá đồ đạc, không biết tự vệ sinh cá nhân, nay cháu đã biết nói ngọng nghịu, biết vâng lời và biết đi vệ sinh. Cô Vân hết lòng yêu thương các em khuyết tật nên vợ chồng chúng tôi rất yên tâm nhờ cô giúp đỡ".

Cô Huỳnh Thị Kim Anh, Phó hiệu trưởng Trường Chuyên biệt Hy Vọng Quy Nhơn nhận xét: "Cô Vân là người cần mẫn trong công việc, chịu khó nghiên cứu, sáng tạo; đã tìm ra những phương pháp dạy trẻ khuyết tật rất hiệu quả. Những học sinh đặc biệt với hội chứng tự kỷ, tăng động rất là nặng đã được cô chăm sóc dạy dỗ rất tận tình, học sinh được cô yêu thương hết mực. Với nhiều sáng kiến được áp dụng thành công vào thực tế đã giúp trẻ khuyết tật trí tuệ của trường có kỹ năng sống tốt hơn".

Những cống hiến của bản thân cô Ái Vân đối với sự nghiệp giáo dục trẻ khuyết tật đã được ghi nhận qua những tấm bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh Bình Định; danh hiệu tuổi trẻ sáng tạo, chiến sĩ thi đua các cấp. Cô đã được tuyên dương trong Chương trình tôn vinh Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc 2016 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Hơn 17 năm gắn bó với nghề giáo viên chuyên biệt, với bao nhọc nhằn nhưng chưa bao giờ cô Ái Vân nghĩ đến việc bỏ nghề, từ bỏ những đứa trẻ khuyết tật tội nghiệp. Niềm hạnh phúc nhất đối với cô là thấy học sinh của mình thoát khỏi nỗi sợ hãi, biết bảo vệ bản thân, vượt qua mặc cảm để hòa nhập cộng đồng.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước