"Kén" là dự án đầu tiên mà các thành viên Tổ chức PIE (Tổ chức thúc đẩy sáng kiến và dự án trẻ) thực hiện tại Trường Trung học cơ sở Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Đây là chương trình dạy tiếng Anh miễn phí dành cho học sinh ở hai khối 6, 7. Giáo viên đứng lớp là các học sinh đến từ Trường Trung học Phổ thông chuyên Phan Bội Châu, Trường Trung học Phổ thông Huỳnh Thúc Kháng, Trường Trung học Phổ thông chuyên Đại học Vinh và một số sinh viên đến từ các trường đại học.
Nói về chương trình này, Đinh Tiến Đạt, học sinh lớp 11 chuyên Anh, Trường Trung học Phổ thông chuyên Phan Bội Châu - đồng Chủ tịch Tổ chức PIE chia sẻ: "Tổ chức của chúng em hoạt động trên tinh thần tự nguyện, với mục đích triển khai các dự án hướng đến cộng đồng. Riêng với dự án "Kén", thông qua các lớp học Tiếng Anh, chúng em sẽ trau dồi cho học sinh kỹ năng giao tiếp, nghe nóiừ đó tạ, to tiền đề để trong năm học mới thành lập một Câu lạc bộ tiếng Anh tại trường, giúp các em có môi trường học tập tiếng Anh thực sự. Chúng em mong sau khóa học này, học sinh ở đây sẽ tự tin, vượt qua trở ngại của bản thân "tự xé nát cái kén" của mình để sớm tiến bộ."
Với nhiệt huyết của những "thầy giáo, cô giáo" trẻ, những giờ học tiếng Anh ở đây khác nhiều so với tiết học thông thường. Mỗi buổi học, học sinh sẽ được học một chủ đề khác nhau như về người nổi tiếng, môi trường, thời trang, hoạt hình. Giáo viên đứng lớp, dựa trên các chủ đề sẽ chuẩn bị bài giảng theo giáo án điện tử, để học sinh có thể "vừa học vừa chơi" nhưng vẫn rèn luyện được kỹ năng nghe nói, đọc, viết. Để tăng thêm sự tập trung, thích thú, vào cuối buổi học, tình nguyện viên sẽ phát một phần quà nhỏ dành học sinh xuất sắc, tích cực...
Nguyễn Tuấn Linh, học sinh lớp 7A, Trường Trung học cơ sở Phúc Thọ cho biết: Các anh chị dạy rất dễ hiểu, theo từng chủ đề nên lớp học rất vui nhộn. Tuy tham gia lớp học được gần một tháng nhưng vốn tiếng Anh của em tốt hơn rất nhiều.
Trước đó, để tổ chức được lớp học này các thành viên của PIE đã khảo sát thực tế tại nhiều trường học thuộc các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Tại đây, thông qua những bài kiểm tra ngắn, các thành viên sẽ đánh giá trình độ, kỹ năng tiếng Anh của học sinh và ưu tiên triển khai dự án ở những trường thuộc vùng khó, năng lực học sinh còn nhiều hạn chế. Lần đầu tiên được đứng lớp trong vai trò của một giáo viên, em Phan Hồng Nhung, học sinh lớp 11 chuyên Anh – Trường Trung học Phổ thông chuyên Đại học Vinh chia sẻ: Tiếng Anh là một công cụ hữu ích trong cuộc sống, nhưng không phải ai cũng có cơ hội được tiếp xúc, được thể hiện. Bản thân em, khi mới tham gia chương trình rất lo lắng, nhưng qua các buổi dạy, em thực sự thích thú vì thấy được sự hào hứng của các bạn nhỏ và từng bước giúp các em đến gần hơn với tiếng Anh.
Nguyễn Thanh Hiền, học sinh lớp 10 chuyên Anh – Trường Trung học Phổ thông chuyên Phan Bội Châu tâm sự: Lớp học của chúng em tuy quy mô nhỏ nhưng qua mỗi một buổi học, không chỉ các bạn nhỏ, chúng em cũng cũng trưởng thành rất nhiều. Với em, được tham gia dự án này là một may mắn. Qua đó, chúng em có cơ hội giúp đỡ những học sinh khó khăn, được trau dồi kỹ năng tiếng Anh của bản thân. Đây cũng là dịp để chúng em làm quen với nhiều thành viên mới, trải nghiệm các kỹ năng làm việc nhóm, có ý thức hơn với các hoạt động cộng đồng.
Việc tổ chức lớp học cũng nhận được sự quan tâm của tỉnh đoàn Nghệ An, các tổ chức xã hội, các nhà trường. Bản thân các tình nguyện viên, trước khi dự án đi vào hoạt động đã chủ động kêu gọi sự hỗ trợ của các đơn vị, không ngại khó khăn đến làm việc với các cơ quan chức năng để chương trình được triển khai thuận lợi, đúng quy trình.
Chứng kiến sự nhiệt tình của các thành viên, cô giáo Nguyễn Thị Khánh Thu, Phó Hiệu trưởng trường Trung học Cơ sở Phúc Thọ chia sẻ: Học sinh của trường ở xa trung tâm, phụ huynh chủ yếu làm nông nghiệp, ngư nghiệp nên các em không có nhiều cơ hội để học, trau dồi tiếng Anh. Vì thế, khi các em được học chương trình này, các em rất say mê, thích thú. Cô Khánh tin tưởng sau thành công của chương trình, trong năm học tới, câu lạc bộ Tiếng Anh của nhà trường sẽ đi vào hoạt động hiệu quả, phát huy được năng lực của từng học sinh.
"Điều đáng quý của các tình nguyện viên đứng lớp không chỉ vì họ hy sinh việc cá nhân để đến với lớp học hàng tuần, mà còn ở sự kiên trì, nhẫn nại", cô giáo Nguyễn Thị Khánh Thu nói.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!