Tốt nghiệp đại học chuyên ngành giáo dục thể chất, rồi trở thành thầy giáo thể dục ở một trường THPT của huyện, những tưởng Nguyễn Văn Ngợi (sinh năm 1985, xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh) sẽ gắn đời mình với sự nghiệp “trồng người”. Không may cha anh đột ngột qua đời, để lại hơn chục con trâu, bò không người chăn nuôi. Là con trai lớn phải gánh vác gánh nặng gia đình thay cha, Ngợi vừa đi làm, vừa sắp xếp thời gian để chăm sóc, phát triển đàn trâu, bò. Nguyễn Văn Ngợi tâm sự với chúng tôi: Những ngày đầu lập nghiệp khó khăn, vất vả, vừa thiếu vốn để phát triển và nhân đàn gia súc, lại lo sợ dịch bệnh bất ngờ xảy ra. Nhưng với sức trẻ, cộng với “thú” ham làm giàu, Ngợi đã mạnh dạn vay vốn của anh em, họ hàng đầu tư mua thêm 15 con bò và nghé để chăn thả. Vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước, vừa trau dồi thêm kiến thức từ sách vở, đến nay Ngợi đã gây dựng được đàn trâu, bò với số lượng trên 200 con. Cùng với phát triển chăn nuôi trâu, bò, phát huy lợi thế địa bàn vùng núi, Ngợi tiếp tục đầu tư mua thêm 150 con dê và 70 con lợn cỏ để chăn thả. Dự tính tổng tài sản của Nguyễn Văn Ngợi hiện nay cũng trên, dưới 4 tỷ đồng. Nói về Ngợi, những nhà nông trẻ ai cũng nhất nhất phong cho anh là “gã du mục” tiền tỷ, xứng đáng là một trong 8 nhà nông trẻ của Thanh Hóa nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2012.
Đến trang trại của Hoàng Văn Nghĩa (sinh năm 1982, Bí thư Đoàn xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc), chủ trang trại nuôi lợn theo hướng công nghiệp, chủ mô hình cá - lúa, chúng tôi được biết, Nghĩa cũng là nhà nông trẻ nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2012. Đứng trước quy mô trang trại của tỷ phú trẻ này, không chỉ chúng tôi mà nhiều nhà nông trẻ có dịp ghé thăm mô hình chăn nuôi của Nghĩa cũng phải xuýt xoa, cảm phục. Hoàng Văn Nghĩa, chia sẻ: “Trải qua nhiều thăng trầm, thất bại đã giúp mình có thêm kinh nghiệm, kiến thức và ý chí quyết tâm để thực hiện ước mơ làm giàu”. Cuối năm 2008, Nghĩa đã “liều mình” xây dựng trang trại nuôi lợn theo hướng công nghiệp quy mô 500 con, với tổng diện tích trang trại là 3.275m2 (trong đó diện tích chuồng nuôi, nhà kho và công trình sinh hoạt là 1.050m2, diện tích xây dựng mô hình cá - lúa 500m2 , tổng kinh phí ban đầu là 830 triệu đồng; hệ thống hầm biogas với khối lượng 160 m3, hệ thống hầm chứa kín với khối lượng 763m3). Hiện nay, riêng thu nhập từ chăn nuôi lợn với 2 lứa/năm đạt từ 200 đến 300 triệu đồng; mô hình cá - lúa cho thu nhập khoảng 80 triệu đồng/năm. Tổng thu nhập bình quân (đã trừ chi phí) được khoảng 220 triệu đồng/năm. Ước tính tổng giá trị tài sản của ông chủ trẻ Hoàng Văn Nghĩa đạt gần tỷ đồng.
Sinh năm 1984, Lê Thiên Lâm, xã Quảng Tân (Quảng Xương) vừa là hội viên Hội Làm vườn và Trang trại Thanh Hóa, vừa là ông chủ mô hình nuôi cá lóc, cá rô đầu vuông, rô phi hồng, rô phi Trung Quốc, cá vược..., phục vụ giống cho địa phương và cung cấp ra toàn miền Bắc, trị giá hàng tỷ đồng. Gặp gỡ, trao đổi với Lâm chúng tôi được biết, với 8 ha diện tích nuôi cá giống, doanh thu hàng năm của anh khoảng trên 7 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 10 lao động thường xuyên và 10 lao động thời vụ với mức thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng. Với những thành tích nổi bật, Lê Thiên Lâm xứng đáng nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2012 và Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.
Thành công bằng những cách làm khác nhau, song 8 bạn trẻ nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2012 của Thanh Hóa đều có tuổi đời còn rất trẻ, chung một xuất phát điểm là khởi nghiệp với nhiều khó khăn, thất bại. Nhưng trên con đường đi tới thành công của những tỷ phú chân đất, điều quan trọng ở họ là đã biết chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống và cùng vươn lên làm giàu từ “nghiệp đất”.