Xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội từ ngàn xưa vẫn luôn khoác lên mình tấm áo bình yên và trong trẻo. Thế nhưng, trong sự bình yên ấy, vẫn có những số phận luôn trăn trở với những nỗi niềm và sự khó khăn trong cuộc sống. Đó là những nạn nhân đang mòn mỏi sống trong nỗi đau đớn do chất độc da cam.
Do ảnh hưởng của chất độc da cam, anh Nguyễn Văn Thành, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Được sự giúp đỡ của Trung tâm bảo trợ nạn nhân da cam Việt Nam, năm 2004, anh Nguyễn Văn Thành đã có công việc ổn định để chăm lo gia đình nhỏ bé của mình.
Cũng như anh Nguyễn Văn Thành, chị Đỗ Thị Vân là một trong những nạn nhân chất độc da cam tại xã Tiến Xuân. Năm nay chị Vân đã bước sang tuổi 40. Khi những người phụ nữ khác đã yên bề gia thất, ấm êm với hạnh phúc gia đình, chị vẫn đơn côi. Số phận trớ trêu đã đẩy người phụ nữ ấy vào bi kịch cuộc đời. Ước mơ giản dị là làm sao có được một cuộc sống tự lập cũng xa vời như chính khát vọng lứa đôi.
Trong những lúc khó khăn nhất cuộc đời, một phép màu đã xảy ra. Chị Vân cũng như hàng trăm nạn nhân chất độc da cam ở xã Tiến Xuân không có người nuôi dưỡng, những con người được coi là bất hạnh nhất trong số những người bất hạnh, đã được sống quây quần bên nhau trong một mái nhà chung mang tên Trung tâm bảo trợ xã hội nạn nhân da cam Việt Nam.
Trung tâm bảo trợ xã hội nạn nhân da cam Việt Nam được xây dựng với số tiền 594 triệu đồng trên diện tích 21ha, gồm 68 phòng ở, 8 phòng họp, nhà giải độc riêng, 120m2 nhà dạy về cắt may.
Tại Trung tâm, những nạn nhân da cam được nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh và dạy nghề, được dìu dắt sống hòa nhập cùng cộng đồng xã hội. Mặc cảm số phận của những nạn nhân da cam nơi đây đã được xoa dịu nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương và cộng đồng.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.