Người phụ nữ Mông không biết chữ nuôi 2 con vào đại học

Văn Quân-Thứ năm, ngày 21/11/2013 15:37 GMT+7

 Ngại Trầu là một thôn nằm khuất nẻo, lặng lẽ trong sương mù Y Tý (xã Y Tý, huyện Bát Xát tỉnh Lảo Cai.) Tôi quen với chị Sùng Thị Si, người phụ nữ dân tộc Mông phúc hậu, hay cười hay nói ấy đã năm năm rồi.

Và đợt lên Y Tý lần này, tôi có ghé qua thăm chị và gia đình. Cũng thật bất ngờ, hai đứa nhóc năm năm trước thấy người lạ còn e dè lẩn trốn thì nay đã tay xách nách mang quần áo sách vở xuống dưới xuôi theo học tại hai ngôi trường đại học danh tiếng. Và ở nơi chỉ có đá hộc và sương mù quanh năm này thì đó là một kỳ tích. Kỳ tích của người quyết theo đuổi con chữ và kỳ tích của cả người biết nâng niu những hạt ngô củ sắn, dành dụm chắt chiu cho con cái theo đuổi sự học hành, với ước mong thoát nghèo thoát khổ.

‘ Sùng Thị Si kể chuyện đời mình

Thân gái như hạt mưa sa

Không hổ danh là con đường tuần biên cao nhất Đông Dương, đường lên Y Tý có thể nói là đủ để thách thức sự gan dạ của những người ưa mạo hiểm. Chiếc xe bán tải Toyota Hilux một cầu của chúng tôi cứ nhảy chồm chồm trên đá gộc, bùn nhão và những ổ "khủng long" mà người đi bộ còn mướt mồ hôi mới có thể vượt qua. Mặc dù trở lại Y Tý lần thứ hai nhưng cũng mất 4 giờ đồng hồ vật lộn, cuối cùng chúng tôi mới có mặt ở Y Tý khi mà sương mù đặc quánh đã sà xuống tận mặt đất, cuốn lấy chân những người khách lạ. Ôm theo đống túi ngủ nặng trịch, chúng tôi đang tìm chỗ khuất gió và khô ráo để ngả lưng thì may mắn thay nhìn thấy dòng chữ "Nhà trọ" gắn trên tầng 2 của một ngôi nhà còn thơm mùi gỗ mới.

Ra mở cửa đón khách là một người đàn bà khoảng chừng 50 tuổi, nói tiếng Kinh còn chưa sõi. Mất vài phút nhận mặt, tôi nhận ra Sùng Thị Si, chỉ có điều, bây giờ chị đã béo và trắng hơn năm năm trước. Chị Si cười bẽn lẽn bảo, con cái đi học xa hết, chị đầu tư tất cả vốn liếng sang kinh doanh nhà trọ, chị mở được hơn năm rồi.

Sùng Thị Si sinh ra trong một gia đình có đến 10 người con mà chị là con cả. Bố mẹ chị ly hôn từ nhỏ nên từ nhỏ, co bé Si đã phải giúp mẹ một tay nuôi 9 đứa em. Chị không nhớ mình đi làm thuê cho người ta từ khi nào, chỉ nhớ rằng lúc đó chị còn bé tí. Lần đầu dắt trâu đi chăn, người ta thấy Si đứng không bằng mũi con trâu nên không thuê nữa. Si khóc cạn nước người ta mới thương mà nhận thuê. Thế nhưng đi làm thuê cả ngày cũng chỉ được ba bát gạo mang về nấu cháo với rau rừng cho các em ăn. Si thì ăn tất cả những gì có thể nhặt nhạnh được trên rừng để làm no cái dạ dày. Có lần không kiếm được gì ăn, cô bé đói lả người đi, may được một chị ở gần chỗ thả trâu thương nên lấy trộm của gia đình một nắm xôi nếp mang cho.

Đến giờ Sùng Thị Si bảo, chị vẫn không quên được hương vị của nắm xôi ngày đó. "Năm tôi 16 tuổi, một người cán bộ trong thôn thấy tôi nhanh nhẹn, tháo vát liền hỏi có muốn đi làm cán bộ phục vụ cách mạng không. Nghe vậy tôi thích lắm và nhận lời ngay. Thế nhưng khi về nhà nói với mẹ thì mẹ cười bảo: "Mày mà đi làm cán bộ được thì tao tự lấy dây xỏ vào mũi cày hết quả núi Nhù Cù San cho mày xem". "Nghe vậy, tôi rất buồn. Nào ngờ ít ngày sau thì ông cán bộ thôn mang giấy sang gọi. Vì không biết chữ nên tôi đã hỏi đường ông cán bộ thật kỹ để nhớ trong đầu rồi cầm tờ giấy đó vượt rừng mấy ngày đêm đi đến tận đồn biên phòng ở Bát Xát. May sao ở đó, tôi gặp được một đồng chí cán bộ tên là Sùng A Sả cũng là người dân tộc Mông. Nhờ đó, tôi mới bắt đầu bập bẹ học tiếng Kinh và làm quen dần với nhiệm vụ mới. Đó là năm 1979."

Trở lại Y Tý lần này, có thể là gặp người quen cũ, cũng có thể do công việc kinh doanh, cơ hội "va chạm" giao tiếp đã nhiều hơn nên Sùng Thị Si khá mặn chuyện. Mà cũng có thể, con cái học hành thành đạt, công việc mưu sinh không quá gian nan như trước làm cho chị thấy thảnh thơi và dễ cởi lòng hơn chăng? Hoặc cũng có thể tất cả các nguyên nhân trên công lại mà tôi thấy ở chị Sùng Thị Si rất háo hức kể chuyện đời mình. "Tham gia đơn vị thanh niên xung phong làm công việc mở đường, với những người ở thành thị hoặc vùng đồng bằng lên thì đây là một công việc nặng nhọc, còn với tôi thì tôi chưa thấy công việc nào nhẹ nhàng như thế. Ở nhà tôi làm việc còn vất vả hơn nhiều. Ở đây chỉ có gánh đất đá và đào đường mà lại được ăn no, không phải đói cái bụng. Khổ nỗi, vì ăn toàn rau rừng, củ rừng quen nên khi được ăn cơm trắng với thịt, cá có muối, mì chính thì tôi lại… không nuốt nổi. Phải 3, 4 tháng sau, dưới sự bắt ép của các đồng chí thủ trưởng đơn vị, tôi mới bắt đầu thấy ngon miệng với cá, thịt và thấy mình càng có nhiều sức khỏe để phục vụ cách mạng."

Sau 5 năm đi thanh niên xung phong, năm 1984, đơn vị điều chuyển chị Si lên Y Tý làm thông dịch viên tiếng Mông cho các cán bộ miền xuôi lên công tác. Đến năm 1986, chị Si được cử đi học Trung cấp Thương nghiệp tại Yên Bái. "Kể lại buồn cười lắm, thời điểm này tôi mới chỉ có thể nói ngọng nghịu tiếng Kinh còn chữ quốc ngữ thì mù tịt, không biết gì. Vào trường, tôi mới nhờ mọi người dạy cho nhận mặt được bảng chữ cái và viết được một số từ dễ nhớ. Bạn bè ai cũng bảo "mày không biết chữ thì học làm sao được, về đi thôi". Thế nhưng tôi không về. Tôi nghe giảng và cố nhớ, làm bài tập thì nhờ bạn giúp đỡ. Thật bất ngờ, sau một năm học tôi cũng được cấp bằng tốt nghiệp như mọi người."

‘ Ngôi nhà 2 tầng khang trang làm chốn dừng chân cho khách du lịch

Nuôi 2 con vào đại học

Theo như hồi ức của Sùng Thị Si, ra trường, chị được điều về Y Tý làm mâu dịch viên chuyên bán hàng lương thực, thực phẩm cho bà con trong vùng. 2 năm sau, 1990 chị lại được trên điều chuyển về làm tại trường nội trú số 2 của xã. Lúc đó, trường mới thành lập, chỉ có 2 giáo viên người Kinh, 3 giáo viên người Hà Nhì và chị Si. Vì không giỏi chữ nên chị nhận làm tất cả các việc như quét dọn, trông coi, giữ đồ, pha trà, nấu nước phục vụ học sinh và các thầy cô giáo.

Lúc này Sùng Thi Si cũng đã 30 tuổi nhưng vẫn chưa được người đàn ông nào hỏi làm vợ. Đàn ông dân tộc Mông thì bảo Si đi theo người Kinh, học theo người Kinh, không còn là người Mông nữa nên không lấy. Người Kinh thì toàn cán bộ nên chị cũng không được tiếp xúc nhiều. Lúc đầu chị đi xin em gái một đứa con về nuôi nhưng thằng bé lớn lên rất hư, cứ nghe người xấu về nhà chửi chị. Cuối cùng, người đàn bà bất hạnh này đưa ra một quyết định táo bạo là đi xin một đứa con về rồi tự đẻ, tự nuôi. Bây giờ nghĩ lại chị mới thấy ngượng ngùng chứ thời ấy, khát vọng được làm mẹ, được chăm sóc con cái nó lớn hơn bất kỳ một trở ngại nào. Được cái người Si xin con vẫn chưa có vợ nên không làm ảnh hưởng đến gia đình của người ta sau này. Đằng nào thì cũng mang tiếng rồi, Si xin liền… 2 đứa con gái, đặt tên là Thương và Tâm.

Đằng đẵng chừng ấy năm, một tay Si nuôi chúng khôn lớn, nên người. Đến nay, chị vẫn giấu và các con vẫn không biết được bố chúng là ai. Một nách 2 con nhỏ, đồng lương của nhà trường không đủ, Si phải nuôi thêm con gà, con lợn, trồng thêm củ sắn, cây ngô để có tiền nuôi con. Năm cái Thương đến tuổi đi học, cán bộ xã bảo con chị là con ngoài giá thú nên không cho đến trường nội trú. Si lại lặn lội xuống tận tỉnh hỏi cán bộ để cho con được đi học. Bù lại sự vất vả của mẹ, 2 cô con gái đều học rất giỏi và chăm ngoan.

Cô con gái lớn Sùng Thị Huyền Thương năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, từng đạt giải 3 môn Văn và môn Sử cấp tỉnh, được nhận học bổng Vừ A Dính và được tuyển thẳng vào Đại học. Hiện nay Thương đang là sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Kinh tế Thái Nguyên. Cô con gái thứ 2 Sùng Thị Tâm cũng tiếp bước chị trở thành sinh viên năm thứ 1 trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên.

Đến nay dù vẫn phải vất vả thức khuya dạy sớm để nuôi lợn, nuôi gà kiếm thêm tiền gửi cho các con ăn học nhưng Si rất vui. Cách đây hơn một năm thấy có đông khách du lịch tìm lên Y Tý, chị đã quyết định dồn toàn bộ số tiền mấy chục triệu tích cóp cả đời để dựng lên ngôi nhà gỗ 2 tầng khang trang làm dịch vụ cho thuê nghỉ trọ.

Đó cũng là cái duyên để chúng tôi gặp lại chị, có cơ hội lắng nghe chuyện đời của một người đàn bà Mông, dẫu sống một mình nơi hoang thẳm xa tít tắm nhưng bản thân chị đã viết được một câu chuyện đẹp, kết thúc đầy có hậu giữa vùng đấy Y Tý quanh năm sương mù bao phủ…

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước