Người Sa Pa đổi đời nhờ cây Atiso

Hằng Nga-Thứ hai, ngày 19/03/2018 15:43 GMT+7

VTV.vn - Bà con Sa Pa, Lào Cai đổi đời nhờ Atiso - cây dược liệu cho thu nhập cao gấp 5 lần trồng lúa và gấp 10 lần trồng ngô.

Trong ngôi nhà ốp gỗ rộng 100m2 rất đẹp ở thôn Suối Hồ, xã Sa Pả, huyện Sa Pa, Lào Cai, gia đình anh Thào A Từ (38 tuổi) sống rất tiện nghi và hạnh phúc. Trong nhà có xe máy mới, tivi mới, con cái đều được đi học. Ít người biết tất cả các thành quả này mới được gây dựng dần trong 7 năm nay, kể từ khi gia đình trồng Atiso và được Công ty Traphaco thu mua hết.

Đổi đời nhờ cây dược liệu

Kể lại hành trình lập nghiệp của gia đình, anh Từ cho hay, trước 2011 gia đình anh hầu như không có việc làm cố định, ngày mùa anh trồng rau nhưng đất trồng rau cứ 2 năm lại thoái hoá, năng suất rất thấp, ngày nông nhàn anh và vợ đi làm thuê nhưng cuộc sống vẫn khó khăn.

Năm 2011, anh Từ bắt đầu tham gia trồng Atiso và bán cho Công ty Traphaco. Trung bình mỗi vụ gia đình trồng khoảng 3000 m2 đất và thu được khoảng 100 triệu đồng tiền bán lá Atiso, trừ chi phí giống, nhân công, vợ chồng anh Từ và các con thu được 70 triệu đồng tiền lời, quả là một mức thu nhập rất đáng mơ ước với các gia đình ở vùng cao.

Điều đáng kể nữa, Atiso là loài cây dễ chăm bón, không mất nhiều công chăm bón và sau mỗi vụ Atiso kéo dài 8 tháng, nhà anh Từ lại xuống giống bắp cải và thu nhập từ bắp cải cũng không kém thu nhập từ Atiso.

Trước đây, vợ anh Từ không ra ngoài làm thuê được vì không biết chữ, "nay nhờ trồng Atiso và rau xen canh, vợ chồng tôi để dành được 100 triệu đồng mỗi năm để làm nhà, mua xe máy mới, tivi mới, các con đều được đi học" - anh Từ chia sẻ.

Người Sa Pa đổi đời nhờ cây Atiso - Ảnh 1.

Ngay cạnh gia đình anh Từ là gia đình anh Thào A Cáng, anh ruột anh Từ. Anh Cáng cũng xây được nhà mới nhờ 3000 m2 Atiso trồng đều đặn hàng năm. Nhiều gia đình ở Suối Hồ cũng đã có cuộc sống mới như vậy, bà con ở Sa Pả và các xã tham gia trồng và thu hái dược liệu bán cho Công ty Traphaco đang rất vui mừng vì những đổi thay này.

Ước mơ làm giàu bằng nghề dược liệu

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai rất hào hứng với triển vọng phát triển cây dược liệu ở Sa Pa và các huyện Bắc Hà, Bát Xát của tỉnh Lào Cai. Theo ông Tuấn, thu nhập từ cây Atiso cao gấp 5 lần trồng lúa và gấp 10 lần trồng ngô. Ông Tuấn cũng rất mong Công ty Traphaco mở rộng vùng trồng Atiso thêm bên cạnh diện tích 60 ha Atiso hiện có ở Sa Pa và Bắc Hà.

Theo ông Nguyễn Huy Văn, Phó TGĐ Công ty Traphaco, quan điểm của Công ty là "thành tín", mở rộng diện tích phải kèm theo yêu cầu mua hết sản phẩm cho người trồng. Ông Văn cho hay hiện sản phẩm giải độc gan, tăng cường chức năng gan Boganic, loại thuốc sử dụng nguyên liệu là cao Atiso cùng với Rau đắng đất và Bìm bìm biếc, đã dẫn đầu vững chắc ở thị trường nhóm thuốc gan mật tại Việt Nam 6 năm nay, nhưng Công ty cũng đang có kế hoạch phát triển thêm thị trường, đồng thời với việc mở rộng vùng trồng Atiso cho bà con.

Ông Văn và những đồng nghiệp ở Traphaco cũng đang hy vọng mở được một "vùng" văn hoá dược thảo ở Sa Pa. Công ty đang có một khu nhà diện tích trên 7600 m2 ở trung tâm Sa Pa, ở đó ông Văn mơ ước sẽ xây dựng được một khu trưng bày các dược liệu bản địa Sa Pa, trong đó có dược liệu Atiso, 3 ngôi nhà truyền thống của ba dân tộc thiểu số đông dân nhất ở Sa Pa là người Mông, người Dao và người Dáy, mời thầy lang giỏi đến hướng dẫn cho người tham quan về cách trị các bệnh thông thường và giữ gìn sức khoẻ, biến khu vực này thành một điểm đến của khách du lịch tới Sa Pa.

Người Sa Pa đổi đời nhờ cây Atiso - Ảnh 2.
Người Sa Pa đổi đời nhờ cây Atiso - Ảnh 3.

Sa Pa sẽ không chỉ được biết đến như một vùng trọng điểm về du lịch của Việt Nam, mà còn là vùng trọng điểm về cây dược liệu và văn hoá dược liệu.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước