Từng là hộ gia đình thuộc diện khó khăn nhất xã, nhưng gia đình chị Đàng Thị Ngọc Thanh Thủy (ngụ thôn Bắc Hội, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) không những tự nguyện không đăng ký xét hộ cận nghèo, mà còn nỗ lực vươn lên trở thành một điển hình về thoát nghèo bền vững tại địa phương.
Sinh năm 1988 trong một gia đình thuần nông kinh tế khó khăn, từ khi chị Thủy đang còn học phổ thông, bố mẹ chị không may bị tai nạn mất sớm để lại bốn em nhỏ đều trong độ tuổi ăn học, gia đình không có tài sản giá trị.
Năm 2005, cô gái mới 17 tuổi đã phải nghỉ học trở thành trụ cột kinh tế gia đình, đi làm thuê nuôi ba em đi học. Trước đây, gia đình chị là một trong số hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn nhất của thôn với thu nhập rất thấp, khoảng 80.000 đồng/người/tháng.
Hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn, túng thiếu, nhưng chị Thủy vẫn luôn cố gắng đi làm thuê để có tiền trang trải cho các em. Chị Thủy nhớ lại: "Lúc đó tôi còn nhỏ nên chỉ có thể đi làm thuê cho các hộ gần nhà với thu nhập khoảng 100.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, khoản thu nhập này cũng bấp bênh vì tôi còn em nhỏ hay ốm đau đi viện nên ngày làm ngày nghỉ".Thu nhập thấp, không đủ trang trải cho cuộc sống hằng ngày của 5 chị em.
Đến năm 2008, để có người phụ giúp nuôi các em, chị Thủy lập gia đình, song thu nhập chủ yếu của gia đình chị vẫn chủ yếu từ việc làm thuê và phụ hồ với tổng thu nhập khoảng 3.000.000/ tháng.
Không chịu khuất phục trước sự trớ trêu của hoàn cảnh, chị Thủy luôn nung nấu ý định làm kinh tế để thoát nghèo. Nhờ có sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước đến những hộ nghèo khó khăn, năm 2014, gia đình chị được nhận hỗ trợ một con bò giống sinh sản không hoàn lại từ mô hình Câu lạc bộ "Thôn không có hộ nghèo" của thôn Bắc Hội, do UBND huyện Đức Trọng phát động.
Lời giải cho bài toán thoát nghèo đã được chị tìm ra khi năm 2014, gia đình chị lần đầu tiên được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi. Nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo với 30 triệu đồng để phát triển chăn nuôi, gia đình chị đã dùng số tiền này mua thêm hai con bò giống sinh sản.
Sau hai năm đàn bò đã đem lại hiệu quả kinh tế. Chất thải chăn nuôi được gia đình chị dùng chăm bón vườn nhà, trồng cỏ và trồng rau màu. Việc sử dụng phân chuồng đã giúp gia đình tiết kiệm được chi phí phân bón phục vụ sản xuất.
Nhận thấy mô hình chăn nuôi của gia đình chị Thủy bước đầu phát huy hiệu quả, một số hộ trong thôn đã tới học hỏi kinh nghiệm. Từ nguồn thu nhập tăng lên, chị Thủy đã có điều kiện nuôi hai người em học đại học, đi làm có thu nhập khá ổn định.
Cuối năm 2015, kinh tế gia đình chị Thủy khấm khá hơn so với các hộ nghèo khác trong thôn Bắc Hội và tự nguyện không đăng ký xét hộ cận nghèo. Đến năm 2019, học hỏi kinh nghiệm các mô hình nhà lưới, nhà kính và nghiên cứu các kiến thức được tập huấn, hướng dẫn về chuyển giao khoa học kỹ thuật, gia đình chị Thủy mạnh dạn chuyển đổi từ chăn nuôi sang phát triển sản xuất theo hướng công nghệ cao.
Chị Thủy chia sẻ: Thấy rõ hiệu quả của việc áp dụng công nghệ vào sản xuất, gia đình chị đã bán đàn bò để đầu tư cho 1.000m2 nhà kính trồng rau - hoa sạch với công nghệ tưới phun tự động. Sau hơn 9 tháng triển khai, gia đình đã thu hoạch được ba đợt rau, hoa. Các sản phẩm được hợp tác xã rau trên địa bàn huyện thu mua ổn định. Nghề trồng rau, hoa đã giúp gia đình chị Thủy có thu nhập ổn định, thu nhập hiện nay từ 1.000 m2 vườn là khoảng 20 triệu đồng/ tháng.
Ngoài thời gian chăm lo cho mô hình rau, hoa của gia đình, vợ chồng chị Thủy vẫn dành thời gian chia sẻ, phổ biến kiến thức về trồng rau, hoa công nghệ cao do địa phương tổ chức cho nông dân trong vùng. Đồng thời, chị Thủy tích cực học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình đã triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao tại địa phương để áp dụng vào sản xuất.
Sau quá trình nỗ lực, cố gắng, căn nhà khang trang là minh chứng cho những đổi thay tích cực trong điều kiện kinh tế của gia đình chị Thủy. Hiện gia đình đã có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, mua xe máy, ti vi và các trang thiết bị điện tử khác phục vụ sinh hoạt cho gia đình. Riêng chồng chị Thủy đã học thêm được nghề hàn, chuyên gia công hàn cửa sắt, giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập ổn định.
Ngoài việc tích cực lao động sản xuất, chăn nuôi, gia đình chị còn tích cực tham gia các phong trào do thôn, xã tổ chức, xây dựng tình làng nghĩa xóm, đoàn kết cùng nhau tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường trong cộng đồng dân cư nơi sinh sống, đóng góp xây dựng nông thôn mới.
Đánh giá cao những nỗ lực của hộ gia đình chị Đàng Thị Ngọc Thanh Thủy, bà Nguyễn Lê Đăng Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, cho rằng tấm gương không chấp nhận số phận, nỗ lực vươn lên của chị Đàng Thị Ngọc Thanh Thủy là vô cùng đáng quý. Đặc biệt, sự giúp đỡ, hỗ trợ từ các nguồn vốn của Nhà nước đã tạo "đòn bẩy" giúp gia đình chị Thủy có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!