Những người lính của buôn làng Tây Nguyên

Theo Báo ĐT Chính phủ-Thứ tư, ngày 23/12/2015 08:35 GMT+7

Chiến sĩ Sư đoàn 2 tham gia xây dựng nông thôn mới tại huyện Kong Chro (Gia Lai).

VTV.vn -Nửa thế kỷ qua, dù huấn luyện, chiến đấu trong nước, hay làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Lào và Campuchia, Sư đoàn 2 (Quân khu 5) luôn được bà con tin yêu và che chở.

Xứng danh đơn vị 2 lần Anh hùng

Thành lập ngày 20/10/1965 trên chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, trong 50 năm xây dựng và trưởng thành, Sư đoàn 2 đã không ngừng lớn mạnh, trở thành đơn vị chủ lực của lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 5.

Trải qua những năm tháng gian khổ trên các vùng đất lửa chiến tranh, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn đã cống hiến sức lực, trí tuệ và xương máu, lập nhiều thành tích xuất sắc, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và làm tròn nghĩa vụ quốc tế, viết nên truyền thống “Trên tin, bạn mến, dân thương”.

Giai đoạn 10 năm chống Mỹ cứu nước (1965-1975), Sư đoàn đã có nhiều tiểu đội, trung đội, tiểu đoàn, trung đoàn trở thành đơn vị đánh giỏi; hàng trăm Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt xe cơ giới, Dũng sĩ bắn máy bay địch.

Chiến thắng Ba Gia, Vạn Tường, Đường 9 - Nam Lào, Đak Tô - Tân Cảnh, Nông Sơn - Trung Phước, cùng các đơn vị giải phóng Đà Nẵng, quần đảo Trường Sa, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc… là những chiến công hiển hách mang tên Sư đoàn 2 lừng lẫy.

Sau ngày giải phóng, Sư đoàn đã tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, truy quét Fulro, làm nhiệm vụ giúp Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, giúp đỡ bạn xây dựng lực lượng cách mạng.

Từ năm 1980 đến nay, Sư đoàn 2 đóng chân tại thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai, là đơn vị chủ lực cơ động của Quân khu 5 đứng chân trên địa bàn Tây Nguyên - nơi có vị trí chiến lược cả về kinh tế, chính trị, xã hội và quốc phòng, an ninh đối với đất nước. Lực lượng đội ngũ đã giữ vững vai trò trong bảo vệ an ninh Tổ quốc, có nhiều đóng góp lớn vào các công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội khu vực.

Với những thành tích đặc biệt trong chiến đấu và xây dựng, Sư đoàn đã vinh dự được Đảng, Nhà nước 2 lần tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân cùng nhiều huân chương cao quý khác, cũng như cờ thưởng của các nước bạn. Gần đây nhất, vào tháng 10, nhân 50 năm ngày thành lập, Sư đoàn 2 đã vinh dự đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì của Chủ tịch nước trao tặng.

Gắn bó máu thịt cùng đồng bào Tây Nguyên

Đóng quân trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên, hình ảnh người lính Sư đoàn 2 luôn gần gũi, thân thương như những đứa con của vùng đất này.

Thượng úy chuyên nghiệp Lê Thị Hoa, Phòng Chính trị Sư đoàn kể, ở huyện Kbang và Kong Chro (Gia Lai), sau trận lũ lịch sử năm 2011, người dân vẫn còn truyền nhau câu chuyện bộ đội Sư đoàn hàng chục lần lao mình xuống dòng nước của dòng sông Ba để cứu người dân mắc kẹt trên cây. Những lúc khó khăn, gian khó, hình ảnh bộ đội cụ Hồ toả sáng trong trái tim dân bản hơn bao giờ hết.

Bà Đinh Thị Oi, người được trao tặng nhà tình nghĩa tại làng Chay, xã Yang Bắc, huyện Kong Chro (Gia Lai) xúc động: “Cảm ơn bộ đội Sư 2 nhiều lắm! Được ở trong ngôi nhà mà mình cứ nghĩ là giấc mơ. Bộ đội còn bày cách chăm sóc bò, làm vườn. Không chỉ nhà mình, mà nhiều gia đình ở đây cũng được bộ đội giúp. Tụi nhỏ có quần áo và sách vở đến trường. Buôn làng mình thương và biết ơn bộ đội nhiều lắm”.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, nguyên Bí thư Huyện ủy huyện An Khê chia sẻ: “Đất An Khê từ ngày có các anh về thêm vui, đường sá nhiều nơi được mở rộng, an ninh, trật tự được giữ vững. Chính quyền và nhân dân coi bộ đội Sư 2 như người nhà. Các anh là niềm tin yêu, chỗ dựa tin cậy của chúng tôi”.

Thượng tá Trần Văn Thịnh, Phó Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 2 cho biết, chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, Sư đoàn đã tổ chức 30 đợt huấn luyện dã ngoại kết hợp tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước cho 17.000 lượt người dân.

Sư đoàn cũng đã tổ chức 108 buổi chiếu phim lưu động phục vụ 285.000 lượt đồng bào vùng sâu, vùng xa; ủng hộ trên 77.800 ngày công giúp nhân dân các địa phương lao động sản xuất; làm mới và tu sửa hơn 364 km đường liên thôn, liên xã; nạo vét hàng chục km kênh mương; sửa chữa 163 ngôi nhà, trường học, trạm y tế, nhà rông; khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí trị giá trên 400 triệu đồng cho hơn 9.000 lượt người dân.

Sư đoàn đã lập “Hũ gạo vì người nghèo”, “Quỹ vì người nghèo”, “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”; mỗi năm trích hàng trăm triệu đồng để thăm, tăng quà các dịp lễ, tết, giúp đồng bào dân tộc thiểu số khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống; hỗ trợ gạo, đồ dùng học tập cho hàng nghìn học sinh nghèo vượt khó.

Nhiều đơn vị trong Sư đoàn đã tạo nguồn vốn mua trâu, bò, heo giúp hộ nghèo, hộ chính sách về con giống, tặng sổ tiết kiệm để phát triển kinh tế gia đình. Giúp địa phương “xoá một hộ đói, giảm một hộ nghèo”, 5 năm qua, Sư đoàn đã giúp đỡ hơn 100 hộ thoát nghèo.

Bộ đội cũng đến các buôn làng vận động những gia đình có người thân bỏ trốn vào rừng, vượt biên trái phép sang Campuchia kêu gọi họ trở về, tuyên truyền để nhân dân nhận rõ âm mưu, thủ đoạn, bản chất của các thế lực phản động…

Với những việc làm thiết thực như thế, hình ảnh người lính càng thêm toả sáng trong lòng người dân buôn làng, tình quân dân nơi núi rừng Tây Nguyên ngày thêm bền chặt.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Từ khóa:

Quân khu 5

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước