Cũng như phần đông người dân tại thôn Xuân An, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam chị Nguyễn Thị Chơi có vài sào ruộng nằm ở bờ bên kia khúc sông Ly Ly. Mùa nắng cũng như mùa mưa, công việc thường ngày của chị là băng qua khúc sông để thăm ruộng. Gánh giống, gánh phân hay gánh lúa, chị đều phải tự mình tìm cách vận chuyển vượt qua con nước, bởi từ bao đời nay thôn Xuân An vẫn chưa có nổi một cây cầu qua sông. Hơn nửa đời lao động vất vả, chị vẫn không thoát được cảnh nghèo và còn phải chứng kiến nhiều cái chết thương tâm của người làng vì lội sông vào mùa mưa.
Chị Chơi cho biết: “Về mùa nắng bà con trong thôn còn lội qua được con sông, còn mùa mưa mọi người đi không nổi. Chúng tôi muốn đem phân bón ruộng phải đội lên đầu để đi. Trẻ con đi học phải có người lớn cõng qua sông”.
“Tôi ở đây hơn 50 năm tôi biết dân khổ lắm. Học sinh đi học phải dắt xe lội nước, nhiều khi nước lớn bị trôi cả xe lẫn người. Bà con nông dân cũng rất khổ, bởi hàng làm ra tiêu thụ không được, vì vậy hộ nghèo trong thôn ngày càng tăng, còn hộ giàu bỏ xứ đi hết”, ông Trương Văn Chạy, Trưởng thôn Xuân An, xã Bình Định Bắc, cho biết thêm.
Đoạn đường từ thôn Xuân An đến trường cấp 2 của xã khoảng 5km. Mùa nắng, các em học sinh ngày 2 buổi lội sông tới lớp. Mùa mưa nước dâng cao, các em phải vòng ngược lên cây cầu máng thủy lợi để đi nhờ với đoạn đường xa hơn 10 cây số. Chưa kể cây cầu dẫn nước sản xuất này rộng chưa tới 1m và đã xuống cấp nghiêm trọng.
Người dân Xuân An đã sống chung với cảnh “cả làng lội sông” như vậy từ rất lâu. Và cho đến nay, khi chủ trương xây dựng nông thôn mới với tiêu chí hàng đầu về giao thông nông thôn đã được triển khai quyết liệt ở nhiều vùng quê, thì với người dân ốc đảo Xuân An việc có được cây cầu vẫn còn là ước mơ xa xôi.
Được biết, cách đây 3 năm, đại diện Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) sau khi về khảo sát đã cam kết tài trợ xây dựng cây cầu với kinh phí khoảng 40 tỉ đồng cho bà con nơi đây. Tuy nhiên, cho đến nay dự án vẫn còn nằm trên giấy, trong khi đó thôn Xuân An vẫn là nơi có số hộ nghèo nhiều nhất xã Bình Định Bắc và đời sống người dân vẫn chồng chất khó khăn vì điều kiện giao thông cách trở.
Mời quí vị theo dõi VIDEO tại đây.