Đại diện Quỹ Tấm lòng Việt - Đài THVN với sự đồng hành của Công ty TNHH Long Hải đến thăm và trao học bổng cho Tình.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài và có nhiều vùng dịch bùng phát như hiện nay, học trực tuyến là phương pháp được Bộ Giáo dục và Đào tạo nước ta áp dụng để các em học sinh vẫn có thể theo kịp các giáo án. Tuy học trực tuyến là lựa chọn tốt nhất hiện nay nhưng điều đó lại là một bài toán khó cho các em học sinh vùng cao hay những em học trò có hoàn cảnh khó khăn.
Nằm sâu trong xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội có một căn nhà ba gian nhỏ, đơn sơ có phần đã cũ kĩ không còn che được hết năng mưa là mái ấm yêu thương của em Phí Đằng Tình và bà nội em. Bố mất từ khi Tình mới được 2 tuổi, khoảng một năm sau mẹ em tái hôn và để em lại cho bà nội chăm sóc. Thiếu vắng tình thương của cả bố lẫn mẹ từ khi mới 3 tuổi, Tình chỉ biết nương tựa vào bà nội đã ngoài 70 tuổi, hai bà cháu trở thành hơi ấm bao bọc lẫn nhau.
Cũng như các bạn phải lên lớp học bằng các phương tiện hỗ trợ học trực tuyến, bà Mân (bà nội của Tình) đã cố gắng mua cho cháu chiếc điện thoại để giúp em có thể theo kịp các bạn bằng tiền chắt chiu từ số tiền làm thuê cả năm trên thành phố của bà. Do dịch bệnh kéo dài dẫn đến cuộc sống của 2 bà cháu vì thế cũng gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Thấy bà sớm hôm vất vả kiếm tiền nuôi em ăn học, Tình luôn cố gắng chăm chỉ để đạt thành tích tốt trong học tập để không phụ lòng của bà và thầy cô.
"Bố em mất từ hồi em còn bé, khoảng 2 tuổi. Em chưa được nhìn thấy mặt bố bao giờ. Em chỉ biết bố qua những bức ảnh còn sót lại. Sau 1 năm bố em mất, mẹ em đã bỏ đi lấy chồng khác để lại em với bà. Bà nuôi em từ nhỏ. Do hoàn ảnh của em từ bé như vậy nên em phải tự lập từ sớm. Em phụ giúp bà làm hết việc nhà. Bữa cơm hàng ngày chỉ có rau nhà tự trồng, thỉnh thoảng nhà hàng xóm cho thịt thì nhà em có thịt. Năm học mới năm nay, bà phải chắt chiu tiết kiệm vay mượn từ việc đi dọn nhà thuê và vay để mua cho em chiếc điện thoại học. Cuộc sống 2 bà cháu như thế này em không biết em còn được học đến bao giờ nữa…", Tình chia sẻ.
Nhắc đến đứa cháu của mình, bà Mân chỉ biết xót xa, đau lòng: "Hoàn cảnh nhà tôi rất vất vả, chỉ có bà là ở bên cạnh chăm sóc nuôi cháu ăn học. Nhưng bà cũng ngày càng già yếu. Nhiều lúc nhìn cháu mà thương lắm vì hoàn cảnh mà cháu không được như các bạn. Nhiều khi muốn có đồ dùng thiết bị quần áo mới cũng không có. Cháu thì ham học lắm, ngoài giờ học thì làm các công việc nặng nhọc giúp bà. Nhưng bà già rồi, sức yếu không còn biết nuôi cháu được đến bao giờ".
Đại diện Quỹ Tấm lòng Việt - Đài THVN với sự đồng hành của Công ty TNHH Long Hải đến thăm và trao học bổng cho Tình.
Biết được hoàn cảnh của Tình, của bà Mân, Quỹ Tấm lòng Việt - Đài THVN với sự đồng hành của Công ty TNHH Long Hải đã đến để trao học bổng trị giá 5 triệu đồng và những phần quà ý nghĩa cho em nhân dịp năm học mới. Cùng với Tình, 4 phần học bổng vượt khó đến trường trong những ngày dịch COVID-19 cũng được trao cho 4 học trò nghèo tại huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội.
Những phần học bổng cũng được trao trực tiếp đến Ngọc Anh và Ngọc Ánh.
Căn nhà nhỏ của 4 mẹ con chị Phùng Thị Hương hôm nay cũng rộn ràng hơn bao giờ hết không bởi sự xuất hiện của những món quà và phần học bổng mà đó còn là sự tiếp sức, những sẻ chia để ươm mầm ước mơ cho 2 con gái chị là Phùng Ngọc Ánh và Phùng Ngọc Anh đang bị ung thư máu phải điều trị. Đã lâu lắm rồi, cả gia đình chị Hương mới có được không khí vui vẻ như vậy kể từ ngày chồng chị đột ngột mất vì tai nạn.
Bà Nguyễn Thị Phương Lan, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội cho biết: "Những phần học bổng từ chương trình "Cùng em đến trường" của Quỹ Tấm lòng Việt hôm nay trao cho các em học sinh ở Phúc Thọ vô cùng nhân văn và có ý nghĩa to lớn. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp và vào dịp đầu năm học mới. Đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn lại càng có ý nghĩa hơn bởi nó giúp các em sẽ có thể mua được các thiết bị để học tập và tiếp thêm động lực cho các em học tập thật tốt".
Mỗi học trò nghèo như Tình, như Ngọc Anh là một câu chuyện đắt giá về nghị lực vươn lên trong cuộc sống, trong học tập. Chứa đựng trong những câu chuyện khó khăn của hoàn cảnh, của số phận là ước mơ được đến trường, ước mơ về một tương lai tươi sáng hơn. Những phần học bổng hay sự trợ giúp kịp thời từ chương trình "Cùng em đến trường" sẽ là điểm tựa đem tới niềm tin để giúp các em vững vàng hơn trên con đường chinh phục ước mơ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!