Rổ bánh đúc nuôi 3 bé mồ côi

Bình Minh (vnexpress.net)-Thứ hai, ngày 21/01/2013 07:00 GMT+7

Bữa cơm hàng ngày của nhà bà Bính chỉ có cơm trắng, đĩa rau, bát nước mắm.

 Đổ vài chục bát bánh đúc ra rổ, bà Bùi Thị Bính (56 tuổi ở Lương Sơn, Hòa Bình) tất tả dắt xe đi bán quanh xóm trước khi trời tối. Đã 5 năm nay, bà nuôi ba đứa cháu nội và người chồng già yếu bằng rổ bánh đúc.

Bà Bính gồng mình đẩy chiếc xe đạp cọc cạch, phía sau buộc thúng bánh và cậu cháu trai 5 tuổi tên Hải ngồi vắt vẻo trên yên. Thấy bà, người dân ở thị trấn Lương Sơn lại thương tình mua giúp vài chiếc nên chẳng mấy chốc thúng bánh hết veo. Bán xong, hai bà cháu đèo nhau về khi trời tối mịt.

19h tối, trong căn nhà nhỏ tối om, ba ông cháu đang đợi bà đi bán bánh về. Ông Lê Thế Lợi, chồng bà Bính, ốm yếu co ro ngồi một góc ôm chiếc điếu cày. Hai đứa cháu Thủy Tiên (12 tuổi) và Ngọc Anh (7 tuổi) sau khi cắm giúp bà nồi cơm lại bảo nhau thu quần áo phơi ngoài sân vào nhà.

Mâm cơm dọn ra chỉ có đĩa dưa muối và bát nước mắm, ba đứa trẻ thi nhau gắp rồi và cơm ngon lành. Ông bà Bính ngồi nhìn cháu, thỉnh thoảng chan tý nước mắm vào cơm cho đậm. Hôm nào mới đong gạo, bà Bính nổ tạm ít bỏng cất vào tải để nửa đêm cháu đói còn có cái ăn.

Bà Bính vốn người ở Thanh Oai, Hà Tây (cũ), lấy ông Lợi rồi theo chồng lên Lương Sơn sống. Không ruộng đất cấy trồng, vợ chồng bà cùng ba đứa con (hai trai, một gái) sống bằng nghề lò rèn, tráng bánh cuốn, làm bánh đúc. Ngày đó, chồng bà là thợ rèn có tay nghề nổi tiếng khắp vùng. Hàng ngày bà Bính làm hàng rồi cùng con trai xách thêm can rượu gánh vào tận những bản làng dân tộc xa xôi bán. Sau này có xe đạp, bà dậy từ tờ mờ sáng đi bán hàng.

Ba đứa con lần lượt được dựng vợ gả chồng, ông bà sống với vợ chồng con trai thứ. Năm 2007, đứa con này của bà qua đời vì tai nạn sau khi vợ anh sinh con được 9 ngày. Không chịu được cảnh nghèo cùng ba con nheo nhóc, cô con dâu đi tìm hạnh phúc mới, bỏ lại con cho ông bà nuôi.

Ông bà ngoại đã mất cả nên giờ trách nhiệm nuôi cháu dồn cả lên vai vợ chồng bà Bính. Hai người con còn lại của bà Bính cũng nghèo nên chỉ đỡ đần được tiền học cho ba đứa trẻ, còn lại tiền ăn và sinh hoạt hàng ngày bà nhặt nhạnh phế liệu, làm bánh kiếm thêm.

Nhiều lúc cháu trai đói lả quấy khóc, bà lật đật chạy ra mấy quán đầu ngõ mua chịu chiếc bánh. Chịu nhiều quá không có tiền trả, bà phải trông người con cả lâu lâu về thăm. Mẹ ba đứa trẻ đang có em bé nên chỉ thỉnh thoảng về thăm chốc lát, mua cho con vài gói bim bim rồi lại ra đi. Hỏi đến mẹ, cậu em hồn nhiên gật đầu nói nhớ còn hai cô chị im lặng.

Vừa mặc thêm quần áo cho cháu, bà Bính nhắc nhở hai chị lớn học bài. Bà bảo, từ ngày mẹ lũ trẻ bỏ đi, bà vừa là mẹ, là bà, là bạn của chúng. Giờ đã lên chức bà nội, bà ngoại nhưng bà Bính bận rộn như thời còn con mọn. Bị khớp, chân tay đau nhức khiến bà thức suốt. Thấy bà đau không dám kêu, ba đứa trẻ thay nhau bóp chân, tay cho bà.

"Sáng tôi đưa thằng Hải đi mẫu giáo rồi quay về chở Ngọc Anh đến lớp. Thủy Tiên học lớp 6 rồi nên tự đạp xe đi được. Xong xuôi tôi về giặt giũ, dọn dẹp rồi cơm nước cho các cháu về ăn. Tranh thủ những lúc không có bọn trẻ ở nhà, tôi mới làm bánh bán được", bà Bính chia sẻ.

Hàng sáng, bọn trẻ nhà bà Bính đến lớp với cái bụng "trong veo". Bà chẳng có tiền mua nổi cho cháu vài nghìn cháo hay nắm xôi. Nghĩ thương cháu, bà muối mặt đi chịu gói mỳ tôm về chia làm hai bát cho hai đứa bé ăn tạm. Thi thoảng bạn bè của mẹ lũ trẻ trả giúp bà tiền cháo khi gặp hai bà cháu đưa nhau đi học.

Đứa út bị teo cơ delta không có tiền chữa bệnh nên chân to, chân nhỏ. Từ ngày biết cháu bị bệnh, bà mới đưa Hải đi khám được một lần. Thấm cảnh nghèo, không nghề nghiệp, bà Bính thường thủ thỉ dặn dò các cháu phải học giỏi. "Ngày nào đón cháu, tôi cũng dặn cố gắng mà học cháu ạ. Không có gì ăn bà cũng phải cố cho các cháu đi học. Chúng có nghề nghiệp, tôi cũng bớt lo lúc chẳng may đã nhắm mắt xuôi tay", bà Bính tâm sự.

Hai đứa cháu lớn nhà bà Bính đều là học sinh giỏi. Cô chị Thủy Tiên được cử đi thi học sinh giỏi lớp 6 của huyện và giành giải. Năm ngoái, Tiên được thị trấn tặng xe đạp mới để đi học. Cô bé học giỏi môn Toán và ước sau này sẽ làm bác sĩ. Còn cô em Ngọc Anh học lớp 2 năm nào cũng đạt học sinh giỏi. Buổi tối, hai chị em Thủy Tiên và Ngọc Anh tự dạy nhau học và thay phiên dạy chữ cho em trai.

Nhìn ba đứa cháu đang dọn dẹp mâm cơm, bà Bính chỉ ước có sức khỏe để tráng bánh kiếm tiền nuôi chúng. 2.000 đồng một bát bánh đúc, mỗi buổi đi bán, bà kiếm được khoảng 60.000 đồng. Bà bảo số tiền ấy đủ cho hai ông bà và ba đứa cháu ăn cơm rau vài ngày. Thỉnh thoảng bà mới mua vài lạng thịt băm nhỏ rồi rang lên, mỗi bữa xúc cho các cháu một thìa gọi là có tý đạm.

Bà Bính rất sợ chẳng may ốm nằm một chỗ rồi ra đi, ba đứa nhỏ sẽ bơ vơ, phải nghỉ học. "Hai bác của cháu đều nghèo lại đông con nên tôi không dám nhờ cậy nhiều. Nếu chẳng may qua đời khi các cháu còn nhỏ, tôi mong có ai đó cưu mang để các cháu được học hành tử tế", bà Bính nói.

Ông Lý, tổ phó tổ 4, tiểu khu 12, cho biết, gia cảnh nhà bà Bính rất éo le. Sống sát vách nên ông hiểu tường tận gia đình này. Thi thoảng nghe tiếng ba đứa trẻ khóc đòi mẹ, ông Lý lại thấy chạnh lòng. Không giúp được nhiều, nhà trồng được giàn lá lồm, ông "bàn giao" cho bà Bính hái bán lấy tiền. Mỗi kg lá, bà Bính bán được 10.000 đồng.

Là hàng xóm đã lâu, ông thường xuyên bỏ tiền túi biếu bà Bính để bà có tiền mua thức ăn cho bọn trẻ cải thiện. "Năm ngoái nhà bà Bính được xét vào diện hộ nghèo, nhờ đó ba cháu đi học được giảm học phí. Hiện tại, tổ dân phố vẫn qua lại thăm hỏi, động viên về mặt tinh thần. Hy vọng có nhà hảo tâm giúp đỡ để bà ấy đỡ vất vả, các cháu có đủ cơm ăn, áo mặc", ông Lý nói.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước