Lẽ ra, ở độ tuổi này, bé Thanh Trúc (SN 2011), tại thôn 19/5, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã có thể đi lại, có thể nói chuyện, được đi học, được vui chơi với bè bạn cùng trang lứa, với trang sách, với tiếng hát, nụ cười. Thế nhưng, hiện tại cuộc sống của em gói gọn trên đôi tay người bà ngoại và chiếc cũi sắt bên góc nhà.
Thanh Trúc sinh ra đã mang trong mình nhiều chứng bệnh như tim bẩm sinh, câm, điếc, mắt bị đục thủy tinh thể
Đau đớn khi chứng kiến cuộc đời éo le của đứa cháu tội nghiệp, bà Đậu Thị Hợi (bà ngoại của Thanh Trúc) nói trong nghẹn ngào: "Khổ thân con bé lắm! Sinh ra đã mang trên mình đủ các thứ bệnh, đã thế ba đẻ nó cũng chẳng mấy quan tâm đến đứa con không lành lặn. Còn mẹ nó thì phải vất vả mưu sinh ở nơi xa xứ, tích cóp từng đồng gửi về chạy chữa bệnh tật với hy vọng cứu lấy đôi mắt cho con".
Gạt đi hai hàng nước mắt, bà Hợi cho biết, năm 2002, con gái bà là chị Võ Thị Quý lập gia đình với một người đàn ông ở Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội) và có được một người con trai, thế nhưng hôn nhân không trọn vẹn nên gia đình ly tán, chị Quý đưa con về Quảng Bình sống với gia đình ngoại.
Đến năm 2007, chị Quý và chồng quay lại với nhau rồi sinh ra bé Thanh Trúc trong nỗi buồn đau vì bé mang trên mình nhiều thứ bệnh. Một thời gian sau, chồng chị Quý đưa theo người con trai ra quê nội sinh sống, thỉnh thoảng vào thăm bé Thanh Trúc nhưng cũng không giúp đỡ được nhiều trong việc chữa bệnh cho con.
Cuộc sống của em gắn liền với chiếc cũi sắt và trên bàn tay của bà ngoại
Thanh Trúc sinh ra đã mang trong mình chứng bệnh tim bẩm sinh, tưởng chừng như thế đã là quá bi thương đối với em, thế nhưng gia đình em sau đó tiếp tục phát hiện em mang chứng câm, điếc, hai con mắt không thể nhìn thấy vì đục thủy tinh thể và cao nhãn áp.
Với nhiều chứng bệnh trong người, cứ 3 tháng, Thanh Trúc lại phải nhập viện điều trị một lần, mỗi lần vào viện là em lại mang theo biết bao hy vọng, bao mong mỏi của người mẹ, người bà ngoại luôn khao khát em được khỏe mạnh, lành lặn như những đứa trẻ khác để được vui chơi, được đến trường.
Với nhiều chứng bệnh trong người, cứ 3 tháng, Thanh Trúc lại phải nhập viện điều trị một lần
Để có thể nuôi và chữa bệnh cho con, mẹ của Thanh Trúc đã phải làm đủ thứ nghề để kiếm tiền, chị chạy vạy khắp nơi với hy vọng cứu lấy phần nào đó khiếm khuyết của con, để Thanh Trúc có thể nhìn thấy cuộc sống này.
Lam lũ với cuộc sống nhưng vẫn không thể kiếm đủ tiền chạy chữa cho con, nợ nần lại ngày một nhiều không biết bao giờ mới trả được, dù thương con và không muốn xa đứa con gái bé bỏng tội nghiệp, nhưng không còn cách nào khác chị Quý đành nhờ mẹ nuôi cháu, rồi làm liều vay vốn để đi Đài Loan xuất khẩu lao động, kiếm tiền để gửi về cho gia đình chữa bệnh cho con.
"Cứ trung bình 3 tháng một lần, có khi 1 tháng 1 lần, Thanh Trúc phải ra Bệnh viện mắt Trung ương để khám và điều trị cao nhãn áp, mỗi lần đi như rứa cũng hết gần 20 triệu đồng, tiền không có nên cứ mỗi lần đưa cháu đi là lại thêm một lần vay mượn, đến nay số nợ cũng đã hơn 200 triệu đồng", bà Hợi buồn bã.
Bà Hợi cũng cho biết, chị Quý đi lao động ở Đài Loan một tháng cũng gửi về được 5 đến 7 triệu đồng, thế nhưng vì Thanh Trúc phải đi viện thường xuyên và tốn rất nhiều tiền nên số tiền mẹ cháu gửi về cũng không đủ chữa bệnh, chỉ có thể đủ tiền cho bé đi rút nhãn áp hàng tháng tránh mắt bị nổ vì dịch nhãn áp phồng lên.
Mong mỏi lớn nhất của người bà ngoại Thanh Trúc là em có thể nhìn thấy ánh sáng
Với tình thương của một người bà giành cho cháu, và nỗi đau của người mẹ nơi xa xứ luôn hướng về con, bà Hợi, chị Quý luôn khao khát một lần Thanh Trúc có thể nhìn thấy cuộc sống tươi đẹp này, được nhìn thấy người bà, người mẹ luôn hết lòng yêu thương em.
Bé Thanh Trúc sinh ra đã không trọn vẹn, từ khiếm khuyết trên cơ thể đến cuộc sống và cả tinh thần, và có lẽ giờ đây em chỉ còn biết hy vọng vào những trái tim giàu lòng nhân ái, những cánh tay từ tâm để giúp em được một lần nhìn thấy cuộc đời bằng một đôi mắt trong sáng.