Tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm, cô Nhung được bố trí về giảng dạy ở huyện miền núi Trà My, tỉnh Quảng Nam. 4 năm sau, cô lại xuôi về miền biển Tam Tiến của huyện Núi Thành để tiếp tục với nghề “gõ đầu trẻ” mà cô luôn khát khao, cống hiến hết mình.
Tại đây, cô giáo trường làng Nguyễn Thị Nhung đã kết duyên cùng anh Ngô Công Sơn, bộ đội chiến trường Campuchia rời quân ngũ về làm công nhân địa chất.
Hạnh phúc chẳng tày gang. 3 năm sau ngày cưới, mối tình đẹp ấy vẫn không thể đơm hoa kết trái khi cô Nhung mắc chứng bệnh xơ tử cung nên rất khó sinh con.
Gom hết số trang sức, của cải dành dụm được, đôi vợ chồng trẻ ngược xuôi khắp nơi điều trị hiếm muộn với hy vọng có được đứa con cho vui cửa vui nhà. Niềm khao khát có tiếng khóc cười của trẻ thơ đối với anh Sơn chị Nhung lúc đó sao mà xa xỉ quá.
Ròng rã 12 năm sau, nhờ sự can thiệp của bệnh viện Từ Dũ (TPHCM), vợ chồng cô Nhung mới có được cậu con trai đầu lòng Ngô Công Hoài Bảo (SN 2003). Tên của cháu chất chứa nỗi niềm, sự chờ đợi dằng dặc trong phập phồng nỗi lo và vỡ òa niềm vui khi đứa con kháu khỉnh chào đời. Bốn năm sau, họ có đủ nếp lẫn tẻ khi cháu Ngô Thị Hoài Thương cũng cất tiếng khóc chào đời.
Niềm vui có con chưa trọn vẹn thì gánh nặng cuộc sống ập đến khi công ty địa chất giải thể, anh Ngô Công Sơn chính thức thất nghiệp. Từ ngày chồng trở về đồng ruộng làm “lão nông tri điền” thì cô Nhung trở thành lao động chính cho cả gia đình.
Làm ruộng không đủ, anh Sơn tranh thủ đi buôn cau. Hàng ngày, bất kể mùa đông buốt giá hay nắng nóng bỏng rát, chói chang của mùa hè, anh Sơn đều rong ruổi ngược lên những huyện miền núi để mua cau về bán lại cho thương lái. Một ngày trèo những thân cau cao chót vót, oằn lưng thồ 2 giỏ cau to đùng về xuôi, trừ hết chi phí thì lợi nhuận cũng từ 50-100 ngàn đồng nhưng vì miếng cơm manh áo cho con, anh Sơn chấp nhận.
Cuộc sống đầy ắp tiếng cười con trẻ những tưởng sẽ trôi đi bình dị nhưng tai họa cứ dồn dập ập xuống gia đình cô Nhung. Năm 2011, chồng cô bị xe đầu kéo container gây tai nạn thừa chết, thiếu sống. May mắn giữ được tính mạng nhưng anh Sơn bị đa chấn thương, gãy 1 chân phải nằm điều trị hơn nửa năm trời.
Chồng chưa kịp bình phục thì đầu năm 2012 cô Nhung đổ bệnh, ban đầu là những triệu chứng mệt mỏi, sốt cao, sụt ký… Cô đã đi nhiều bệnh viện nhưng không tìm ra bệnh. Tháng 3/2012 đến Bệnh viện Ung bướu (TPHCM) kiểm tra thì cô chết lặng khi bác sĩ cho biết mình bị ung thư vú giai đoạn 2.
Những ngày cô Nhung nằm điều trị tại TPHCM, anh Sơn làm thân gà trống nuôi 2 con nhỏ vừa phải bươn chải khắp nơi để có tiền chữa trị. Bao nhiêu tài sản trong nhà có giá trị đều lần lượt đội nón ra đi. Đến cả con trâu, con ngỗng, đàn gà cũng phải bán để gom góp tiền cho cô Nhung hóa trị.
Ngày vợ trở về, anh Sơn xin vào làm tư vấn bảo hiểm cho một công ty nước ngoài nhưng thu nhập cũng bấp bênh. Cuộc sống gia đình vẫn nương nhờ vào đồng lương giáo viên ít ỏi của cô Nhung.
Cuộc sống như vắt kiệt sức người phụ nữ này khi người cô càng ngày càng nhỏ. Ở tuổi 50 nhưng người cô khô khốc, da bọc lấy xương trước những biến cố cuộc đời.
Số phận như trêu ngươi người cùng khổ. Tháng 7/2015, anh Sơn bất ngờ bị tai biến. Anh được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Thế nhưng, từ đó đến nay, bệnh tình càng ngày càng nghiêm trọng. Ban đầu, anh Sơn còn ngồi, cử động được nhưng giờ không nói, ù tai, viêm phổi và bất động hết nửa người.
Hai đứa con ở tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, nỗi lo mất mẹ chưa nguôi thì sự lo sợ mất cha đang thường trực trong từng giấc mơ con trẻ.
Một mình không thể vừa đứng lớp giảng dạy, vừa chăm 2 con nhỏ và chồng đang nằm liệt giường, cả gia đình cô Nhung và chuyển vào nương nhờ ông bà nội. Nhìn cảnh người mẹ giá hơn 80 tuổi, gần đất xa trời, tay run run bưng bát cơm cho con trai mà không ai cầm lòng được.
Anh em đông nhưng ai cũng có cuộc sống riêng của mình. Họ cũng đã giúp vợ chồng cô Nhung nhiều. Thường người ta giúp ngặt, nhưng cái ngặt nghèo của gia đình cô Nhung cứ kéo dài ngày này qua ngày khác. Đôi khi lực bất tòng tâm. Nhìn máu mủ ruột rà của mình mỗi ngày một héo úa mà chỉ biết xót xa lòng.
Chiều 29/3, chúng tôi vào thăm anh Sơn tại phòng số 2 Khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Lúc này, chỉ có người anh cả của anh Sơn đang chăm sóc. Một lúc sau, cô Nhung cũng mang cơm vào cho chồng. Cô Nhung cho biết, vì dạy ở gần trường nên tranh thủ giờ ra chơi, cô chạy về nhà nấu cơm canh cho 2 con nhỏ, hết giờ dạy lại tranh thủ chạy về bới cơm mang vào bệnh viện cho chồng.
Hỏi cô tối ai ở cùng anh Sơn, cô tâm sự: “Từ khi ảnh bệnh đến giờ, tối nào tôi cũng ở với ảnh. Hai người nằm chung chiếc giường bé xíu này. Đến sáng lại tranh thủ về đi dạy. Còn hai con nhỏ gởi ông bà chăm giúp”.
Nhìn cô bón từng thìa cơm cho chồng đang nằm liệt trên giường bệnh mà chúng tôi không cầm được nước mắt. Cô nói: “Giờ chỉ mong có ít tiền để bồi bổ cho ảnh ngày nào hay ngày ấy chứ bệnh của ảnh cũng khó phục hồi. Ảnh không nói được chứ tôi biết trong người ảnh đau lắm…”.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.