Bệnh tim bẩm sinh là một bệnh nguy hiểm, theo Tổng hội Y Dược học Việt Nam chưa có số liệu thống kê chính xác về tỷ lệ mắc bệnh tim bẩm sinh, tuy nhiên ước tính mỗi năm nước ta có 12.000 đến 15.000 trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh ra đời.
Khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh là một trong những việc được các bác sĩ khuyến khích các gia đình nên thực hiện cho con từ khi còn trong bụng mẹ. Nhiều trẻ có biểu hiện rõ rệt từ khi sinh những một số trẻ mắc bệnh có thể không có triệu chứng hoặc có những biểu hiện rất nhẹ dễ bị bỏ sót.
Trẻ bị bệnh tim bẩm sinh nặng có nguy cơ tử vong cao nếu chúng ta chậm trễ trong chẩn đoán và chuyển bệnh nhân đến các trung tâm tim bẩm sinh có kinh nghiệm để điều trị cho trẻ. Những trẻ bị bệnh tim bẩm sinh nặng thường được phẫu thuật hoặc can thiệp sớm trong năm đầu tiên để đảm bảo sự sống và tránh được những biến chứng nguy hiểm.
Những trẻ có bệnh tim bẩm sinh nặng thường có độ bão hòa oxy thấp và có thể dễ dàng phát hiện qua kẹp đo bão hòa oxy. Với trẻ có bão hòa oxy thấp nên được tầm soát bệnh tim mạch ngay trong 1-2 ngày đầu. Nếu độ bão hòa ôxy thấp, chúng ta nên tầm soát bệnh tim bẩm sinh sớm 24 giờ ngay khi sau sinh hoặc trước khi cho trẻ mới sinh ra viện.
Có 7 bệnh lý tim bẩm sinh nặng thường gặp nên được tầm soát sau khi sinh bao gồm: hội chứng thiểu sản thất trái; thiểu sản động mạch phổi; tứ chứng Fallot; bất thường hoàn toàn đổ về của tĩnh mạch phổi; đảo gốc động mạch; thiểu sản van ba lá; thân chung động mạch.
Phát hiện sớm bệnh tim bẩm sinh để kịp thời điều trị, giúp cuộc sống của trẻ nhỏ tốt hơn. Nếu chẩn đoán trong thời kỳ bào thai, có những trường hợp cần xử lý ngay khi trẻ ra đời, phối hợp giữa bác sĩ sản và tim mạch. Biết sớm để cứu được trẻ, chuẩn bị tinh thần cho gia đình.... Trong quản lý thai kỳ, các bà mẹ nên đi khám sàng lọc bệnh tim.
Trong vài năm trở lại đây việc tầm soát tim bẩm sinh bằng siêu âm tim thai ở nước ta đã giúp tiên lượng và tránh được những tử vong đáng tiếc cho trẻ. Phát hiện sớm bệnh tim bẩm sinh nặng sẽ giúp chúng ta cơ hội và kế hoạch tương lai xử lý cho trẻ.