Câu chuyện bất hạnh về cuộc đời người đàn bà đáng thương Trần Thị Kim Dung có lẽ sẽ còn là điều ám ảnh chúng tôi mãi bởi những gì đã được tận mắt chứng kiến. Ngôi nhà nhỏ, lẩn khuất tuềnh toàng và trống trải với nghi ngút khói đến cay xè cả mắt… Đó là không gian của chị, người đàn bà mới 34 tuổi nhưng cuộc đời lại là 1 tấn những bi kịch dài trong nước mắt.
Bị bệnh viêm đa khớp đã 6 năm nay khiến cho cơ thể chị Dung bị phá hủy chỉ còn như bộ xương di động.
Từ 1 người phụ nữ nhanh nhẹn, tháo vát nặng 50kg chị chỉ còn 20kg.
Lấy chồng rồi sinh con, chị cũng đã từng có cho mình 1 mái ấm… Nhưng mọi thứ như đổ sụp trước mắt khi cách đây 6 năm chị phát hiện căn bệnh viêm đa khớp với những lần đi các viện từ tuyến huyện, tuyến tỉnh, rồi chuyển bệnh viện K, bệnh viện Bạch Mai, Viện Y học cổ truyền. Những mũi tiêm, những phác đồ điều trị đau đớn biến chị từ 1 người phụ nữ nhanh nhẹn, tháo vát nặng gần 50kg thành bộ xương di động còn vỏn vẹn 20kg nhăn nhúm, già nua như cành cây sắp gãy.
Bệnh tật, bao lần chị muốn bỏ cuộc để chồng con "nhẹ nợ" nhưng người đàn ông của chị hơn ai hết càng yêu thương, bên cạnh chăm sóc vợ khiến chị được an ủi. Chị kể anh nói chẳng cần gì cả, chỉ cần thêm 1 ngày trọn nghĩa vợ chồng với anh chính là cuộc sống. Đó cũng là điều duy nhất cứu vãn cuộc đời người đàn bà đáng thương tưởng chừng chỉ còn là vực thẳm.
Chồng chị mất cách đây 3 năm vì tai nạn ngã cột điện khi đang lao động.
Anh ra đi để lại người vợ bệnh tật và hai cô con gái đáng thương.
"Anh hiền và yêu thương mẹ con chị lắm em ạ. Khuôn mặt của anh, từng lời anh nói, với chị như còn văng vẳng bên tai. Vậy mà thấm thoát đã 3 năm anh bỏ mẹ con chị đi, anh không ở với mẹ con chị mà ở 1 mình lạnh lẽo nơi nấm mồ được chôn sâu".
Tựa lưng vào thành ghế với giọng khản đặc và đôi bàn tay chỉ còn những ngón khẳng khiu, chị ôn lại kỉ niệm về người chồng của mình trong nghẹn ngào nước mắt. Anh chẳng còn nữa sau vụ tai nạn ngã cột điện cách đây 3 năm, bỏ lại người vợ xác xơ tiêu điều cùng hai cô con gái nhỏ.
Không còn chồng bên cạnh, cũng chẳng còn ai để dựa vào, chị dắt díu 2 con từ vùng cao của Thái Nguyên trở về Hà Nam tá túc mẹ đẻ cho dù mẹ của chị cũng là người đàn bà khốn khổ không kém. Nhắc đến điều này, chị Phạm Thị Hồng - Trưởng thôn Phú Khê cho hay: "Mẹ của chị Dung là cô Nguyễn Thị Đức, sống cảnh thui thủi 1 mình đã nhiều năm nay. Trước cô Đức cũng có lấy chồng rồi sinh ra chị Dung nhưng vì bản thân cô bị xơ vú phải phẫu thuật cắt cả 2 bên vú từ ngày mới ngoài 20 tuổi cộng với các bệnh bướu cổ, xơ gan, nên cô đã chủ động giải thoát cho chồng để chồng đi lấy vợ khác. Kể từ đó mấy chục năm nay cô đều lủi thủi 1 mình trong túp lều tạm và không có thu nhập gì cả".
Không có tiền đi viện tiếp, chị Dung dùng cách bó lá để các khớp xương đỡ đau.
Cùng chung sự lo lắng với chị Hồng, chị Đinh Thị Phố - Chủ tịch hội chữ thập đỏ xã Bắc Lý cũng ái ngại cho hay: "Kể từ ngày biết tình hình của mẹ con chị Dung, trên địa bàn thôn, xã cũng nhiều lần đi vận động kêu gọi bà con giúp đỡ nhưng chỉ được 1 phần rất nhỏ thôi. Hàng ngày nhìn chị ấy đau đớn nhưng không có tiền đi viện mà chỉ ở nhà cầm cự bằng cách đốt lá xông chúng tôi cũng lo lắng và sốt ruột quá. Đặc biệt hai con gái của chị Dung vì không lo được cái ăn nên phải tá túc nhờ nhà chùa, thi thoảng mẹ con mới gặp nhau".
Thương cho cuộc đời mình vốn đã chẳng có gì là sáng sủa, bác Đức càng đau đến tận xương tủy khi ngày dang tay ra đón con gái và hai cháu ngoại trở về lại là những ngày đầy bi kịch. Con yếu ớt, không tự làm gì được, bản thân bác cũng không thể lo nổi cái ăn cái uống cho các cháu nên đành gửi nhờ nơi cửa chùa từ bi. Thương bà, nhớ mẹ, cả hai cô bé Phạm Mai Liên (10 tuổi) và Phạm Khôi Nguyên (6 tuổi) khóc gào, nước mắt giàn giụa đòi ở lại nhưng không còn cách nào khác, các em vào chùa nương nhờ cửa Phật để không đứt bữa ăn và dở dang việc học.
Chị Dung không thể lo được cho các con nên phải gửi các con lên chùa.
"Nhớ con lắm em ạ, lần nào các con trở về nhà là mẹ con, bà cháu lại ôm nhau khóc. Hai đứa nó cứ đòi ở nhà suốt nhưng chị sao đành để các con nhịn đói và không được đi học nên bắt chúng phải đi. Chị ước mà mình có thể khỏe, hoặc chí ít cũng có đủ gạo cho chúng nó ăn và con được đi học thì chị cũng xin nhà chùa cho cháu về em ạ".
Đó là điều ước của chị bấy lâu, nó khiến cho chúng tôi thấy đau nhói và cứng ở cổ họng. Chồng đã không còn, người phụ nữ bất hạnh này lại phải chấp nhận việc xa con chỉ vì muốn con tốt hơn để một mình ngày qua ngày gặm nhấm nỗi đau của bệnh tật và những khoảng trống tận sâu tim mình. Nhìn chị chúng tôi cũng không biết chị còn cầm cự được bao lâu nữa nhưng cái khao khát được đón các con trở về như day đi, day lại như 1 điều ám ảnh… Đó còn là nước mắt của hai con gái nhỏ và cái nắm tay không chịu buông của các em khi đã đến giờ phải trở về chùa. Mọi thứ đã diễn ra như vậy, ngay trước mắt chúng tôi trong sự nghẹn ngào, bế tắc để người mẹ héo hon lại phải lần nữa quỵ xuống sân, dõi mắt nhìn theo các con mà nói không nên lời.
Hàng ngày mẹ chị Dung phải đốt lửa, hơ than để đốt cỏ hơ tay chân cho con gái.
Đây là cách duy nhất giúp chị Dung bớt đi 1 phần đau đớn trong cơ thể mình.
Chỉ vì nghèo khổ mà mẹ con, bà cháu phải sống xa nhau cho dù lòng chị đau như cắt.