Thầy lang tận tâm chữa bệnh cứu người ở xứ Nghệ

Theo TTXVN-Chủ nhật, ngày 14/02/2016 07:06 GMT+7

Chân dung thầy lang chữa bệnh gan Nguyễn Trọng Phùng.

VTV.vn - Khi người người đang háo hức trước thềm Xuân Bính Thân, ông Nguyễn Trọng Phùng vẫn cặm cụi bốc thuốc, chữa các bệnh về gan cho hàng chục người dân.

“Ươm mầm” hy vong cho người bệnh

Tôi tìm đến làng Trung Minh (Minh Sơn, Đô Lương, Nghệ An) vào một buổi chiều Đông. Hôm ấy trời mưa, con đường mòn nhão nhoét đi lại khó khăn, song chỉ cần cái chỉ tay của bác xe ôm, tôi cũng tìm đến đúng địa chỉ, bởi xung quanh nhà thầy lang đâu đâu cũng treo biển trông xe và đông đúc người đến khám. Và, nếu không để ý, hẳn nhiều người sẽ đồ rằng ở xóm nhỏ Trung Minh có tới hàng chục nhà ông Phùng. Hóa ra, “người dân ở đây treo biển chỉ để trông xe thôi, còn khách đến khám cứ nhìn nhà nào có cái tượng đá hình ông Phùng to tướng ở giữa sân thì vào", một người dân xởi lởi nói. Theo lời chỉ dẫn, sau khi gửi xe, tôi đi vào nhà ông Phùng, ngỏ ý trò chuyện, viết bài. Thế nhưng, vì khách đông nên phải ngồi chờ đến cuối chiều mới gặp được chủ nhân của bài thuốc gia truyền chữa bệnh gan. Trong lúc chờ, tôi lướt nhìn xung quanh và thấy có khoảng gần 50 người đang đợi tới lượt đưa phiếu để thầy bắt mạch, kê đơn bốc thuốc.

Tôi hỏi thăm người đàn ông ngồi ngay bên cạnh, khuôn mặt nhăn nheo, bụng nhô căng như “có bầu”. Ông là Hoàng Văn Tài, quê ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, 57 tuổi bị xơ gan cổ trướng. Cách đây hai năm, ông đã được người thân đưa đi chữa ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), nhưng bệnh viện không thể cứu chữa.

“Trở về trong vô vọng. Những tưởng sẽ phải từ dã cuộc đời thì nhà tôi được người ta giới thiệu thầy Phùng chữa bệnh gan uy tín ở tỉnh Nghệ An. Nghe theo lời khuyên, hai ông bà đã khăn gói, bắt xe khách tìm đến nhờ thầy khám bệnh, rồi nhen nhóm hy vọng qua từng thang thuốc Nam sắc uống", ông Tài chia sẻ.

Theo lời kể của vị khách này, trong đợt khám đầu tiên, ông được thầy Phùng bốc cho năm thang thuốc. Sau gần một tháng sắc thuốc uống, bệnh của ông đã bắt đầu đỡ và chỉ sau 4 đợt thuốc (mỗi đợt 5 thang), ông Tài đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, do không kiêng rượu, bia, nên gần đây, bệnh tình của ông lại tái phát.

“Ngay sau khi dính lại bệnh gan, vợ chồng tôi lại tự bảo nhau đến gặp thầy Phùng. Lần này thì phải quyết tâm kiêng rượu, bia theo lời thầy dặn thôi”, ông Tài nói.

Ngồi đối diện, bà Nguyễn Thị Hoa, quê ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An cũng đang chờ thầy Phùng gọi tên vào khám, nghe thầy tư vấn. Bà bảo bị xơ gan cổ trướng và đã vào chữa trị tại bệnh viện Bạch Mai từ năm 2015 nhưng không có kết quả. Trong lúc đang buồn chán, thì bà được người trong làng khuyên lên gặp thầy Phùng.

“Thú thật là, mới đầu tôi cũng không tin thuốc Nam của thầy có thể chữa được bệnh gan trong khi y học còn bó tay. Nhưng rồi con cái cứ động viên nên tôi cũng cố "ôm bụng" tìm đến gặp thầy. Thế mà, sau khi uống xong 10 thang thuốc, bụng tôi đã xẹp dần và ​giờ cũng không còn đau nhói như trước nữa".

“Lần này tôi đến nhờ thầy khám và bốc thêm đợt thuốc mới. Trước khi đến, tôi cũng đã gọi điện hỏi và nghe thầy nói cứ uống xong 4 đợt thuốc, vị chi là 20 thang sẽ khỏi bệnh. Giờ thì chỉ nghĩ đến lời thầy Phùng nói, tôi cũng thấy phấn khởi để yên tâm điều trị", bà Hoa nói, đôi mắt rực lên niềm hy vọng.

Chữa bệnh vì chữ “Đức”

Khoảng 4 giờ chiều, ông Phùng bàn giao công việc cho anh Nguyễn Trọng Chung (là người duy nhất trong số 9 người con được cha truyền nghề) rồi ra ngoài sân đón tôi vào căn phòng nhỏ. Trước khi bước vào cuộc trò chuyện, giọng ông nghiêm nghị bảo: “Nếu anh đến hỏi thông tin viết bài vì người bệnh thì tôi nói, còn tôi không cần quảng cáo đâu!”.

Thấy tôi có thành ý viết bài, lương y Nguyễn Trọng Phùng niềm nở chia sẻ như muốn “mở” hết cái Tâm của một người bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Ông bảo, bản thân bén duyên với nghề từ hồi còn rất trẻ, 25 tuổi đã theo cha đi vào rừng kiếm cây thuốc chữa bệnh gan, song mãi đến năm 1968, trải qua muôn vàn thử thách, ông mới chính thức được cha truyền nghề.

“Tôi còn nhớ, cái thời theo cha vào rừng tìm thuốc, đi khắp rừng núi miền Tây tỉnh Nghệ An, thậm chí có lúc còn sang tận Lào mới tìm được cây thảo dược đúng ý mang về gom thành thang thuốc. Thời ấy đi lại cực lắm, nhưng qua mỗi chuyến đi, được cha truyền dạy tận tình về tác động của từng nhành cây, củ, lá thảo dược, bản thân cũng được tôi luyện rồi đến độ tâm huyết với nghề", ông Phùng trải lòng.

Ngoài việc học kinh nghiệm bí truyền từ cha, từ kinh nghiệm dân gian, những năm sau đó, ông Phùng còn xuống Tỉnh Hội Đông y Nghệ Tĩnh (nay là Nghệ An) học thêm về Đông y và được Hội cấp giấy chứng nhận chữa các bệnh lý về gan. Thấm thoắt trôi đi, đến nay ông cũng đã có hơn 50 năm gắn bó với nghề chữa bệnh, được người dân tin yêu.

Theo lương y Nguyễn Trọng Phùng, nghề chữa bệnh gan bằng bài thuốc gia truyền của gia đình ông đến nay đã trải qua 5 đời. Tất cả các lớp truyền nhân đều chữa bệnh với mục đích tạo phúc cho con cháu sau này. Chính vì thế mà, đa số bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đến khám ông đều tận tâm bốc thuốc mà không nỡ lấy tiền.

Khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quãng thời gian hơn 50 năm gắn bó với nghề, ông Phùng kể, vào năm 1988, Trung tướng Na-khỏn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lào, trong dịp đến làm việc tại Quân khu 4 có hỏi thăm Trung tướng Nguyễn Quốc Thước có biết ai chữa gan không. Ngay lúc đó, Trung tướng điện sang Ban y tế Tỉnh ủy Nghệ An hỏi thăm và được giới thiệu đến ông Phùng.

“Sau khi bệnh của Tướng Na-khỏn đã được chữa khỏi, về Lào, ông ấy cũng đã giới thiệu một vị Đại tướng khác cùng nhiều người dân Lào sang chữa. Thú vị nhất là Tướng Na-khỏn sau khi khỏi bệnh đã có nhã ý tặng tôi một món quà có giá trị, là một chiếc xe ôtô con để tiện đi lại nhưng tôi từ chối, và chỉ nhận số tiền thuốc của bệnh nhân”, ông Phùng nói.

Đang dở câu chuyện về những kỷ niệm “vàng ngọc,” thì một người đàn ông tiều tụy, mái tóc bạc trắng bước lọm khọm vào ngỏ ý nhờ thầy khám bệnh. Ông Phùng liền đứng bắt tay tôi và bảo: “Còn nhiều người đang ngồi chờ bên ngoài. Ta dừng chuyện ở đây nhé. Nếu cần thêm thông tin gì, anh cứ tra lên mạng sẽ rõ thôi, nhiều báo viết về tôi rồi mà!”

Vừa dứt lời, ông Phùng liền đưa tay bắt mạch cho người đàn ông được bệnh viện Trung ương Huế chẩn đoán bị viên gan B. Khuôn mặt người thầy thuốc 82 tuổi hồng hào và phúc hậu. Khi bắt mạch, khuôn mặt ông đăm chiêu như thể thần thái bị từng mạch đập trong cơ thể người bệnh cuốn vào, để lắng nghe, xem thể trạng của “con bệnh.”

Chiều Đông, cơn mưa thêm phần nặng hạt. Tôi bước chân ra về. Trên con đường nhỏ tràn ngập những cành đào, chậu quất mà người người nô nức mua sắm mang về đón Tết, thi thoảng tôi lại nghĩ đến chiếc tượng đá hình ông Phùng ở ngay giữa sân nhà và những bức thư cảm ơn tấm lòng y đức từ các bệnh nhân ở nhiều tỉnh thành trên cả nước gửi đến người thầy thuốc tận tâm vì người bệnh.

Tất cả, đều được ông lưu giữ như một món quà tặng vô giá.

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước