Ước mơ được đến trường của bé gái 4 tuổi mắc bệnh ung thư máu

Theo Dân trí-Thứ ba, ngày 20/09/2016 06:01 GMT+7

4 tuổi mà Phương Uyên đã phải chịu đựng nhiều cơn đau dai dẳng kéo dài suốt 8 tháng qua. Ảnh: Dân trí

VTV.vn - Những đợt vào thuốc, bé bị hành hạ cả tháng trời. Song, những lúc khỏe được 1 chút là bé gặp ai cũng cười khoe "con sắp được đi học lại rồi!" khiến ai cũng chạnh lòng.

Đó là hoàn cảnh đáng thương của bé Ngô Phương Uyên (sinh năm 2012) mắc bệnh ung thư máu. Bé là con gái của vợ chồng anh Ngô Văn Mạnh (sinh năm 1980) và chị Bùi Thị Kim Sang (sinh năm 1982), trú tại thôn Mỹ Thành, xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.

Anh Mạnh kể: "Đầu tháng 10/2015 thì bé đổ bệnh, ăn uống kém đi, da tái xanh, hay bị sốt cao về đêm, có lúc bé đánh răng cũng bị chảy máu chân răng, đi ngoài có máu... Biết có điều không lành đến với con, vợ chồng tôi đưa bé đi bệnh viện khám thì được các y bác sỹ khuyên nên vào TPHCM để chữa trị".

"Khi đến bệnh viện Truyền Máu Huyết Học TPHCM khám thì bé được chẩn đoán bị bạch cầu cấp dòng Lympho B", người cha nghèo với gương mặt hốc hác, tiều tụy rơm rớm nước mắt khi nhắc lại chứng bệnh của con mình.

Từ ngày bé Phương Uyên phát bệnh đến nay, suốt hơn 8 tháng qua là hành trình gian nan đi tìm sự sống cho con của vợ chồng anh Mạnh với biết bao nước mắt, tủi hờn và đau đớn.

Đau đớn vì nỗi đau cùng cực con gái phải trải qua những khi bệnh và thuốc hành hạ. Tủi hờn mỗi khi đi van nài khắp nơi để vay mượn, góp nhặt từng đồng tiền cứu con. Nước mắt thì hầu như ngày nào cũng rơi trên gương mặt người cha, người mẹ mỗi khi thấy con vật vã trong cơn đau...

"Nhìn con quằn quại, kêu khóc cả ngày đêm mà tôi chỉ biết trào nước mắt. Nhiều bữa thức trắng đêm bóp tay chân cho con mà không kìm được...", anh Mạnh rơm rớm nước mắt tâm sự.

Anh Mạnh kể: "Bé nhập viện ở đây cũng được 8 tháng rồi, giờ cách tuần bé phải thay máu 1 lần, mà lần nào thay máu bé cũng bị phát sốt do men gan cao. Cách đây 2 hôm, bé xét nghiệm tủy thì phát hiện có tế bào ung thư ác tính trong tủy sống nên phải chuyển qua dùng thuốc nặng hơn, mỗi lần bé vô thuốc là bỏ ăn cả nửa tháng, phải sống nhờ truyền dịch...".

Theo bác sĩ điều trị, do bé yếu quá nên phải theo dõi thường xuyên, khi sức khỏe và bạch cầu trong máu ổn định mới có thể vào thuốc, nếu không phải thay máu liên tục mỗi khi máu thoái hóa.

Trong lúc trò chuyện cùng anh Mạnh, bé Uyên bẽn lẽn lại ngồi gần và háo hức hỏi: "Cô ơi! Con sẽ hết bệnh và được đi học trở lại đúng không ạ?". Câu hỏi ngô nghê của đứa trẻ 4 tuổi khiến ai cũng đau nhói lòng, anh Mạnh quay đi giấu gương mặt ưu sầu vì sợ con biết lời an ủi của mình là không thật...

Anh Mạnh nói như than: "Bé nó ham học lắm! Ngày nào mà khỏe chút thì bé lại lôi quyển tập ra vẽ, tự phân vai, tự nói một mình như đang trên lớp học. Trong viện buồn nên nhiều khi bé còn rủ ba chơi trò dạy học, lâu lâu quay qua nói là 2 ngày nữa ba cho con đi học nha...".

Kể đến đây, anh Mạnh lắc đầu, thở dài bảo: "Biết con bé ham học nhưng số phận lại xui khiến nó mắc phải căn bệnh quái ác này thì biết làm sao!".

Động viên anh cố gắng đừng buông tay nhưng hơn ai hết, anh hiểu căn bệnh của con mình khó điều trị dứt điểm vì chi phí quá cao mà gia đình đang rơi vào cảnh bế tắc. 8 tháng điều trị với những liều thuốc ngoài danh mục đắt tiền đã lấy hết số tiền dành dụm bao năm của vợ chồng anh. Cả mảnh ruộng là phương tiện sản xuất chính của gia đình anh cũng đã bán để chạy tiền thuốc. Nay còn gì để chống chọi?

Kể về gia cảnh của anh Mạnh, ông Trần Văn Thừa, Phó trưởng ban nhân dân thôn Mỹ Thành, xã Ân Mỹ cho biết: "Gia đình anh Mạnh là một trong số những gia đình đặc biệt khó khăn ở thôn. Gia đình anh chủ yếu làm nông sinh sống, nuôi mẹ già 82 tuổi và 3 đứa con nhỏ. Giờ thêm đứa con mắc bệnh ung thư máu khiến cho gia đình càng khó khăn hơn".

Ngồi tựa lưng vào tường, hai hàng nước mắt chảy dài xuống cổ, anh Mạnh nghẹn ngào buông thõng: "Cả 8 tháng nay, tiền điều trị bệnh cho bé hết hơn 400 triệu đồng. Vay ngân hàng, vay ngoài, thậm trí bán luôn miếng ruộng nhỏ cưu mang 6 miệng ăn, giờ vợ chồng tôi không biết bấu víu vào đâu nữa. Hết đợt thuốc này mà vẫn không khỏi chắc tôi phải đem bé về quê chờ...".

Nói đến đây, anh ngập ngừng như sợ hãi. Rồi anh thở dài tuyệt vọng: "Vì không còn tiền để trị nữa em à, còn cách nào đâu!".

Ông Trần Văn Thừa, Phó trưởng ban nhân dân thôn Mỹ Thành, gửi gắm: "Hoàn cảnh nông thôn chúng tôi hỗ trợ về tinh thần là chủ yếu chứ số tiền hàng trăm triệu thì lấy đâu ra mà giúp. Tôi mong các nhà hảo tâm, nhà tài trợ cùng báo chí giang tay đùm bọc để cứu lấy cháu!".

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tạiTV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước