Trước kia, bà Võ thị Liệu - xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, một thân một mình sống trong căn nhà lá dừa ọp ẹp. Do không chịu nổi cơn bão số 11 cộng với đợt lũ dữ vào cuối năm 2013 nên căn nhà của bà đã bị sập hẳn. Dù trước đó không nằm trong danh sách ưu tiên, nhưng sau khi khảo sát thực tế bà Liệu được Quỹ Vì người nghèo của xã Duy Vinh hỗ trợ 25 triệu đồng để xây một căn nhà mới vừa có thể trú mưa, vừa có thể tránh lụt. Cái Tết vừa qua, bà Liệu đã có một cái Tết vui vẻ trong ngôi nhà mới của mình
“Tôi không có đủ khả năng làm nhà, nên khi được hỗ trợ xây nhà mới cứ ngỡ như mình đang mơ. Thật tình tôi rất cảm ơn sự quan tâm của chính quyền địa phương”, bà Liệu bộc bạch.
‘ Ảnh minh họa
Đối với vùng thường xuyên ngập lụt như huyện Duy Xuyên, những căn nhà có gác đúc là mô hình chung tại đây nhằm giúp người dân phòng tránh thiên tai. Tuy nhiên, để có nguồn vốn thực hiện thay vì ngồi chờ cấp trên hỗ trợ, UBND huyện đã triển khai những cách làm chủ động sáng tạo. Trong đó, việc duy trì đêm văn nghệ ngày đầu xuân với sự đóng góp của những người con xa quê và người dân địa phương trong 6 năm qua tại Duy Vinh là một cách làm thiết thực. Năm nay cách làm này đã mang về cho Quỹ người nghèo 130 triệu đồng nhằm hỗ trợ các hộ nghèo trên địa bàn.
Ngoài Duy Vinh, các xã như Duy Trung, Duy Nghĩa cũng có những hình thức tương tự để vận động người dân địa phương, doanh nghiệp hay hội đồng hương tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM cùng tham gia giúp đỡ các hộ nghèo.
“Công tác vận động vận động hỗ trợ hộ nghèo trên địa bàn đạt được kết quả là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhờ việc sử dụng Quỹ đúng mục đích, công khai, dân chủ”, ông Văn Bá Quang - Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện Duy Xuyên nói.
Năm vừa qua, có thể con số nhà tạm tại Quảng Nam được xóa không nhiều bằng các năm trước nhưng đã đi vào thực chất hơn nhờ các cách làm chủ động sáng tạo của chính quyền địa phương.