Triển vọng kinh tế sau thỏa thuận lịch sử của Iran

Tạp chí kinh tế-Thứ bảy, ngày 18/07/2015 16:10 GMT+7

VTV.vn - Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 đang và sẽ mở ra nhiều triển vọng hợp tác, phát triển kinh tế mới cho các bên nói riêng và cho nền kinh tế thế giới nói chung.

Trải qua quá trình đàm phán nhiều chông gai, Iran và nhóm các nước gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức (nhóm P5+1) đã đạt thỏa thuận lịch sử, khép lại một hồ sơ hạt nhân phức tạp hàng đầu thế giới. Thỏa thuận hạt nhân dài 109 trang  được ký kết tại Vienna giữa Iran với nhóm P5+1 tập trung vào 3 nội dung chính:

Thứ nhất, Iran sẽ giới hạn chương trình hạt nhân của mình, giảm số lượng nhiên liệu hạt nhân xuống chỉ còn hơn 300 kg. Số lượng máy ly tâm làm giàu uranium cũng giảm còn khoảng 5000 máy, qua đó ngăn chặn khả năng nước này phát triển vũ khí hạt nhân.

Thứ hai, Tổ chức Năng lượng nguyên tử Quốc tế IAEA sẽ có quyền thanh tra các cơ sở hạt nhân của Iran, trong đó có cả các cơ sở quân sự.

Thứ ba, các cường quốc phương Tây sẽ chấm dứt các lệnh cấm vận kinh tế, cho phép các doanh nghiệp nước ngoài trở lại làm ăn với Iran. Đặc biệt, việc đóng băng 150 tỷ USD tài sản của Iran hiện cất giữ tại các ngân hàng nước ngoài cũng sẽ được dỡ bỏ.

Mặc dù có những nhượng bộ, song chính quyền Iran thực sự mở ra một trang sử mới đối với người dân và đất nước của họ. Khi các lệnh cấm vận được dỡ bỏ và hội nhập trở lại, tốc độ tăng trưởng của Iran được kỳ vọng đạt từ 7-8%/năm. Dự báo một dòng vốn đầu tư nước ngoài và trao đổi mậu dịch thương mại giữa Iran và các quốc gia trên thế giới sẽ tăng trưởng ấn tượng.

Ngoài dự báo gia tăng xuất khẩu dầu thô, mặt hàng có giá trị kinh tế chủ lực, các doanh nghiệp Iran cũng sẽ có cơ hội tiếp cận và nhập khẩu nhiều trang thiết bị, máy móc hiện đại, qua đó đưa nền kinh tế đầy tiềm năng bước vào quỹ đạo phát triển nhanh và bền vững.

Với thị trường tiêu dùng lớn lên tới 77 triệu dân, đã bị cấm vận suốt hơn một thâp kỷ qua, Iran sẽ là mảnh đất màu mỡ dành cho các tập đoàn, công ty lớn của Mỹ và châu Âu.

Điển hình như hãng xe hơi Peugeot của Pháp. Hãng này hiện đang lên kế hoạch quay trở lại Iranvới dự kiến bán được thêm 400.000 chiếc/năm. Ngoài ra, General Motors và hãng Ford của Mỹ cũng đã mở các đại diện trung gian tại một số nước phân phối ô tô cho quốc gia này.

Trong khi đó, Tập đoàn dầu lửa Total, sau khi buộc phải rời bỏ thị trường Iran hồi 2008, giờ đây, tập đoàn này cũng lên kế hoạch quay trở lại để đầu tư tại Iran. Hãng máy bay Airbus ước tính có thể bán máy bay cho Iran với doanh số lên tới 20 tỷ USD.

Nhưng đó mới chỉ là câu chuyện được mất của Iran và các bên liên quan trực tiếp. Một câu chuyện khác cũng đang rất được quan tâm đó là nguồn cung dầu sẽ tăng lên sau khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ. Như vậy,  giá dầu có thể sẽ giảm mạnh và tác động không nhỏ đến kinh tế thế giới.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước