Thế nhưng, cả một thập kỷ qua, cái hồn Pháp chỉ còn vảng vất ở đó, núp dưới cái bóng khổng lồ của người Tây Ban Nha mà trận chung kết đơn nam sắp tới giữa Rafael Nadal và David Ferrer là một ví dụ điển hình.
Ám ảnh “Big Four” ở Grand Slam Đã 30 năm rồi kể từ khi máy quay ghi lại hình ảnh bố con tay vợt huyền thoại Yannick Noah ôm chầm lấy nhau trên khán đài, nở nụ cười chiến thắng đầy mãn nguyện khi Noah trở thành tay vợt Pháp đầu tiên giành ngôi vô địch Roland Garros. Vài thế hệ tay vợt khác cũng đã qua, cho tới bây giờ, những Gael Monfils, Richard Gasquet, Gilles Simon hay niềm hy vọng lớn nhất Jo-Wifried Tsonga vẫn không thể thoát khỏi cái dớp “tiềm năng”. Nhưng nhìn ở một khía cạnh khác, không chỉ người Pháp đang cảm thấy mỏi mệt bởi thất bại của họ. Hơn ai hết, người hâm mộ tennis cũng muốn điệp khúc vô địch của “Big Four” tạm ngừng để bộ môn thể thao này không đánh mất đi một thế hệ các tay vợt tài năng khác.
Việc Ferrer lọt vào chơi trận chung kết French Open lần này đánh dấu cột mốc lần đầu tiên trong 3 năm, một tay vợt không nằm trong “Big Four” làm được điều này. Cho đến thời điểm này, Potro vẫn là tay vợt duy nhất kể từ năm 2005 trong phần còn lại của tennis giành được một danh hiệu Grand Slam (US Open 2009). Chúng ta đã lỡ mất thế hệ của những Tsonga, Tomas Berdych, Juan Martin Del Potro… trong cả thập kỷ. Chúng ta biết họ, nhưng chưa bao giờ đủ tự tin để đặt kỳ vọng vào họ mỗi một giải Grand Slam tới. Có lẽ họ, trong đó có cả Ferrer, đã sinh nhầm vào thời mà ở bản đồ tennis không có nét vẽ nào đặc biệt ngoài “Big Four”.
Mọi thứ đều đang đứng về phía Nadal. “Ông vua đất nện” đang nắm một tay rất chắc vào chiếc cúp vô địch French Open thứ 8 trong sự nghiệp, một kỷ lục. Ở trận thư hùng tại bán kết trước Djokovic, khán giả Pháp đã dành rất nhiều sự ủng hộ cho tay vợt người Serbia. Họ muốn một làn gió khác không tên là Nadal giành chiến thắng. Nhưng nếu việc “Roland Garros là Nadal – Nadal là Roland Garros” sắp trở thành định lý, thì sẽ chẳng ai bàn tán quá nhiều nữa khi Nadal giương cúp.
David Ferrer và trò đùa của số phận Nhìn cách Ferrer đã thi đấu trong suốt cuộc hành trình dài ở Roland Garros (chưa thua bất kỳ set nào) cho tới cách anh đánh bại Tsonga (6-1, 7-6 (3), 6-2), người ta sẽ khó có thể chấp nhận sự thật rằng đây mới là lần đầu tiên anh lọt vào trận chung kết Grand Slam. Hãy thử tưởng tượng, bạn nổi tiếng, bạn đầy tài năng, bạn là một trong 5 người giỏi nhất thế giới nhưng bạn không bao giờ có thể đánh bại 4 người còn lại. Cảm giác đó giống như một diễn viên xuất chúng hết lần này đến lần khác được đề cử giải Oscar nhưng không bao giờ nhận tượng vàng!
Số phận cầm vợt của Ferrer hao hao như thế. Anh đang là tay vợt có phong độ ổn định nhất French Open khi chiến thắng ở tất cả các set đấu. Trận bán kết trước Tsonga diễn ra nhanh gọn với thời gian chỉ bằng một nửa trận Nadal – Djokovic. Đây cũng là lần thứ 7 liên tiếp Ferrer vào chơi ở vòng tứ kết, lần thứ 5 vào bán kết ở các giải Grand Slam. Nhưng ngưỡng cửa thiên đường luôn khép lại sau mỗi chặng đường như thế, cách này hay cách khác, Ferrer lần lượt bị đánh bại bởi 1 trong 4 cái tên: Nadal, Djokovic, Federer, Murray.
Hai tuần qua ở Paris, Ferrer thể hiện thế không thể bị đánh bại. Nhưng khi đối thủ ở trận chung kết là Nadal, tay vợt đã sở hữu 7 danh hiệu French Open, Ferrer sẽ phải chuẩn bị sẵn tinh thần thua cuộc. Hai tay vợt từng gặp nhau 23 lần, Ferrer chỉ vỏn vẹn có được 4 chiến thắng. Riêng tại mặt sân đất nện, Nadal thắng tới 16 trên tổng số 17 lần gặp nhau. Nadal đã 11 lần giành danh hiệu Grand Slam còn Ferrer vẫn trắng tay. Rõ ràng, Ferrer lép vế trước người đồng hương ở mọi mặt: lịch sử đối đầu, đẳng cấp, tài năng, bản lĩnh.
44 - Nadal đã mắc tới 44 lỗi đánh bóng hỏng trong trận bán kết với Djokovic. Nhưng tay vợt người Serbia lại mắc tới 75 lỗi. 6 - Nadal thắng cả 6 trong 6 lần gần nhất chạm trán Ferrer 3 - Nadal sẽ trở thành tay vợt giành được danh hiệu Grand Slam nhiều thứ 3 trong lịch sử (cùng với Roy Emerson) nếu chiến thắng trước Ferrer. |