Có một quy tắc Isner - "Isner Rule"
Ban tổ chức Wimbledon mới đây đã thông báo về việc áp dụng tie-break khi tỉ số ở set cuối là 12-12 kể từ năm 2019 và quy tắc này sẽ được đưa vào ở các nội dung đơn nam, đôi nam, đơn nữ, đôi nữ và giải trẻ. Quyết định này được thông qua dựa trên việc xem xét kỹ dữ liệu các trận đấu của 20 kỳ Wimbledon gần đây nhất, cũng như đề xuất của nhiều tay vợt trong suốt gần 10 năm qua.
Những kiến nghị về việc tie-break cần được đưa vào Wimbledon xuất hiện nhiều hơn sau trận bán kết kéo dài 6 giờ 36 phút giữa Kevin Anderson và John Isner. Tay vợt người Nam Phi đã thắng với tỉ số 26-24 ở set thứ 5. Giành quyền vào chung kết, nhưng Kevin Anderson cũng không đủ sức đấu lại với Novak Djokovic và nhanh chóng thua sau 3 set đấu.
Trận bán kết Wimbledon 2018 kéo dài...6h36 phút, set 5 kết thúc với tỉ số 26-24
Isner đã chia sẻ về điều này: "Tôi đã nói rằng 12-12 là phù hợp. Điều đó hợp lý với cả những người thích ‘lợi thế" và những người thích tie-break. Wimbledon có nhiều quy tắc truyền thống, nhưng nhiều người tin rằng sự thay đổi này sẽ tốt hơn "marathon tennis" tốn rất nhiều sức lực!"
Hơn ai hết, Isner là người rất hiểu những set thứ 5 theo điều lệ thi đấu truyền thống của Wimbledon sẽ khiến các tay vợt tốn sức như thế nào. Không phải tay vợt nào cũng đủ sức để theo được những set thứ 5 không dùng loạt tie-break. Chính tay vợt người Mỹ đã từng thắng Nicolas Mahut trong trận đấu ở vòng 1 Wimbledon 2010 sau… 11 giờ 5 phút thi đấu khi tỉ số set thứ 5 là 70-68.
John Isner thắng trong trận đấu dài nhất lịch sử Wimbledon và các giải Grand Slam
Các tay vợt có những cú giao bóng mạnh thường khó để mất game giao bóng khi thi đấu trên mặt sân cỏ. John Isner rất hiểu điều này khi anh có sở trường giao bóng và lên lưới. Nhưng sau khi vượt qua Mahut ở vòng 1 Wimbledon 2010, Isner cũng mất quá nhiều sức và thua sớm ở vòng 2.
Rất nhiều tay vợt và chuyên gia đã ủng hộ đề xuất của John Isner và giờ thì họ đã có thể vui mừng với quyết định được cho là mang tính lịch sử của Wimbledon - một Grand Slam danh giá luôn đề cao các giá trị truyền thống.
Tie-break ở set cuối được áp dụng từ Wimbledon 2019
"Đã đến lúc phải thay đổi"
Ông Philip Brook - Chủ tịch Wimbledon cho biết: "Loạt tie-break xuất hiện từ thời điểm hòa 12-12 trong set quyết định là cần thiết và phù hợp. Điều đó giúp các tay vợt vẫn có cơ hội thắng game giao bóng như truyền thống, mà vẫn đảm bảo thời lượng của trận đấu không bị kéo dài."
Wimbledon đã lắng nghe những kiến nghị và sau khi phân tích dữ liệu thống kê trong 20 năm qua, có 15 trận đánh đơn (14 trận đơn nam và 1 trận đơn nữ) vượt qua tỉ số 12-12 ở set đấu cuối để đưa ra quyết định sẽ áp dụng luật tie-break ở set cuối từ năm 2019. Loạt tie-break set cuối tại Wimbledon vẫn sẽ diễn ra theo luật "chạm 7". Tay vợt nào có 7 điểm trước sẽ giành chiến thắng. Nếu tỷ số trong loạt tie-break là 6-6, hai tay vợt sẽ thi đấu cho đến khi có cách biệt 2 điểm.
Cùng những thay đổi từ việc lắp đặt dàn mái tự động, nâng số tiền thưởng và giờ là quyết định áp dụng luật tie-break ở set đấu cuối từ năm 2019, Wimbledon cho thấy sự sẵn sàng cho những thay đổi để làm cho giải Grand Slam danh giá này thêm phần hấp dẫn.
"Từ những trận đấu tiếp theo tại Wimbledon, họ sẽ nói rằng ‘bây giờ chúng ta sẽ chơi Isner Rule’. Tôi nghĩ rằng tôi đã là một động lực lớn cho sự thay đổi này." John Isner cho biết.
5 trận đấu dài kỷ lục tại Wimbledon:
- Chung kết Wimbledon 2009: Roger Federer vs Andy Roddick (5-7, 7-6(8-6), 7-6(7-5), 3-6,16-14)
- Vòng 1 Wimbledon 2010: Nicolas Mahut vs John Isner (6-4, 3-6, 6-7(7-9), 7-6(7-3), 70-68)
- Vòng 3 Wimbledon 2012: Marin Cilic vs Sam Querrey (7-6(8-6), 6-4, 6-7(2-7), 6-7(3-7), 17-15)
- Vòng 4 Wimbledon 2017: Rafael Nadal vs Gilles Muller (6-3, 6-4, 3-6, 4-6, 15-13)
- Bán kết Wimbledon 2018: Kevin Anderson vs John Isner (7-6(8-6), 6-7(5-7), 6-7(9-11), 6-4, 26-24)