Băng ở 2 cực Trái Đất đang tan chảy dần do khí hậu ấm dần lên. Ảnh: softpedia
Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ NASA và Cục quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ đã thu thập dữ liệu về nhiệt độ trung bình của 10 năm nóng nhất kể từ năm 1997 đến nay. Kết quả phân tích cho thấy, năm 2014 là năm nóng nhất trong lịch sử.
Ông John Tucker, Nhà khoa học thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ NASA cho biết: "Nhiệt độ trung bình của năm 2014 cao hơn khoảng 0,68 độ C so với nhiệt độ trung bình của Trái đất trong thế kỷ 20".
Theo các nhà khoa học Mỹ, nhiệt độ cao kỷ lục được ghi nhận ở nhiều khu vực như châu Âu, Bắc Phi, miền Tây nước Mỹ, vùng Viễn Đông của Nga, một phần Nam Phi, một phần bờ biển phía Đông và phía Tây của Australia.
Các nhà khoa học Mỹ cũng đồng thời cảnh báo, nếu nhiệt độ Trái đất tiếp tục tăng theo dự kiến, con người sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
"Nhiệt độ tăng trên bề mặt Trái đất cũng đồng nghĩa với việc mực nước biển sẽ dâng cao. Điều này sẽ làm tăng xác suất xuất hiện bão và lũ lụt tại khu vực ven biển", ông John Tucker nhấn mạnh.
Dự kiến vào cuối năm 2015, đại diện của khoảng 200 chính phủ sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của LHQ (COP21) tại Paris, Pháp. Hội nghị lần này được kỳ vọng sẽ là cơ hội để các nước tiến tới một thỏa thuận toàn cầu về biến đổi khí hậu nhằm đối phó với tình trạng nóng lên của Trái đất.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.