Tình trạng già hóa dân số tại châu Á
Nếu như già hóa dân số thường được biết đến như một vấn đề có từ lâu của các nước châu Âu, châu Mỹ thì giờ đây, vấn đề này đang trở thành thách thức đối với dân số của cả các nước châu Á.
Kinh tế phát triển và sự thay đổi trong quan niệm sống khiến tỉ suất sinh tại châu Á đang chậm lại đáng kể. Hệ quả tất yếu là dân số già đi nhanh chóng. Theo Tổ chức Hỗ trợ người cao tuổi Quốc tế, năm 2015, châu Á đứng đầu về tốc độ già hóa dân số. Số người trên 60 tuổi tại châu lục này chiếm tới 52% số người cao tuổi trên toàn cầu.
Châu Á đang đứng đầu thế giới về tốc độ già hóa dân số. (Ảnh: Getty Images)
Số liệu của Liên Hợp Quốc năm 2016 cũng cho thấy, trong top 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, một nửa là các nước châu Á, thậm chí Hàn Quốc, Singapore còn đứng đầu danh sách. Thái Lan xếp thứ 6 và Trung Quốc ở vị trí thứ 10. Dự kiến đến năm 2050, số người cao tuổi tại châu Á sẽ tăng gấp 5 lần và sẽ chiếm tới 2/3 số người cao tuổi trên thế giới.
Những hệ lụy từ già hóa dân số
Với một cơ cấu dân số già hóa quá nhanh, ngành y tế của nhiều nước đứng trước yêu cầu cấp bách về cải thiện hệ thống hạ tầng cơ sở, hệ thống kiểm tra sức khỏe nhằm đảm bảo cuộc sống cho người cao tuổi.
Tình trạng dân số già cũng tạo áp lực lớn cho nhiều quốc gia.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực kinh tế, già hóa dân số tạo gánh nặng lên hệ thống lương hưu và an sinh xã hội của nhiều nước. Hiện tượng này ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm, đầu tư, thị trường lao động.
Cuối cùng, dân số già hóa hơn hết tạo thách thức cho chính mỗi gia đình khi nhiều người già không có thu nhập hay lương hưu, phải sống dựa vào con cháu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!