Các rặng san hô lớn tại Hawaii dần hồi phục dù sống trong điều kiện nước ấm và có nồng độ acid cao đã mang lại hy vọng rằng những rặng đá ngầm san hô đang chết dần trên thế giới cũng sẽ được cứu vớt.
Dù chỉ chiếm chưa đến 1% diện tích lòng đại dương nhưng những rặng đá ngầm san hô lại là nơi cung cấp nguồn sống cho khoảng 30% các loài sinh vật biển. Tuy nhiên, những cấu tạo thiên nhiên này đang chịu tác động nghiêm trọng từ tình trạng nước biển ấm lên và có nồng độ acid cao hơn cùng với đó là tình trạng ô nhiễm và đánh bắt tràn lan. Báo cáo của Liên hợp quốc chỉ ra nếu Trái Đất ấm lên 1,5 độ C thì khoảng 70- 90% rặng đá ngầm san hô trên thế giới sẽ hoàn toàn biến mất.
Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học mới chỉ ra rằng loài người vẫn có thể tránh kịch bản tồi tệ nhất và không phải chứng kiến môi trường sống đầy màu sắc dưới mặt nước hoàn toàn biến mất do tình trạng biến đổi khí hậu. Tác giả chính của nghiên cứu, nhà khoa học Christopher Jury, đến từ Viện nghiên cứu Sinh thái biển Hawaii, cho biết dù không muốn nhưng thế giới không thể phủ nhận thực tế rằng trong vòng 20-30 năm nữa các rặng đá ngầm san hô sẽ tiếp tục suy thoái. Tuy nhiên, ông khẳng định tình trạng này có thể ngăn chặn được nếu con người có thể thay đổi và cải thiện tình hình với một khung thời gian hợp lý.
Để rút ra kết luận này, nhóm tác giả đã nghiên cứu các rặng đá ngầm san hô ở vùng vịnh Kane'ohe, Hawaii từng bị tàn phá nghiêm trọng trong khoảng thời gian từ năm những năm 1930 tới 1970 vì tình trạng đô thị hóa, nạo vét, phát triển khu vực duyên hải và nước thải đô thị. Tính đến đầu những năm 1970, diện tích những rặng san hô nước nông trên toàn khu vực đã giảm trung bình hơn 70% và cá biệt ở những vùng phía Đông Nam của vịnh, gần những đầu xả thải, diện tích giảm 95%. Nhưng đến cuối những năm 1970, khi những điểm xả thải được chuyển hướng, các rặng san hô cũng bắt đầu hồi sinh nhanh chóng. Nghiên cứu đánh giá khoảng 50-90% san hô đã hồi sinh chỉ với sự thauy đổi này. Hiện tượng này diễn ra ngay cả khi nhiệt độ tại nước tại vịnh ấm hơn và chứa nhiều acid hơn so với mức điển hình trong khu vực. Điều này chứng tỏ san hô có thể tồn tại và sinh trưởng trong môi trường nước ấm hơn và nhiều acid hơn so với môi trường sinh trưởng thông thường của loài này. Ngoài ra, nghiên cứu còn chỉ ra một yếu tố quan trọng khác nữa là cộng đồng san hô ở vịnh Kane'ohe chủ yếu là những loại san hô cỡ lớn vốn có sức hồi sinh tốt và có khả năng thích ứng với môi trường nước có nhiệt độ cao hơn và nhiều acid hơn.
Trên thực tế, trong vài thập kỷ tới, các vùng khác của Hawaii cũng sẽ dần thay đổi và có điều kiện tương tự như những điều kiện tại vịnh Kane'ohe và đều là những điều kiện không thực sự lý tưởng cho san hô sinh trưởng. Tác giả nghiên cứu khẳng định nếu thực hiện tốt các bước đi cần thiết, loài người hiện nay và cả thế hệ sau sẽ được chứng kiến sự hồi sinh của các rặng san hô.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!