Các nhà khoa học thuộc trường Y khoa Stanford của Mỹ thành công trong thử nghiệm phát hiện các kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19. Ảnh: Shutterstock.com/TTXVN
Trái ngược với các xét nghiệm chẩn đoán hiện nay về COVID-19 - vốn phát hiện các vật liệu di truyền từ virus SARS-CoV-2 trong dịch tiết qua đường hô hấp, các nhà khoa học Mỹ đã thực hiện sàng lọc và tìm kháng thể với virus trong huyết tương (một chất dịch có trong máu) nhằm cung cấp thông tin về phản ứng miễn dịch của người đối với căn bệnh lây nhiễm này.
Nhóm nghiên cứu thuộc trường Y khoa Stanford của Mỹ do ông Scott Boyd - Phó Giáo sư về dịch tễ học thuộc trường đại học trên đứng đầu, đã phát hiện hai loại kháng thể khác nhau, đó là kháng thể IgM - được tạo ra từ sớm trong phản ứng miễn dịch và có tốc độ suy giảm diễn ra khá nhanh chóng và kháng thể IgG - có mức tăng chậm hơn sau khi cơ thể nhiễm virus, nhưng thời gian tồn tại trong cơ thể thường lâu hơn.
Giáo sư Thomas Montine, Trưởng khoa Dịch tễ học thuộc trường Y khoa Stanford, cho biết: "Có một số lượng hạn chế các dữ liệu ở Trung Quốc và châu Âu cho thấy đây dường như là chuỗi phản ứng tiếp theo của virus này. Không một ai có thời gian đủ lâu để biết được rằng các kháng thể vẫn tồn tại trong cơ thể bao lâu sau khi nhiễm bệnh".
Cuộc thử nghiệm kéo dài tới 3 ngày của các nhà khoa học thuộc trường Y khoa Standford đã được Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Standford công bố kết quả vào ngày 6/4 vừa qua. Trung tâm này có thể kiểm tra 500 mẫu máu mỗi ngày.
Các xét nghiệm huyết thanh có thể giúp giải đáp những câu hỏi hóc búa, không thể giải quyết bằng các xét nghiệm chẩn đoán COVID-19 đang áp dụng hiện nay, đó là sử dụng phương pháp phản ứng chuỗi polymerase để phát hiện vật liệu di truyền virus. Theo Giáo sư Montine, "cách tiếp cận đó có thể rất quan trọng trong giai đoạn này, khi chúng ta không có vaccine hoặc các liệu pháp điều trị dứt điểm bệnh COVID-19".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!