GJ 1132B có kích thước tương đương với Trái Đất. (Ảnh: dailymail.co.uk)
Điểm đặc biệt là khoảng cách từ hành tinh mới tới Trái Đất gần hơn rất nhiều so với "người anh em song sinh" mới được phát hiện của Trái Đất Kepler 452b (cách Trái Đất 1.400 năm ánh sáng). Chỉ cách Trái Đất 39 năm ánh sáng, hành tinh GJ 1132b được ví như người anh em của Trái Đất vừa được tìm thấy.
39 năm ánh sáng nghe có vẻ nhiều nhưng nếu so với dải ngân hà trải rộng đến 100.000 năm ánh sáng thì khoảng cách từ Trái Đất đến GJ 1132b thực sự rất gần.
GJ1132b thuộc loại hành tinh đá với thành phần chính là đá và sắt, cũng tương tự như Trái Đất. Hành tinh mới có kích thước lớn gấp 1,2 lần và khối lượng nặng hơn Trái Đất 1,6 lần. Tuy nhiên, do gần với hành tinh mẹ nên nhiệt độ của GJ 1132b cao gấp 20 lần lượng nhiệt mà Trái Đất nhận được từ Mặt Trời. Điều này đồng nghĩa với việc đây là hành tinh không thể sinh sống được. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, hành tinh này vẫn đủ "mát" để tồn tại một bầu khí quyển tương đối dày dặn.
Hành tinh được liên kết chặt chẽ với ngôi sao của mình bằng thủy triều, giống như Mặt Trăng với Trái Đất, GJ 1132b cũng có một nửa là đêm, nửa kia là ngày. Tuy nhiên, khác với Trái Đất, một nửa của hành tinh này luôn luôn chìm trong bóng đêm và ngược lại, nửa còn lại luôn luôn là ban ngày.
Tuy không phải là người anh em song sinh của Trái Đất nhưng nhiều nhà khoa học cho rằng GJ 1132b có thể là hành tinh quan trọng nhất từng được khám phá nằm ở bên ngoài hệ Mặt Trời. Việc tìm thấy GJ 1132b được hy vọng sẽ góp phần giúp các nhà khoa học giải đáp được những bí ẩn của vũ trụ cũng như tìm hiểu thêm về các hành tinh bên ngoài hệ Mặt Trời.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.