Ngoại hành tinh HAT P-11b có kích thước tương tự sao Hải Vương. (Ảnh: SPL)
Theo kết quả một công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí nổi tiếng "Nature" ra ngày 24/9, các nhà thiên văn học Trường đại học Grinnell ở bang Iowa (Mỹ) cho biết, họ đã phát hiện có hơi nước trong bầu khí quyển bao quanh một hành tinh cách xa Trái đất khoảng 130 năm ánh sáng.
Trong công trình nghiên cứu này, các nhà khoa học đã phát hiện ra một đám hơi nước chứa tỷ lệ lớn Hydro trong bầu khí quyển di chuyển theo quỹ đạo hình trứng quanh hành tinh được đặt tên là HAT-P-11b trong vòng 4,9 ngày. HAT-P-11b là hành tinh không thuộc Hệ mặt trời, dù có kích cỡ gấp 4 lần kích cỡ của Trái đất nhưng vẫn là một trong những hành tinh ngoài trái đất nhỏ nhất và lạnh giá nhất được khám phá cho tới nay.
Để thu được kết quả này, các nhà khoa học sử dụng phương pháp truyền dẫn quang phổ kết hợp với kính viễn vọng không gian Hubble and Spitzer của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) quan sát bầu khí quyển khi nó dịch chuyển quanh hành tinh. Sở dĩ các nhà khoa học nghiên cứu bầu khí quyển bởi chúng là những dấu hiệu tiên phong giúp xác định sự hình thành một hành tinh và những diễn biến xảy ra trên bề mặt hành tinh đó.
Phát hiện trên được xem là một đột phá về mặt kỹ thuật bởi cho tới nay các nhà khoa học mới chỉ nghiên cứu sâu bầu khí quyển của các hành tinh lớn ngoài Trái đất như Sao Mộc, chứ chưa có kết quả nào thu được với những hành tinh nhỏ như HAT-P-11b, nơi dễ bị bao phủ bởi những đám mây bụi.
Việc khám phá ra rằng không phải tất cả các hành tinh nhỏ ngoài Trái đất đều bị mây bụi bao phủ là một tín hiệu tốt, giúp NASA củng cố hy vọng đưa loại kính viễn vọng mới có tên James Webb với kính lớn hơn kính Huble hiện tại vào sử dụng trong năm 2018.