10 sự kiện thế giới nổi bật trong năm 2018 do VTV bình chọn

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 31/12/2018 20:36 GMT+7

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc là một trong những sự kiện thế giới nổi bật trong năm 2018. Ảnh minh họa: Getty Images

VTV.vn - Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, CPTPP được ký kết và có hiệu lực... là những sự kiện thế giới nổi bật trong năm 2018 do VTV bình chọn.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc

Mỹ, Trung Quốc cạnh tranh ảnh hưởng, đỉnh điểm là chiến tranh thương mại nổ ra trong năm 2018. 250 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc đã bị Mỹ tăng thuế. 110 tỷ USD hàng hóa của Mỹ cũng bị Trung Quốc áp thuế mới.

Thỏa thuận hòa hoãn 90 ngày đạt được giữa Mỹ - Trung Quốc tại Argentina như cơn mưa giải nhiệt nhưng chóng tạnh bởi vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc Tài chính Tập đoàn viễn thông Huawei khiến nguy cơ chiến tranh lan rộng. Sau thương mại, "lửa" đã lan sang công nghệ cao - lĩnh vực hai nước đang chạy đua quyết liệt.

CPTPP được ký kết và có hiệu lực

Ngày 9/3/2018, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết và sẽ được thực thi từ tháng 1/2019. Với sự tham gia của 11 nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, CPTPP sẽ tạo ra một khu vực tự do thương mại thuộc hàng lớn nhất thế giới với 500 triệu người tiêu dùng, chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu.

Năm thành công của ASEAN

Năm 2018, ASEAN đạt tiến bộ đáng kể trong việc xây dựng một cộng đồng hội nhập, gắn kết khi thành lập Mạng lưới thành phố thông minh, kết nối 26 thành phố thí điểm và ký kết Hiệp định thương mại điện tử ASEAN đầu tiên.

Lần đầu tiên, ASEAN và Trung Quốc đạt được thỏa thuận một văn bản duy nhất đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông COC.

Bước ngoặt trên bán đảo Triều Tiên

Trong năm 2018, đã diễn ra 3 cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và 1 cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần đầu tiên trong lịch sử. Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là chặng đường dài, nhiều bất trắc nhưng ít nhất những cái bắt tay cho thấy một hình ảnh mới về bán đảo Triều Tiên thay vì mấp mé miệng hố chiến tranh chuyển sang hòa giải, đối thoại.

EU và Anh đạt thỏa thuận chia tay

Ngày 25/11, EU và Anh đạt thỏa thuận chia tay sau 17 tháng đàm phán căng thẳng. "Đây là thỏa thuận tốt nhất và duy nhất có thể", Thủ tướng Theresa May nói.

Nhưng Thủ tướng Theresa May còn một cửa ải khó khăn là thuyết phục một Quốc hội nhiều bất đồng thông qua thỏa thuận, trong khi 29/3/2019 đã là ngày Anh chính thức rời EU.

Hiệp ước toàn cầu đầu tiên về người di cư

Ngày 19/12, Đại hội đồng LHQ thông qua Hiệp ước toàn cầu đầu tiên về di cư, tăng cường sự hợp tác giữa các nước, giúp người di cư ra đi một cách hợp pháp, an toàn và trật tự.

Nạn tin giả và bê bối rò rỉ dữ liệu người dùng

Năm 2018 là một năm đầy thách thức đối với các công ty công nghệ và người dùng. Tin giả trên Facebook, Twitter hay Whatsapp… gây hậu quả nghiêm trọng, được cho là góp phần thao túng kết quả bầu cử, kích động bạo lực, chia rẽ xã hội ở nhiều nước.

Thông tin cá nhân của hàng chục triệu người dùng Facebook, Google bị rò rỉ hay bị bán như một món hàng. Lãnh đạo Facebook, Twitter, Google phải ra điều trần, cam kết có biện pháp khắc phục để tạo lập không gian mạng lành mạnh.

Thảm họa sóng thần tại Indonesia

Năm 2018 là năm đầy tai ương đối với Indonesia. Ngày 28/9, trận sóng thần xảy ra sau động đất 7,5 richter tại đảo Sulaweisi đã khiến 2.000 người thiệt mạng, 5.000 người mất tích.

Ngày 22/12, núi lửa phun trào tại Indonesia cũng đã làm 430 người thiệt mạng, 150 người mất tích.

Thay đổi nhận thức về nhựa

Hình ảnh con cá voi nhà táng trôi dạt vào bờ biển với 115 cốc nhựa và 1.000 mảnh nhựa trong bụng là sự cảnh báo nghiêm khắc về tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa trên biển. 

Sự thay đổi nhận thức về nhựa có thể đến từ những điều tưởng như rất nhỏ. EU, Ấn Độ, một số thành phố nước Mỹ đang tiến đến cấm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần như ống hút nhựa.

Tôn vinh đột phá trong điều trị ung thư

Nobel Y học 2018 vinh danh 2 nhà khoa học có nghiên cứu đột phá trong điều trị ung thư - căn bệnh cướp đi mạng sống của hàng triệu người mỗi năm - đó là nhà miễn dịch học James P. Allison (người Mỹ) và nhà khoa học Tasuku Honjo (người Nhật Bản). Hai ông đã tìm ra cách kích thích hệ thống miễn dịch để chống lại và tự đào thải tế bào ung thư.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước