Taliban sẽ xây dựng chính phủ mới theo mô hình nào?

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 22/08/2021 10:29 GMT+7

VTV.vn - Với sự nhanh chóng giành lại quyền kiểm soát đất nước của lực lượng Taliban chỉ ít tháng sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, Taliban tuyên bố cuộc chiến tại Afghanistan.

Những thông tin mới nhất được nói đến lúc này là quá trình thành lập chính quyền của lực lượng Taliban. Mọi thứ thay đổi quá nhanh chỉ trong một thời gian ngắn, hẳn làm không ít dư luận quốc tế bất ngờ.

20 năm cuộc chiến Afghanistan

Năm 2001, Mỹ tấn công ồ ạt vào Afghanistan sau vụ khủng bố 11/9 tại New York và Washington. Mục tiêu là tiêu diệt al-Qaeda với thủ lĩnh Osama bin Laden, nhóm được cho là chịu trách nhiệm cho các vụ khủng bố vào Mỹ. Bin Laden khi đó đang ở tại Afghanistan dưới sự bảo hộ của Taliban, nhóm Hồi giáo vốn đã nắm quyền tại đây kể từ 1996.

Taliban từ chối giao nộp Bin Laden. Mỹ dùng quân sự để can thiệp, với lý do diệt trừ mối đe dọa khủng bố. Taliban nhanh chóng thất bại mất quyền điều hành đất nước. Taliban không bị đánh bại hoàn toàn. Lực lượng này rút về Waziristan thuộc Pakistan, giáp biên giới Afghanistan. Tại đây, Taliban dựa vào nguồn tài chính của tổ chức khủng bố Al Qadea và bắt đầu thực hiện chiến dịch "Taliban hóa", chiêu mộ và huấn luyện thanh niên của các bộ lạc địa phương thành các tay súng và những kẻ đánh bom liều chết, phát động làn sóng tấn công nổi dậy tại Afghanistan. Taliban dần hồi sinh và trở thành một lực lượng chính trị, quân sự có ảnh hưởng lớn ở Afghanistan.

Cho dù có thêm đồng minh NATO tham chiến và số binh lính Mỹ ở Afghanistan được tăng lên 100 nghìn người, nhưng cũng không thể tiêu diệt hoàn toàn Taliban. Năm 2014, NATO tuyên bố rút quân.

Ông Anders Fogh Rasmussen - Tổng thư ký NATOcho biết: "Vào cuối năm 2014, nhiệm vụ chiến đấu của chúng tôi sẽ hoàn thành. Khi đó, người Afghanistan sẽ bảo đảm an ninh cho Afghanistan".

Kể từ khi lên cầm quyền năm 2017, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa bao giờ che giấu quyết tâm rút quân khỏi Afghanistan. Cuộc chiến dài hơi và hao tiền tốn của, cộng thêm khủng bố không còn là thách thức hàng đầu đối với nước Mỹ, ông Donald Trump không muốn kéo dài thêm sự hiện diện của Mỹ ở quốc gia này.

Taliban sẽ xây dựng chính phủ mới theo mô hình nào? - Ảnh 1.

Lực lượng Taliban tuần tra trong khu phố Wazir Akbar Khan ở thành phố Kabul, Afghanistan ngày 18/8/2021. Ảnh: AP

Đàm phán hòa bình giữa Mỹ và Taliban được khởi động. Từ chỗ bị Washington coi là kẻ thù cần tiêu diệt, Taliban sau đó được Mỹ chấp nhận như một đối tác đàm phán để ký Thỏa thuận hòa bình vào ngày 29/2/2020 với điều kiện Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.

Tháng 5 năm nay, khi có thông tin NATO rút dần 9.500 quân, lực lượng Taliban bắt đầu phản công. Đến cuối tháng 7, Taliban đã kiểm soát đượс 65% lãnh thổ Afghanistan. Cuối cùng đến sáng ngày 15/8 tiến vào Kabul mà không gặp sự kháng cự nào của quân chính phủ. Ngay hôm đó, Taliban tuyên bố chấm dứt chiến tranh tại Afghanistan.

Tương lai chính phủ mới ở Afghanistan

Khi Taliban trở lại nắm quyền, không khó để giải thích việc tại sao lại có nhiều hoài nghi và lo sợ. Cái bóng của quá khứ giai đoạn nắm quyền 20 năm trước chưa quá xa trong suy nghĩ nhiều người. Mọi động thái tại Kabul đều đang được thế giới theo dõi kỹ, để thấy Taliban liệu đã có gì khác trước, như cách họ tuyên bố.

Câu hỏi đặt ra vào lúc này là Taliban sẽ xây dựng chính phủ mới theo mô hình nào và điều đó có ý nghĩa ra sao đối với người dân Afghanistan? Tương lai sẽ ra sao? Ở một mức độ nào đó, thế giới có thể đã biết được phần nào về đường lối hoạt động của chính quyền Taliban, vì phong trào này về cơ bản đã kiểm soát các khu vực ở Afghanistan trong nhiều năm. Dù vậy thực tế là, việc chiếm được lãnh thổ bằng một cuộc nổi dậy có vẻ dễ dàng hơn nhiều so với việc quản lý và điều hành tiếp đó. Đây cũng là bài học mà Taliban đã có trải nghiệm trong giai đoạn cầm quyền 20 năm trước, khi cũng nhanh chóng lên nắm quyền nhưng lại vướng vào thảm họa điều hành đất nước.

Vẫn còn những khoảng trống quyền lực

Nhịp sống đã dần trở lại bình thường, dù vậy tại Afghanistan vẫn còn những khoảng trống quyền lực, chưa có chính phủ mới, chưa có Hiến pháp mới. Taliban thì khẳng định, họ luôn xác định quốc gia của mình là "tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan" và 20 năm qua, họ đã chiến đấu chống lại sự chiếm đóng của đất nước mình. Nhưng trong bối cảnh mới, Taliban cam kết thành lập một chính phủ hòa nhập, thống nhất với sự tham gia của một số quan chức trong chính quyền cũ, phụ nữ cũng được tham vấn và đóng vai trò trong chính quyền mới.

Ông Zabihullah Mujahid - Người phát ngôn lực lượng Taliban nói: "Chúng tôi muốn một chính phủ bao gồm những người thuộc mọi trường phái tư tưởng, chúng tôi không muốn có thêm chiến tranh, chúng tôi muốn hòa bình và đó là lý do tại sao các cuộc đàm phán đã diễn ra".

Taliban sẽ xây dựng chính phủ mới theo mô hình nào? - Ảnh 2.

Taliban cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ tái thiết đất nước, cam kết không cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào sử dụng Afghanistan để chống lại các quốc gia khác.

Ông Suhail Shaheen - Phát ngôn viên văn phòng lực lượng Taliban tại Qatar chia sẻ: "Chúng tôi vừa bước ra khỏi giai đoạn chiến tranh và bước sang một giai đoạn mới. Người dân Afghanistan cần sự giúp đỡ của các quốc gia khác về y tế, cơ sở hạ tầng, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác. Chúng tôi đánh giá cao bất kỳ quốc gia nào giúp đỡ Afghanistan trong thời điểm lịch sử quan trọng này".

Cam kết của Taliban cũng là điều mà cộng đồng quốc tế và cả những cựu quan chức Afghanistan mong đợi. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres: "Điều cần thiết là phải có một chính phủ hòa nhập đại diện cho tất cả các nhóm dân tộc khác nhau để đảm bảo nhân quyền, đặc biệt là quyền của phụ nữ. Chính phủ đó phải tiếp tục cho phép các cuộc sơ tán khỏi Kabul và ngăn Afghanistan trở thành nơi trú ẩn của chủ nghĩa khủng bố".

Taliban cũng đã có những vận động ngoại giao với Trung Quốc trước khi giành quyền kiểm soát trở lại tại Afghanistan. Dù Trung Quốc chưa chính thức thừa nhận một chính quyền mới do Taliban nắm giữ nhưng cũng đã ghi nhận các bước thay đổi trên thực địa tại Afghanistan.

Bà Hoa Xuân Oánh - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc: "Chúng tôi khuyến khích và hy vọng Taliban sẽ đưa các tuyên bố tích cực thành hành động, nhanh chóng thiết lập một cấu trúc chính trị toàn diện thông qua đối thoại và tham vấn phù hợp".

Taliban sẽ xây dựng chính phủ mới theo mô hình nào? - Ảnh 3.

Bà Hoa Xuân Oánh - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Nga cũng ghi nhận các tín hiệu tích cực từ Taliban. Ông Ivan Klyszcz - Nhà phân tích quan hệ quốc tế: "Nga đã nhìn nhận Taliban có những thay đổi. Có một thực tế là Taliban đã đưa ra các cam kết và nhiều lần đề cập rằng họ không có ý định đe dọa các quốc gia ở Trung Á hoặc Nga. Và cho đến nay, Nga dường như ít nhất cũng đang tin tưởng vào các cam kết này".

Nhiều thách thức đối với Taliban, không chỉ về tính chính danh mà cả cân bằng quan hệ quốc tế

Trước mắt vẫn còn nhiều thách thức đối với Taliban, không chỉ về tính chính danh, giải quyết các khó khăn nội tại, mà còn cả trong cân bằng quan hệ quốc tế. Taliban sẽ cần đối thoại, hòa giải, thỏa hiệp để cân đối quan hệ với các nước láng giềng như Iran, Pakistan, hay thậm chí là cả với Nga, Trung Quốc.

Sẽ cần nhiều hơn những hành động từ Taliban thay vì những cam kết nếu lực lượng này muốn chứng minh 1 phiên bản "Taliban 2.0" khác biệt. Và liệu có 1 tương lai mới cho Afghanistan hay không thì vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Việc Taliban nhanh chóng trở lại cầm quyền sau 20 năm sẽ khiến các nước xung quanh phải đặc biệt chú ý, và tìm cách điều chỉnh với chế độ Taliban mới xuất hiện, thích ứng với tương lai địa chính trị dự đoán còn nhiều biến động. Các diễn biến vẫn còn đang mới và cần quan sát thêm, nhưng từ góc độ phản ứng ban đầu, quan điểm của các nước còn tương đối thận trọng.

Các nguồn tin hiện nay cho rằng lực lượng Taliban sẽ không đưa ra quyết định hay thông báo cụ thể nào cho tới sau ngày 31/8 - dấu mốc lính Mỹ chính thức rút khỏi Afghanistan. Cũng có nghĩa trong ngắn hạn, việc Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan như thế nào là rất mơ hồ. Vì vậy, bước đi của các nước hiện nay với Afghanistan là rất thận trọng, tập trung vào 3 khía cạnh chính: tương lai chính trị, khủng hoảng tị nạn và nhân đạo.

Trước hết, về khía cạnh chính trị, Nga thể hiện quan điểm ủng hộ 1 chính phủ chia sẻ quyền lực ở Afghanistan, để giải quyết tình hình hiện nay của quốc gia này. Nga cũng đã sẵn sàng để quay trở lại hình thức hòa đàm về Afghanistan theo cách mà Moscow đã tổ chức trước đây.

Ông Sergei Lavrov - Bộ trưởng Ngoại giao Nga: "Chúng tôi rất tích cực tham gia vào các cuộc thảo luận mở rộng bao gồm Nga, Mỹ, Trung Quốc, Pakistan. Đây được xem là cơ chế hiệu quả nhất để tìm kiếm hỗ trợ từ bên ngoài cho Afghanistan".

Taliban sẽ xây dựng chính phủ mới theo mô hình nào? - Ảnh 4.

Ông Sergei Lavrov - Bộ trưởng Ngoại giao Nga

Trung Quốc bày tỏ hy vọng Taliban có thể gắn kết với tất cả các bên và các nhóm dân tộc ở Afghanistan, thành lập 1 hệ thống chính trị phù hợp với điều kiện đất nước thông qua đối thoại và tham vấn.

Bà Hoa Xuân Oánh - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc: "Chúng tôi hy vọng một chính phủ cởi mở, bao trùm và đại diện rộng rãi cho các bên sẽ được thành lập, theo đuổi các chính sách đối nội và đối ngoại ôn hòa, thận trọng, và phù hợp với nguyện vọng chung của người dân Afghanistan cũng như kỳ vọng của cộng đồng quốc tế".

Cuộc họp trực tuyến của Bộ trưởng Ngoại giao các nước G7 cùng đại diện của EU mới đây, đã nhấn mạnh sự cần thiết phải có một giải pháp chính trị toàn diện nhằm bảo vệ các quyền con người cơ bản của tất cả người dân Afghanistan. Các nhà lãnh đạo đồng thuận rằng mối quan hệ của cộng đồng quốc tế với Taliban sẽ phụ thuộc vào hành động chứ không phải các tuyên bố của lực lượng này. Nguyên thủ các nước G7 sẽ họp thượng đỉnh trong tuần sau để gấp rút tìm giải pháp cho tình hình ở Afghanistan.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng khi các nước lớn, đặc biệt là Mỹ, không còn đòn bẩy hay hiện diện quân sự ở Afghanistan, thì họ sẽ phải tập trung vào 1 chiến lược ngoại giao tốt hơn. Đó có thể là các kênh ngoại giao đã xây dựng qua 1 nước trung gian để đối thoại với Taliban, và sử dụng chiến thuật cây gậy và củ cà rốt để gây ảnh hưởng.

Trong lúc này, một số quốc gia Trung Đông như UAE, Jordan kêu gọi Taliban ưu tiên vấn đề an ninh và ổn định cho đất nước, tránh gây thêm bất kì hỗn loạn nào. Vấn đề hết sức cấp bách khác mà các nước cũng đang dồn lực giải quyết do những thay đổi chính trị ở Afghanistan là tị nạn và nhân đạo. Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Australia… nhanh chóng điều các máy bay sơ tán nhà ngoại giao, nhân viên sứ quán và cả công dân Afghanistan có mong muốn rời đi. Chỉ trong vài ngày, 7.000 người đã được Mỹ sơ tán, các chuyến bay vẫn chưa ngừng.

Ông Ned Price - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ: "Tôi có thể khẳng định rằng có 6.000 người ở sân bay Kabul đã được đội ngũ lãnh sự thông qua và sẽ sớm lên máy bay. Qua 1 đêm, chúng tôi đã mở rộng đáng kể số lượng công dân Mỹ, các nhân viên người bản xứ, những người xin thị thực nhập cư đặc biệt, và những người Afghanistan dễ bị tổn thương khác đủ điều kiện rời đi".


Taliban sẽ xây dựng chính phủ mới theo mô hình nào? - Ảnh 5.

Ông Ned Price - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ

Ưu tiên của các nước hiện nay là sơ tán được càng nhiều người càng tốt, và đặt yếu tố đảm bảo an toàn lên trên hết. Tuy nhiên, LHQ nhấn mạnh, để tránh khủng hoảng nhân đạo diễn ra ở Afghanistan, cũng cần phải đảm bảo hỗ trợ cho phần đông người dân không thể rời đi. Và đây mới là bài toán lâu dài và cần những nỗ lực đa phương của cộng đồng quốc tế.

Ngay thời điểm chuyển giao này, còn rất nhiều câu hỏi chưa thể trả lời về tương lai chính quyền mới tại Afghanistan, tương lai vận hành đất nước và tương lai người dân. Phép thử thực sự đối với Taliban trước mắt sẽ là liệu họ có thể cai trị và cai trị ra sao với những người ở quan điểm phản đối họ. Taliban đã có những bài học trong quá khứ, trước mắt đã có những nỗ lực cải thiện hình ảnh, và tìm kiếm sự công nhận quốc tế.

Nhiều ý kiến cho rằng, vai trò quốc tế giữ ý nghĩa quan trọng trong việc kiềm chế nguy cơ Afghanistan trở lại thành một địa điểm có không gian nuôi dưỡng khủng bố, hay trong việc đảm bảo duy trì được các vấn đề nhân quyền và nhân đạo. Chuyện cắt đứt mối liên hệ với chính quyền mới ở Afghanistan sẽ không khác nào phủ nhận sạch trơn những cải thiện đã tạo dựng trong 20 năm qua và khiến tương lai người dân Afghanistan rơi vào tình trạng khó nói là lạc quan. Các động thái quốc tế với chính quyền Afghanistan thời gian tới sẽ còn nhiều điều đáng chú ý, và nói lên nhiều thứ về tương quan cạnh tranh tại Trung - Nam Á.

Taliban thảo luận tương lai của đất nước với lực lượng an ninh Afghanistan Taliban thảo luận tương lai của đất nước với lực lượng an ninh Afghanistan

VTV.vn - Ngày 19/8, theo một quan chức Taliban, các lãnh đạo của lực lượng này đã bắt đầu thảo luận với những thành viên của lực lượng an ninh Afghanistan về tương lai đất nước.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

Afghanistan

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước