Một cảnh quay trên không được chụp từ trực thăng cho thấy dân làng tìm kiếm người mất tích dọc theo đường ray xe lửa của một đoàn tàu đông đúc bị sóng cuốn khỏi đường ray tại Telwatte, cách Colombo, Sri Lanka khoảng 100 km về phía nam, ngày 29/2/2004. (Ảnh: AP)
Ngày 26/12/2004, một trận động đất mạnh 9,1 độ richter xảy ra ngoài khơi bờ biển phía tây đảo Sumatra đã gây ra trận sóng thần kinh hoàng, tàn phá các cộng đồng ven biển châu Á trải dài hơn hàng nghìn km. Khoảng 230.000 người đã thiệt mạng khi sóng thần san phẳng nhiều ngôi làng hẻo lánh, cảng biển và khu du lịch tại Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ và Sri Lanka, cùng nhiều quốc gia khác.
Những con sóng cao tới 30 m đã lan rộng khắp Ấn Độ Dương với tốc độ đáng kinh ngạc. Không có cảnh báo sóng thần nào được đưa ra, khiến thời gian sơ tán trở nên hạn chế, mặc dù có khoảng cách kéo dài hàng giờ giữa các đợt sóng.
Cả một vùng rộng lớn ven biển của tỉnh Aceh (Indonesia) gần như bị san phẳng, cuốn trôi, cùng hơn 120 ngàn ngôi nhà, các công trình xây dựng, hàng nghìn km đường giao thông… chỉ còn là những đống đổ nát. Thảm họa thiên nhiên này được biết đến là một trong những thảm họa tàn khốc nhất trong lịch sử.
Bà Rani Amma, 50 tuổi, đau buồn vì gia đình bà đã thiệt mạng trong trận sóng thần. Amma đã mất bảy thành viên trong gia đình, bao gồm bốn người cháu gái, một người con trai, một người con gái và một người con rể. (Ảnh: AP)
Người dân Thái Lan đi bộ bên ngoài một ngôi chùa Phật giáo nơi có hơn 1.000 thi thể được tập hợp, gần Takuapa, Thái Lan, ngày 30/12/2004. (Ảnh: AP)
Bé Karl Nilsson ở Lulo, Thụy Điển cầm tấm biển với dòng chữ cha mẹ và anh em đã mất tích, vào ngày 28/12/2004. Cha mẹ của cậu bé đã bị cuốn ra biển vào ngày 26/12/2004, khi sóng thần tấn công khách sạn nơi họ đang lưu trú ở phía bắc Phuket, Thái Lan. (Ảnh: AP)
Tại Sri Lanka, người dân địa phương tìm kiếm thi thể trong những toa tàu bị trật bánh, đồng thời đốt lửa để hỏa táng những người đã khuất. Còn tại Aceh, Indonesia - khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất gần tâm chấn, người dân lục tìm người sống sót và thức ăn giữa đống đổ nát.
Ngày nay, nhiều cộng đồng ven biển đã được tái thiết, và các hệ thống cảnh báo sớm mới đã được lắp đặt để giúp người dân kịp thời tìm nơi trú ẩn. Tuy nhiên, tổn thất thực sự của thảm họa này có lẽ sẽ không bao giờ được biết chính xác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!