Giá vàng chao đảo vì đại dịch COVID-19
Năm 2020 được coi là một năm đầy biến động của thị trường vàng thế giới. Thời điểm đầu năm, kim loại quý này được giao dịch ở mức khoảng 1.520 USD/ounce và bắt đầu có xu hướng gia tăng. Những yếu tố chính tác động lên thị trường trong giai đoạn này là những xung đột địa chính trị tại Trung Đông giữa Mỹ và Iran.
Tuy nhiên, ngay sau đó, sự tập trung của giới đầu tư đã đổ dồn vào một sự kiện sẽ gây tác động rộng khắp đến nền kinh tế toàn cầu: đại dịch COVID-19. Đến đầu tháng Ba, giá vàng đã lập đỉnh của 7 năm là 1.673,10 USD/ounce khi các quốc gia trên thế giới bắt đầu triển khai các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh. Thế nhưng khi sự hoảng loạn lan rộng trên các thị trường dẫn đến hoạt động bán tháo ồ ạt, vàng lại rơi xuống mức thấp của 6 tháng là 1.498,80 USD/ounce, trước khi phục hồi lại lên ngưỡng 1.600 USD/ounce vào cuối tháng.
Trong quý II, giá vàng tiếp tục duy trì đà tăng khá ổn định, chủ yếu do những lo ngại về rủi ro kết hợp với sự tăng trưởng kỷ lục của các quỹ ETF vàng. Dòng vốn đổ vào các quỹ ETF vàng trong quý này tăng 434,1 tấn, đưa tổng mức 6 tháng đầu năm lên hơn 733,9 tấn và đạt tổng trị giá kỷ lục 40 tỷ USD.
Giá vàng ghi nhận kết quả tốt trong năm 2020 và có thể tăng hơn nữa trong năm 2021 (Nguồn: Bloomberg)
Tuy nhiên, những diễn biến đáng chú ý nhất đã xảy ra trong quý III khi giá vàng xác lập kỷ lục mới 2.075 USD/ounce hồi đầu tháng Tám. Kéo theo đó là đà tăng mạnh của hàng loạt cổ phiếu liên quan đến vàng. Sự tăng cao của giá vàng diễn ra song song với sự đi xuống của đồng USD. Đồng bạc xanh vào thời điểm đó đã rơi xuống mức thấp của hai năm do áp lực lạm phát.
Với việc giá vàng đã tăng tới 32% chỉ trong 8 tháng đầu năm, nhiều nhà phân tích đã sớm tin tưởng rằng, giá kim loại quý này có thể tăng cao hơn, thậm chí áp sát mốc 3 nghìn USD/ounce vào cuối năm.
Tuy nhiên, ngay sau đó, giá vàng đã không thể duy trì mức cao kỷ lục vừa đạt được mà nhanh chóng trượt xuống dưới ngưỡng 1.950 USD/ounce. Việc đồng USD dần mạnh lên, đà tăng phi mã của thị trường chứng khoán và những kỳ vọng vào các biện pháp kích thích kinh tế mới tại Mỹ là những nguyên nhân chính gây áp lực lên giá vàng.
Trong những tháng sau đó, giá vàng tiếp tục ghi nhận những biến động mạnh, khi liên tục giảm trong tháng Mười xuống quanh mức 1.880 – 1.890 USD/ounce, rồi lại phục hồi nhẹ lên mức 1.949 USD/ounce trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 3/11. Thế nhưng đà tăng này không kéo dài. Việc hãng dược phẩm Pfizer hồi giữa tháng 11 thông báo vaccine ngừa COVID-19 của họ đạt nhiều tiến triển khả quan đã kéo giá vàng đi xuống, rồi rơi dưới ngưỡng 1.800 USD/ounce lần đầu tiên kể từ tháng Bảy trong phiên giao dịch ngày 30/11.
Trong tháng cuối cùng của năm 2020, sự chậm trễ trong việc thông qua gói kích thích kinh tế thứ hai tại Mỹ cùng tình hình dịch bệnh phức tạp đã góp phần đẩy giá vàng lên cao hơn. Tuy nhiên, giá vàng hiện vẫn đang chật vật trong việc tìm đường trở lại mốc 1.900 USD/ounce.
Cơ hội nào cho giá vàng trong năm 2020?
Với những biến động như vậy, sẽ là không dễ dàng để trả lời câu hỏi: liệu giá vàng sẽ diễn biến ra sao trong năm mới 2021.
Phần lớn các chuyên gia phân tích đều cho rằng diễn biến của thị trường vàng sẽ phụ thuộc nhiều vào hiệu quả của việc ngăn chặn đại dịch COVID-19. Những kỳ vọng lạc quan vào sự phân phối vaccine tại nhiều nước, hiện đang bị phủ bóng mờ bởi những lo ngại về biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19.
Diễn biến giá vàng trong năm 2021 sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng kiểm soát dịch bệnh (Nguồn: CNBC)
Trong trường hợp đại dịch được khống chế thành công, các loại vaccine ngừa COVID-19 chứng minh được hiệu quả và sớm được phân phối tới đông đảo người dân, các nhà đầu tư sẽ ưa chuộng các tài sản rủi ro hơn, qua đó tạo áp lực đi xuống đối với giá vàng. Ở chiều ngược lại, nếu cuộc khủng hoảng COVID-19 diễn biến phức tạp hơn, giới đầu tư sẽ đổ xô đến các tài sản trú ẩn an toàn, khiến giá kim loại quý này tiếp tục gia tăng.
Bên cạnh đó, việc chính phủ các nước tiếp tục tung ra các gói kích thính kinh tế quy mô lớn sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát, thúc đẩy giới đầu tư có xu hướng chuyển từ nắm giữ đồng USD sang vàng như một "hàng rào" chống lại lạm phát và mất giá tiền tệ. Gói kích thích kinh tế bổ sung gần 900 tỷ USD mà chính quyền Tổng thống Donald Trump vừa chính thức phê chuẩn, dự kiến cũng sẽ tăng thêm tính thanh khoản hiện có của đồng bạc xanh, làm suy yếu đồng tiền này và đẩy giá vàng đi lên.
Công ty tư vấn Capital Economics nhận định nếu hoạt động kinh tế toàn cầu có thể phục hồi nhanh chóng nhờ vaccine, các quỹ ETF vàng có thể chứng kiến các đợt bán tháo.
Tuy nhiên, công ty này vẫn cho rằng vàng có thể duy trì mức giá cao trong năm tới, khi lợi suất thực tế thấp của trái phiếu Chính phủ Mỹ sẽ hỗ trợ nhu cầu về vàng và bù đắp phần lớn sự suy yếu do xu hướng chuyển sang các kênh rủi ro của nhà đầu tư. Capital Economics dự báo giá vàng sẽ ổn định quanh mức 1.900 USD/ounce cho đến cuối năm 2021.
Còn trong báo cáo mới nhất về thị trường vàng, ngân hàng HSBC dự báo giá kim loại quý này sẽ trung bình quanh mức 1.965 USD/ounce vào năm 2021. Ngân hàng này đánh giá vàng có thể nhận được nhiều hỗ trợ vào nửa đầu năm tới, rồi hạn chế dần trong nửa sau. Vào từng thời điểm, thị trường vàng có thể sẽ duy trì ở mức khoảng 2.000 USD/ounce trong một thời gian, rồi lại xuống dưới ngưỡng 1.900 USD/ounce trong phần còn lại.
Lạc quan hơn cả là các nhà phân tích tại ngân hàng Goldman Sachs và ANZ khi vẫn giữ nguyên triển vọng tăng giá của vàng cho năm tới, đặt mục tiêu giá kim loại quý này ở mức 2.300 USD/ounce.
Goldman Sachs nhận định chu kỳ tăng giá của vàng vẫn chưa kết thúc và sẽ tiếp tục trong năm tới, khi kỳ vọng lạm phát tăng cao hơn, đồng USD suy yếu và nhu cầu bán lẻ ở thị trường mới nổi tiếp tục phục hồi.
JPMorgan Chase lại lưu ý rằng, sự thăng hoa của các loại tài sản kỹ thuật số như Bitcoin có thể gây ra ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của vàng trong mắt giới đầu tư. Bitcoin đang có một năm 2020 thăng hoa khi được giới đầu tư chấp nhận rộng rãi hơn và hiện đã tăng lên mức kỷ lục 28.600 USD/BTC trong tháng cuối năm.
Theo các chuyên gia của JPMorgan Chase, kể từ tháng Mười đến nay, đã có hiện tượng dòng tiền chảy vào các quỹ đầu tư Bitcoin và rút khỏi vàng. Nếu xu hướng này tiếp tục kéo dài trong trung và dài hạn, giá vàng sẽ phải đối mặt với những ảnh hưởng bất lợi đáng kể.
Năm ảm đạm của vàng đen
Trong khi đó, dầu mỏ - loại tài nguyên được gọi là "vàng đen" lại vừa trải qua một năm rất ảm đạm với vô vàn yếu tố đan xen, chủ yếu là tác động tiêu cực.
Đại dịch COVID-19 và các biện pháp phong tỏa chống dịch đã khiến nền kinh tế toàn cầu bị đình trệ, làm sụt giảm nhu cầu đi lại, từ đó khiến nhu cầu tiêu thụ dầu lao dốc mạnh.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tiêu thụ dầu thô và các loại nhiên liệu lỏng của thế giới trong năm 2020 đã giảm xuống 92,4 triệu thùng/ngày, giảm 9% so với mức 101,2 triệu thùng/ngày trong năm 2019. Cuộc chiến giá dầu giữa các quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu là Nga và Arập Xêút càng khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn.
Giá dầu WTI từng rơi xuống mức âm trong tháng 4/2020 trước khi phục hồi giai đoạn cuối năm (Nguồn: S&P Global)
Hệ quả là hồi tháng 4/2020, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) có thời điểm đã giảm sâu xuống mức âm còn giá dầu Brent Biển Bắc giảm xuống dưới 20 USD/thùng. Những thay đổi này đã tạo ra những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng.
Nhiều công ty dầu khí lớn như BP (Anh), Rosneft (Nga)… phải tuyên bố cắt giảm nhân sự, tái cơ cấu các hoạt động. Tại Mỹ, hàng loạt giàn khoan dầu phải ngừng hoạt động.
Theo báo cáo của công ty luật Haynes & Boone, hơn 40 công ty dầu khí ở Mỹ đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản trong 11 tháng đầu năm nay với số nợ tích lũy lên tới hơn 24,7 tỷ USD, trong đó có những tên tuổi lớn như Chesapeake Energy hay Diamond Offshore.
Giá dầu sau đó đã dần hồi phục trong giai đoạn cuối năm nhờ những thông tin tích cực về việc triển khai tiêm chủng vaccine và việc liên minh OPEC+ quyết định kiềm chế nâng sản lượng dầu vào đầu năm 2021.
Giá vàng đen hiện đang chuẩn bị khép lại năm 2020 ở mức khoảng 51 USD/thùng – gần bằng mức giá trung bình của giai đoạn 2015 – 2017, một kết quả khó có thể khiến giới lãnh đạo ngành năng lượng cảm thấy an tâm. Theo CNBC, tính trong cả năm 2020, thị trường dầu thô toàn cầu đã mất gần 1/5 giá trị.
Triển vọng phục hồi hạn chế của giá dầu trong năm 2021
Theo các chuyên gia, mặc dù sự sụt giảm ngắn ngủi của giá dầu Mỹ, xuống dưới mức âm 40 USD/thùng, không có khả năng lặp lại vào năm 2021, song tình hình dịch bệnh phức tạp và việc chính phủ nhiều nước tiếp tục triển khai các biện pháp phong tỏa vẫn sẽ hạn chế đáng kể nhu cầu dầu trong năm tới, hoặc thậm chí trong thời gian dài hơn.
Triển vọng phục hồi của giá dầu trong năm 2021 hiện vẫn chưa rõ ràng (Nguồn: Reuters)
Các đánh giá của giới chuyên gia về triển vọng giá dầu trong năm 2021 hiện cũng rất khác nhau.
Bất chấp những thách thức hiện tại, Goldman Sachs vẫn lạc quan về giá dầu, với kỳ vọng giá dầu Brent đạt trung bình 65 USD/thùng vào năm tới. Ngân hàng đầu tư này cho rằng việc tiêm chủng đại trà và sự gia tăng sản lượng hạn chế từ OPEC+ là những yếu tố thúc đẩy giá.
Trong báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn tháng 12, EIA dự báo giá dầu Brent sẽ ở mức trung bình 49 USD/thùng trong năm 2021, tăng so với mức dự báo 43 USD/thùng trong quý IV/2020.
EIA nâng dự báo giá dầu trong năm tới dựa trên kỳ vọng rằng nhu cầu dầu của thế giới sẽ tăng trong khi các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác tiếp tục giảm sản lượng.
Trong khi đó, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings thậm chí còn cho rằng, giá dầu Brent sẽ giảm xuống 45 USD/thùng vào năm 2021. Theo Fitch Ratings, nhu cầu năng lượng vẫn sẽ thấp cho đến giai đoạn nửa cuối năm sau, bởi tiến độ tiêm vaccine phòng ngừa COVID-19 có thể sẽ không diễn ra nhanh chóng như mong đợi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!