Cả thế giới đang bước tới những ngày cuối cùng của năm 2021. COVID-19 vẫn là từ khóa chủ đạo của năm nay. Những điểm nóng dịch bệnh mới ở châu Á, các biến thể mới xuất hiện và cuốn đi thành quả chống dịch của nhiều quốc gia trên thế giới. Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn nhưng cho đến tận những ngày cuối năm này, nỗi bất an và lo lắng vẫn thường trực với hàng tỷ người dân.
Đông Nam Á thích ứng và mở cửa
Mỗi sáng, anh Adelwitch Tangsupmanee kéo xe hàng của mình tới trước cổng một rạp chiếu phim cũ ở khu phố người Hoa tại Bangkok và tiếp tục hành trình gần 50 năm bán món mì cuộn Guay jab của người cha quá cố.
Trong làn khói nước bay lên nghi ngút, anh Adulwitch cẩn thận đặt di ảnh của cha lên góc tủ kính của xe hàng. Cha anh là Chanchai, một trong số rất nhiều người qua đời vì đại dịch Covid-19 đồng thời cũng là đầu bếp hiếm hoi của một quán ăn đường phố ở Thái Lan được gắn sao Michelin trong suốt 3 năm liền.
"Tôi vẫn thường cùng cha chuẩn bị hàng quán trước đây nhưng hiện nay chỉ còn một mình tôi tiếp tục công việc này" - anh Adelwitch Tangsupmanee chia sẻ - "Quầy hàng này là điều mà bố tôi yêu nhất và tôi cũng yêu ông nhất nên dù thế nào đi chăng nữa tôi cũng sẽ tiếp tục công việc này".
Cuộc chiến chống COVID-19 đã để lại quá nhiều đau thương, hơn 270 nghìn người tại các nước Đông Nam Á đã tử vong trong năm nay. Ở Việt nam là khoảng 30 nghìn người. Dẫu có mất mát nhưng những người ở lại vẫn phải tiếp tục cuộc sống. Sau nhiều tháng đóng cửa vì đại dịch, các nước Đông Nam á dần mở cửa trở lại từ quý 3 năm nay.
Tỷ lệ tiêm vaccine cao hiện nay cộng với những kinh nghiệm đã có từ đợt dịch trước đã giúp chính phủ các nước nhanh chóng có các biện pháp chống dịch phù hợp (Ảnh: AP)
Cho đến tháng 12/2021, các đường biên giới bắt đầu được mở lại, từ đường không tới đường bộ, khách du lịch trở lại, người lao động trở lại công sở, học sinh trở lại trường.
Tất cả đều hy vọng những thành phố im lìm trong dịch bệnh sẽ sớm lấy lại sức sống năng động.
"Chúng tôi đến từ Frankfurt, Đức, đến Thái Lan để du lịch trong 3 tháng. Chúng tôi là một trong những hành khách đầu tiên tham gia chương trình hộp cát Bangkok, chỉ phải cách ly ở khách sạn một đêm" - ông Mohamed Tifrassi, du khách Đức tới Thái Lan, cho biết.
"Tôi nghĩ rằng tôi an toàn khi đến Việt Nam, bởi vì mọi người đã được tiêm chủng" - anh Tae Hyeong Lee, du khách Hàn Quốc tới Việt Nam, chia sẻ.
Cuộc sống thường nhật cũng đã trở lại, nhà hàng được mở bán tại chỗ. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, sự phục hồi mong manh sớm bị đe dọa do sự xuất hiện của biến thể Omicron. Tới nay biến thể này đã xuất hiện ở 6 nước ASEAN.
Khu vực Đông Nam Á từng là tâm dịch COVID-19 nhưng tỷ lệ tiêm vaccine cao hiện nay cộng với những kinh nghiệm đã có từ đợt dịch trước đã giúp chính phủ các nước nhanh chóng có các biện pháp chống dịch phù hợp.
Malaysia tạm dừng các kế hoạch lập hành lang du lịch dành cho người hoàn thành tiêm chủng với các nước ca nhiều ca nhiễm Omicron. Singapore siết chặt yêu cầu sàng lọc với hành khách nhập cảnh. Indonesia nâng gấp đôi số ngày cách ly bắt buộc từ 3 ngày lên 7 - 10 ngày. Thái Lan yêu cầu du khách phải ngủ ít nhất 1 đêm tại khách sạn cách ly để chờ kết quả xét nghiệm. Các quốc gia đang ở trong trạng thái chờ đợi. Quốc gia nào đã mở cửa biên giới vẫn sẽ duy trì mở cửa song tăng cường xét nghiệm sàng lọc, giúp bảo vệ thành quả chống dịch.
Vươn lên từ cơn sóng thần COVID-19
Còn một điểm nóng COVID-19 nữa mà thế giới không thể quên trong năm 2021 này là Ấn Độ. Chỉ trong khoảng 3 tháng, cơn sóng thần COVID-19 đã lấy đi hơn 300 nghìn sinh mạng, 27 triệu người nhiễm.
Không khí lớp học đã dần trở lại sau nhiều tháng tại Ấn Độ. Khẩu trang bất ly thân, tấm chắn được dựng lên ở mỗi bàn... Cũng chỉ một lượng học sinh nhất định được đến trường luân phiên với các nhóm học trực tuyến song song. Nó đánh dấu sự khôi phục của một trong những hoạt động sống thiết yếu cuối cùng còn bị đình trệ sau làn sóng dịch đại dịch thứ 2 tại Ấn Độ.
"Ở giai đoạn đầu, chúng ta có tâm lý rằng, đây sẽ là một cuộc đua nước rút để đánh bại virus. Nhưng giờ đây, chúng ta hiểu cuộc chiến với virus sẽ phải giống như một cuộc Marathon. Có nghĩa là cần biết duy trì sức lực cho mình nữa. Bởi vậy, bên cạnh những yêu cầu như khẩu trang, vaccine, tránh tụ tập, thì an sinh xã hội hay giáo dục cũng là hết sức thiết yếu" - Chuyên gia y tế Sonali Vaid cho biết.
Cơn sóng thần đại dịch đã cướp đi sinh mạng hàng trăm nghìn người, bỏ lại đằng sau nỗi đau để tiếp tục các hoạt động sống. Song ở một đất nước 1,4 tỷ dân, trạng thái bình thường mới của Ấn Độ được mô tả như cuộc sống giữa những cơn bão, con người giờ đây phải học cách thích nghi để tồn tại.
"Chúng tôi ý thức rõ, những làn sóng dịch mới rồi sẽ lại xuất hiện, sẽ không chừa Ấn Độ ra. Nhìn lại lịch sử, cúm Tây Ban Nha cũng đã kéo dài 4 năm, với những đợt dịch bùng lên rồi dịu xuống. Song cùng lúc, nếu cứ để virus ám ảnh đầu óc mình thì cũng sẽ không thể đánh bại được nó" - Tiến sĩ Shubnum Singh tại Viện Nghiên cứu Sức khỏe Max, New Delhi, Ấn Độ cho biết.
Tăng trưởng của Ấn Độ trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2022 dự kiến đạt 11%, trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Nhưng mục tiêu còn quan trọng hơn được Ấn Độ đặt ra là làm sao phải tận dụng tối đa những khoảng lặng giữa đại dịch để tăng cường năng lực cho hệ thống y tế.
"Khi đã có một biến thế xuất hiện, không có điều gì đảm bảo sẽ không có những biến thể khác rồi cũng sẽ hiện hữu. Chúng ta không có sự lựa chọn nào khác. Nhưng thích nghi với COVID-19 không thể chỉ đến từ ý chí. Với hệ thống y tế, thì đó phải là một hệ thống y tế đủ năng lực trong điều kiện dịch bệnh. Chỉ như vậy thì mới có thể khiến người dân tự tin được với chiến lược chuyển sang thích nghi với COVID-19" - ông Kapil Borawake tại Bệnh viện Borawake, Pune, Ấn Độ chia sẻ.
"Nước Mỹ trở lại" và thách thức của ông Joe Biden
Nước Mỹ đã trở lại. Nền ngoại giao đã trở lại. Ông Biden đưa nước Mỹ trở lại một số tổ chức quốc tế mà trước đó chính quyền ông Trump đã từ bỏ như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Hiệp ước Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-21), rồi hàn gắn mối quan hệ với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hay cải thiện quan hệ với các đồng minh, đối tác. Mục tiêu đối ngoại cốt lõi của chính quyền Biden là xác lập lại vị trí lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Washington đẩy mạnh các thoả thuận hợp tác song phương và đa phương, trong đó Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tiếp tục là ưu tiên số 1 của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: AP)
"Về dài hạn, chúng tôi nhận thấy tính cấp bách của việc đảm bảo hoà bình và ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bởi tương lai của mỗi nước chúng ta, và cả thế giới, phụ thuộc vào một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở, trường tồn và hưng thịnh trong những thập kỷ tới" - Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định.
Trong chính sách với khu vực Ấn độ Dương, Thái Bình Dương, cạnh tranh với Trung Quốc vẫn là điểm mấu chốt.
"Quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc sẽ cạnh tranh khi cần cạnh tranh, hợp tác khi có thể và sẽ đối đầu khi bắt buộc phải đối đầu" - Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cho biết.
Trong khi, căng thẳng với Nga vẫn chưa thể hạ nhiệt. Mỹ cũng đang tìm cách cải thiện quan hệ với các quốc gia châu Âu, rồi đẩy mạnh quan hệ với khu vực Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Nhật Bản. Chính quyền ông Biden tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề như Biển Đông. Tại Trung Đông, Mỹ đã thành công trong việc rút hết quân khỏi Afghanistan sau 20 năm sa lầy. Nước Mỹ ngày nay coi trọng hoà giải và hợp tác, thay vì đối đầu và xung đột.
ASEAN khẳng định vị thế trong thách thức
Bất chấp biến thể Delta bùng phát và tác động lớn đến khu vực, năm 2021, ASEAN vẫn duy trì vai trò trong thương mại toàn cầu, linh hoạt về kinh tế. Đại dịch đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại ASEAN. Tháng 9/2021, ASEAN đã thông qua Lộ trình xác định chương trình chuyển đổi số ASEAN cho hội nhập kinh tế ASEAN và hội nhập kinh tế số khu vực. ASEAN cũng là khu vực đầu tiên trên thế giới ký kết và thực thi hiệp định thương mại điện tử, chính thức có hiệu lực từ tháng 12 vừa qua.
Điểm sáng quan trọng khác là sau khi Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết, các nỗ lực phê chuẩn đã được đẩy nhanh. RCEP chính thức có hiệu lực từ đầu năm sau cũng phát đi tín hiệu tích cực cho kinh tế khu vực, bước ngoặt giúp ASEAN phục hồi hậu đại dịch. Những nỗ lực đó được kỳ vọng giúp triển vọng tăng trưởng của ASEAN cải thiện tích cực trong năm 2022.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!