Hệ thống giám sát bệnh tật quốc gia Australia thông báo trong tuần đầu tiên của năm 2025, nước này đã ghi nhận 1.055 ca mắc cúm. Tuy nhiên, số ca mắc cúm thường chỉ đạt đỉnh vào mùa đông, khi virus cúm có thể tồn tại lâu hơn bên ngoài cơ thể và người dân dành nhiều thời gian tụ tập trong không gian kín hơn.
Cũng theo các chuyên gia, “kỷ lục” về số ca mắc cúm trong năm 2024 tại Australia đang song hành với tỷ lệ tiêm chủng giảm. Năm 2024, tỷ lệ tiêm vaccine cúm cho người trên 65 tuổi là 60,5%. Với người từ 50 - 65 tuổi, tỷ lệ tiêm chủng giảm 2,5 điểm phần trăm so với năm 2020, xuống còn 32,7%.
Tỷ lệ tiêm chủng trong nhóm tuổi nhiều nhất (từ 15 - 50 tuổi) cũng giảm 3 điểm phần trăm, xuống còn 20,4% trong 4 năm qua. Tỷ lệ này là 14% với trẻ em từ 5 -1 5 tuổi trong năm 2024, giảm so với mức 27,4% vào năm 2020.
Tại Australia, vaccine cúm được tiêm miễn phí cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao, gồm trẻ em từ 6 tháng đến 1 tuổi, phụ nữ mang thai và người từ 65 tuổi trở lên. Nhiều chuyên gia y tế lo ngại người dân Australia có thể đang ngày càng thờ ơ với việc tiêm chủng cúm.
Dự đoán về một mùa cúm nghiêm trọng trong mùa đông năm 2025, ông Andrew Bartlett - giảng viên về thực hành dược tại Đại học Sydney - cho biết các yếu tố mùa đông, như nhiệt độ lạnh hơn và ít nắng hơn, có thể làm trầm trọng thêm sự lây lan của bệnh cúm, gia tăng hơn nữa những thách thức do tỷ lệ tiêm chủng giảm.
Ngoài ra, theo ông Bartlett, hệ thống miễn dịch ở người có thể yếu hơn trong mùa đông do lượng vitamin D thấp vì thiếu nắng. Một yếu tố quan trọng khác là vaccine từ năm trước có thể đang mất tác dụng, khiến người dân dễ bị tổn thương hơn.
Về virus HMPV - virus đường hô hấp gây ra các triệu chứng tương tự như cảm lạnh thông thường hoặc cúm, các chuyên gia Australia cho biết loại virus này không xa lạ với người dân của quốc gia châu Đại Dương này, vì vậy không nên hoảng loạn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!