Theo khảo sát của các chuyên gia nhãn khoa, trong 30 năm tới, một nửa dân số thế giới (khoảng 5 tỷ người) sẽ bị cận thị. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng ở các trường học của nhiều nước châu Á như Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Peggy (Đài Loan, Trung Quốc) bị cận rất nặng, nhưng mẹ em chỉ phát hiện em bị cận lúc em 12 tuổi, khi thành tích học tập của em sa sút. Em liên tục đứng cuối lớp. Lúc đó, Peggy gần như không nhìn thấy gì.
Những trường hợp đột nhiên bị mù ngày càng tăng ở Đài Loan. Khoảng 80% học sinh tại Đài Loan (Trung Quốc) sau khi học hết cấp 2 đều bị cận thị. Nguyên nhân chủ yếu là do áp lực rất lớn của việc đạt được thành tích trong học tập.
Tình trạng cận thị học đường không chỉ báo động ở Đài Loan. Khoảng 90% học sinh ở các nước Đông Á bị cận thị.
Các nước có thu nhập cao tại châu Á như Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng chính là những nước có áp lực học tập rất lớn. Học sinh mẫu giáo có khi cũng có bài tập về nhà. Thậm chí, giáo viên không giao bài, phụ huynh vẫn bắt con em học bài ở nhà.
Hậu quả, có tới 90% học sinh bị cận thị khi các em tốt nghiệp năm 18 tuổi. Một nửa học sinh ở các nước này đã phải đeo kính cận lúc tốt nghiệp tiểu học. Trong khi tỷ lệ này ở các trường tiểu học Anh là 10%.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Anh, cận thị gia tăng theo từng năm học. Một người bình thường nếu như kết thúc việc học năm 16 tuổi sẽ có thị lực 20/20. Nhưng trung bình, các sinh viên tốt nghiệp đại học đều phải đeo kính cận.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!