Đó là các khu vực Donetsk, Luhansk và 2 khu vực Kherson và một phần Zaporizhzhia, mới nằm trong tầm kiểm soát của Nga.
Do có một số lượng đáng kể người dân ở các khu vực này đã phải di tản do xung đột nên nhiều điểm bỏ phiếu đã được tổ chức bên ngoài khu vực, trong đó có các điểm bỏ phiếu tại Nga.
Tổng thống Nga Putin đã tuyên bố ủng hộ quyết định được đưa ra sau trưng cầu dân ý. Trong khi đó, Ukraine và các đồng minh phương Tây đã lên tiếng chỉ trích các cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập Nga là bất hợp pháp.
Theo hãng tin TASS, vì lý do an ninh, việc bỏ phiếu trực tiếp sẽ diễn ra vào duy nhất ngày 27/9. Từ ngày 23/9 tới thời điểm trên, người dân 4 tỉnh sẽ bỏ phiếu theo từng nhóm, hay gửi các lá phiếu theo đường bưu điện hoặc giới chức trách đến nhà thu phiếu.
Sẽ có gần 2.000 điểm bỏ phiếu tại khắp 4 tỉnh miền Đông Ukraine và một số tại Nga, nơi những người Ukraine tại miền Đông đang sơ tán. Tiếng Nga là ngôn ngữ duy nhất được viết trên phiếu bầu do chính quyền ly khai ở Donetsk và Luhansk phát hành. Trong khi đó, các lá phiếu của người dân Kherson và Zaporizhzhia được in bằng tiếng Nga và tiếng Ukraine.
Một nhân viên hành chính tại tỉnh Donetsk treo banner về cuộc trưng cầu ý dân. (Ảnh: Reuters)
Chính quyền ly khai ở 4 tỉnh miền Đông Ukraine đều cam kết sẽ tối đa hóa tính minh bạch và hợp pháp của các cuộc trưng cầu ý dân, quá trình bỏ phiếu sẽ "được các quan sát viên quốc tế giám sát".
Kịch liệt phản đối các cuộc trưng cầu ý dân của các chính quyền ly khai địa phương, Chính phủ Ukraine cho rằng, triển vọng ngoại giao cho cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ kết thúc nếu trưng cầu ý dân để sáp nhập vào Nga diễn ra.
Lãnh đạo các nước phương Tây gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, cũng như các cơ quan quốc tế như NATO, Liên minh châu Âu trong nhiều ngày qua đã lên tiếng phản đối các vùng miền Đông Ukraine trưng cầu ý dân, tuyên bố sẽ không công nhận kết quả hay bất kỳ động thái sáp nhập lãnh thổ nào.
Ngày 22/9, trong cuộc họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Tổng thư ký Antonio Guterres cũng đã lên tiếng quan ngại.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lên tiếng phản bác, cho rằng các quyền của người dân “ôn hòa”, “nói tiếng Nga” tại miền Đông Ukraine đã không được quốc tế bảo vệ, họ bị Chính phủ Ukraine “chà đạp” và tấn công mỗi ngày. Ngoại trưởng Nga cũng cáo buộc các nước phương Tây đang thúc đẩy leo thang cuộc xung đột mà không bị lên án.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!