525.000 "giấc mơ Mỹ" sẽ đi về đâu?

Nguyễn Hà (Theo Reuters, CNN, Bloomberg)-Thứ năm, ngày 25/06/2020 16:43 GMT+7

Mẫu đơn xin cấp visa H-1B cho lao động tay nghề cao vào Mỹ (Nguồn: CNN)

VTV.vn - Chính phủ Mỹ tiếp tục hạn chế cấp thẻ xanh và ngừng một số loại thị thực làm việc phổ biến đối với lao động nước ngoài đến hết năm nay.

Chính phủ Mỹ hôm 22/6 đã thông báo bổ sung thêm những hạn chế đối với việc cấp thẻ xanh (tức thẻ định cư dài hạn ở Mỹ) và ngừng cấp một số loại thị thực làm việc phổ biến cho lao động nước ngoài cho đến cuối năm 2020. Theo một số quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ, quyết định này sẽ loại khỏi nước Mỹ 525.000 người lao động nước ngoài trong năm nay. Quyết định có hiệu lực ngay từ ngày 24/6 khiến nhiều người nước ngoài chịu cảnh nhìn cánh cửa dẫn đến với "giấc mơ Mỹ" bất ngờ đóng sập lại ngay trước mặt họ.

Ai chịu ảnh hưởng?

Đầu tiên là những người xin hoặc sắp hết hạn visa H-1B. Đây là những người nước ngoài có trình độ cao muốn làm việc tại Mỹ. Rất nhiều người trong số này là các đối tượng lao động của các công ty công nghệ Mỹ.

Tiếp đến là các đối tượng xin hoặc sắp hết hạn visa H-2B dành cho lao động thời vụ.

Ngoài ra là các đối tượng nhắm vào visa J-1 (thực tập sinh, giáo viên, hướng dẫn viên các khóa cắm trại, thanh niên tham gia chương trình trao đổi văn hóa và những người đi làm thêm mùa hè) và visa L-1 (quản lý, chuyên viên).

Ấn Độ và Trung Quốc được cho là hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sắc lệnh này. Tuy nhiên, sắc lệnh này chỉ ngăn những người nước ngoài đang muốn vào Mỹ theo các diện visa trên. Người hết hạn các diện visa trên trong thời gian này cũng buộc phải rời Mỹ. Còn những người đang ở Mỹ vẫn còn hạn các diện visa này sẽ không bị ảnh hưởng.

525.000 giấc mơ Mỹ sẽ đi về đâu? - Ảnh 1.

Nhiều lao động mang hộ chiếu Ấn Độ sẽ không được cập bến nước Mỹ (Nguồn: India Times)

Ai được ngoại lệ?

Những người làm trong lĩnh vực điều trị bệnh nhân COVID-19 hoặc nghiên cứu hỗ trợ chống dịch, những người trong diện cần thiết cho an ninh quốc gia Mỹ, thiết yếu trong quá trình phục hồi kinh tế hoặc trong chuỗi cung ứng thực phẩm của Mỹ.

Những số phận bị đột ngột ly tán

Sắc lệnh mới của Tổng thống Trump được đánh giá là bất ngờ và quyết liệt, đặc biệt khi thời hạn thực thi bắt đầu có hiệu lực chỉ 2 ngày sau khi công bố. 

Câu chuyện của gia đình chị Poorva Dixit, người Ấn Độ, đại diện cho câu chuyện của nhiều người đã sống và làm việc nhiều năm ở Mỹ nhưng lại mắc kẹt ở Ấn Độ thời điểm Tổng thống Trump ra sắc lệnh mới.

Chị Dixit mắc kẹt tại Ấn Độ suốt 4 tháng qua, sau khi quyết định để lại chồng và hai con nhỏ ở Mỹ để quay về thăm người mẹ đang trong tình trạng nguy kịch. Điều đáng buồn là tình trạng này có thể kéo dài đến cuối năm nay do sắc lệnh nhập cư mới. Vợ chồng chị đang phải tìm cách xoay xở.

525.000 giấc mơ Mỹ sẽ đi về đâu? - Ảnh 2.

Gia đình chị Poorva Dixit khi còn đoàn tụ tại Mỹ (Nguồn: Reuters)

Chị Poorva Dixit chia sẻ: "Kể từ khi có sắc lệnh này, tôi rất rối trí. Tôi đang nói chuyện với các luật sư để quyết định hướng đi tiếp theo của mình. Tôi biết các con tôi đang phải chịu những áp lực lớn về tâm lý, khi chưa được gặp mẹ trong thời gian dài."

Còn chồng chị thì cho biết mình đã không còn quan tâm đến công việc mà sẵn sàng phá vỡ hợp đồng công việc, đóng gói đồ đạc và quay lại Ấn Độ để gia đình họ có thể ở bên nhau.

Nhiều doanh nghiệp Mỹ cũng trở thành "nạn nhân"

Chính sách mới của tổng thống Trump còn là một đòn giáng vào những người tuyển dụng lao động, các công ty và tập đoàn Mỹ vốn nhiều năm qua đạt được nhiều thành tựu nhờ sự đóng góp của những người dân nhập cư, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. Chỉ riêng năm 2019, hãng công nghệ khổng lồ Amazon có số lao động xin visa diện H1B được chấp thuận nhiều nhất - với hơn 3.000 trường hợp, trong khi Google có gần 2.700 trường hợp, còn Facebook có hơn 1.500 trường hợp. Các công ty công nghệ lớn này đều thừa nhận người dân nhập cư với nền tảng đa dạng mà họ mang lại đã đóng góp lớn, đưa Mỹ trở thành nước dẫn đầu thế giới về công nghệ.

525.000 giấc mơ Mỹ sẽ đi về đâu? - Ảnh 3.

Những công ty tên tuổi ở Mỹ được lợi nhờ lao động nước ngoài

Vì vậy, các doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là nhóm công nghệ vốn phụ thuộc vào lao động nhập cư trình độ cao như Google, Amazon, Facebook hay Tesla, đã ngay lập tức phản đối chính sách siết nhập cư mới. Họ cho rằng điều này cản trở quá trình phát triển và sáng tạo tại Mỹ. 

Tuy nhiên, những công ty này cũng đã có kế hoạch thích ứng với tình hình mới. Ví dụ: một số công ty từng bước thay thế dần lao động trình độ cao người nước ngoài bằng lao động người Mỹ. Ngoài ra, họ cũng tính tới việc cho nhân viên làm trực tuyến từ xa. Facebook cho phép nhân viên có thể làm việc ở nhà đến hết năm. Thậm chí có doanh nghiệp cho lao động công nghệ có thể được phép làm việc cả đời mà không cần đến văn phòng. Như thế dù đang ở Ấn Độ hay Việt Nam, người lao động vẫn có thể làm việc cho các công ty Mỹ.

Như vậy có thể thấy rõ rằng sẽ có một làn sóng người lao động nhập cư rời hoặc không đến được Mỹ. Và các công ty, tập đoàn Mỹ thì phải thay đổi chiến lược tuyển dụng và sử dụng nhân sự của mình. Nhưng đến giờ, vẫn còn nhiều băn khoăn như: Liệu lệnh hạn chế cấp visa mới sẽ giúp người Mỹ có thêm việc làm hay chỉ khiến sự phục hồi của kinh tế Mỹ trở nên khó khăn hơn khi thiếu nhiều nhân lực nước ngoài? Thời gian sẽ đưa ra câu trả lời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước