Đây là nội dung trong bức thư gửi Cộng hòa Czech, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU. Trong thư, Đại sứ của sáu nước gồm Đức, Hà Lan, Áo, Đan Mạch, Estonia và Luxembourg đã bày tỏ lo ngại, đồng thời nhấn mạnh “mức giá trần không thể bị hạ thấp hơn nữa hoặc bị thay thế”.
Sáu quốc gia trên hoài nghi về việc áp giá trần khí đốt của Nga do lo ngại việc này sẽ gây rối loạn thị trường năng lượng của châu Âu và khiến EU khó khăn hơn trong việc mua nhiên liệu nếu các nhà cung cấp khí đốt chuyển sang bán ở những nơi không bị áp giá trần.
Tháng 11, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất mức giá trần sẽ được áp dụng nếu giá khí đốt vượt quá 275 Euro mỗi megawatt giờ (MWh) trong 2 tuần đối với giá khí đốt hợp đồng tương lai tại trung tâm giao dịch Title Transfer Facility (TTF) ở Hà Lan.
Giá TTF, vốn là mức giá chuẩn của châu Âu, sẽ cần cao hơn 58 Euro so với giá tham chiếu cho khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong 10 ngày để kích hoạt việc áp giá trần.
Bỉ, Italy, Ba Lan và Hy Lạp nằm trong số những nước cho rằng một mức giá trần là cần thiết để bảo vệ nền kinh tế của mình khỏi trường hợp chi phí quá cao cho khí đốt và muốn một mức giá trần thấp hơn đề xuất của EC.
Hiện các nhà ngoại giao EU đang tiếp tục thảo luận nhằm nỗ lực tiến gần hơn một thỏa thuận.
Sáu quốc gia trên muốn mức giá đề xuất hiện nay sẽ được phê chuẩn tại cuộc họp của Bộ trưởng Năng lượng EU ngày 13/12 tới.
Trong khi đó, Bỉ, Italy, Ba Lan và Hy Lạp nằm trong số những quốc gia cho rằng việc áp giá trần là cần thiết để bảo vệ nền kinh tế khỏi hậu quả do chi phí khí đốt cao gây ra, nhưng thậm chí họ còn muốn mức giá trần thấp hơn mức mà EC đưa ra.
Trong một diễn biến khác, Hungary hiện cho rằng quyết định của EU về việc áp giá trần đối với dầu thô từ Nga là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu hụt nhiên liệu tại các trạm xăng dầu của quốc gia Trung Âu này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!