Các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Tài chính (IFS) cho biết, làm việc tại nhà cũng có thể là một yếu tố thúc đẩy người dân dùng nhiều đồ ăn hơn, khiến lượng calo tiêu thụ tăng lên.
IFS cho biết, tỷ lệ gia tăng lượng calo lên tới 15% so với mức tiêu thụ bình thường vào khoảng tháng 5/2020, thời điểm gần kết thúc đợt bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên tại Anh và nước này áp đặt lệnh đóng cửa. Tỷ lệ gia tăng lượng calo vào thời điểm cuối năm 2020 là khoảng 10%.
Nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu về hàng triệu lượt mua sắm thực phẩm và đồ uống không cồn từ các cửa hàng, nhà hàng và đồ ăn mang đi. Lượng calo từ các bữa ăn tại nhà hàng đã giảm xuống 0% trong đại dịch do các cửa hàng, nhà hàng, khách sạn buộc phải đóng cửa, trước khi phục hồi vào mùa hè và giảm trở lại vào mùa thu.
Tuy nhiên, lượng calo từ đồ ăn, thức uống mua mang đi lại tăng đáng kể, mức cao nhất là cao hơn gấp đôi so với thông thường trong lần đóng cửa thứ hai vào tháng 11/2020.
Lượng calo từ đồ ăn, thức uống mua tại siêu thị tăng chủ yếu do lượng nguyên liệu thô được mua nhiều hơn. (Ảnh: AP)
Các dịch vụ như Just Eat và Deliveroo đã thu hút nhiều người dùng hơn trong thời kỳ đại dịch. Khảo sát cho thấy, trước đại dịch, cứ 10 người thì có 6 người sử dụng các ứng dụng mua mang đi, so với tỷ lệ 7/10 người vào thời điểm hiện nay.
Theo IFS, lượng calo từ các siêu thị và cửa hàng nhỏ hơn cũng cao hơn 10% so với mức bình thường trong suốt thời gian diễn ra đại dịch. Tuy nhiên, nó không có nghĩa là tất cả lượng calo nạp thêm là calo "xấu".
Nghiên cứu cho thấy, người dân tăng lượng tiêu thụ calo từ các nguyên liệu thô hơn là từ những sản phẩm chế biến sẵn, bữa ăn sẵn và đồ ăn vặt, cho thấy họ đang tự nấu ăn nhiều hơn so với thời gian trước đó.
IFS cho biết, lời giải thích hợp lý nhất cho thực tế gia tăng calo nạp vào cơ thể là người dân tiêu thụ, sử dụng đồ ăn, thức uống nhiều hơn, thay vì tích trữ hoặc thay đổi thành phần. Theo nghiên cứu, lượng calo tăng ở mức nhỏ nhất đối với những người đã nghỉ hưu, trong khi con số này đạt mức cao nhất đối với những gia đình giàu có. Theo nghiên cứu, người dân ở thủ đô London và những hộ gia đình độc thân cũng ghi nhận mức tăng lớn hơn.
Dịch vụ mua mang đi, giao đồ ăn tại nhà phát triển mạnh trong đại dịch. (Ảnh: Sky News)
IFS cho biết, điều này có liên quan đến khả năng họ phải làm việc tại nhà nhiều hơn, cho thấy phương thức làm việc mới này là một yếu tố khiến người dân tiêu thụ nhiều đồ ăn, thức uống hơn.
Kate Smith, Phó Giám đốc IFS và là tác giả của nghiên cứu, cho biết: "Những thay đổi lớn về môi trường làm việc, thói quen ăn uống và giao tiếp xã hội của người dân trong năm qua đã khiến lượng calo hấp thụ tăng lên đáng kể. Lượng thức ăn tiêu thụ ở nhà tăng lên nhiều hơn, bù lại lượng calo giảm đi khi ăn ở ngoài. 90% hộ gia đình đã tăng lượng calo nạp vào cơ thể của họ, trong đó mức tăng lớn nhất là ở những hộ gia đình giàu có nhất".
Martin O'Connell, Phó Giám đốc nghiên cứu IFS, cho biết, điều quan trọng là phải theo dõi xem liệu tình trạng người dân dung nạp calo nhiều hơn có tiếp tục diễn ra sau đại dịch hay không.
Ông nói: "Những phát hiện của chúng tôi chỉ ra rằng, thực tế tăng cường làm việc tại nhà là một yếu tố thúc đẩy dung nạp lượng calo cao hơn. Điều này có thể làm trầm trọng thêm thách thức trong việc cải thiện chế độ ăn uống của người dân và giảm tình trạng béo phì".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!