"Âm mưu" loại Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng công nghệ

Thanh Hiệp-Thứ năm, ngày 25/02/2021 06:02 GMT+7

VTV.vn - Hợp tác với các đồng minh để xây dựng một chuỗi cung ứng công nghệ mới “không có Trung Quốc” đang là một mối quan tâm hàng đầu của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Một liên minh cung ứng "không Trung Quốc"

Báo Nikkei dẫn các nguồn tin cho hay, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ ký một sắc lệnh hành pháp trong tháng này nhằm đẩy nhanh nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng chip điện tử và các sản phẩm quan trọng chiến lược khác để ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc. Mỹ muốn thực hiện mục tiêu này thông qua việc hợp tác với Australia, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Hàn Quốc.

Âm mưu loại Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng công nghệ - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể sẽ ký sắc lệnh hành pháp nhằm xây dựng chuỗi cung ứng công nghệ ít phụ thuộc vào Trung Quốc (Nguồn: Reuters)

Sắc lệnh trên sẽ yêu cầu việc phát triển một chiến lược chuỗi cung ứng quốc gia và dự kiến sẽ kêu gọi những khuyến nghị về việc thành lập các mạng lưới cung ứng ít bị gián đoạn trước các yếu tố như thảm họa, hay lệnh trừng phạt từ những quốc gia không thân thiện. Theo các tài liệu mà Nikkei thu thập được, các biện pháp này sẽ tập trung vào những mặt hàng như chất bán dẫn, pin xe điện, kim loại đất hiếm và các sản phẩm y tế.

Dự thảo của sắc lệnh nêu rõ "việc hợp tác với các đồng minh có thể mang lại một chuỗi cung ứng mạnh mẽ và linh hoạt", qua đó nhấn mạnh rằng, các mối quan hệ quốc tế sẽ là trọng tâm trong kế hoạch này. Washington dự kiến sẽ theo đuổi quan hệ đối tác với Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Hàn Quốc trong lĩnh vực sản xuất chip và các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Australia, về đất hiếm.

Mỹ có kế hoạch chia sẻ thông tin với các đồng minh trên mạng lưới cung ứng các sản phẩm quan trọng và sẽ tìm cách thúc đẩy sản xuất bổ sung khi cần. Washington cũng sẽ xem xét một bộ khung giúp chia sẻ nhanh chóng các mặt hàng này trong trường hợp khẩn cấp, cũng như thảo luận về việc đảm bảo kho dự trữ và năng lực sản xuất dự phòng. Các đối tác có thể được yêu cầu hợp tác ít hơn với Trung Quốc.

Những lo ngại về sự phụ thuộc quá mức vào nguồn cung nước ngoài

Với Washington, việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc về các sản phẩm quan trọng có thể gây ra những rủi ro an ninh. Bắc Kinh đã sử dụng các quy định để gây áp lực lên các đối tác thương mại, chẳng hạn như áp đặt lệnh cấm vận xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản vào năm 2010 trong lúc 2 nước căng thẳng về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản quản lý và Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền. Do đó, Washington có lý do để lo ngại, bởi Mỹ hiện nhập khẩu khoảng 80% đất hiếm từ Trung Quốc và phụ thuộc vào Bắc Kinh tới 90% nguồn cung một số sản phẩm y tế.

Âm mưu loại Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng công nghệ - Ảnh 2.

Việc các sản phẩm quan trọng như chất bán dẫn phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung nước ngoài tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nền kinh tế Mỹ (Nguồn: Reuters)

Vấn đề này càng trở nên cấp thiết hơn, trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chất bán dẫn. Tình trạng thiếu hụt chip diễn ra từ cuối năm ngoái và vẫn kéo dài trong những tháng đầu năm nay đã ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến các nhà sản xuất ô tô toàn cầu, trong đó bao gồm cả các doanh nghiệp xứ cờ hoa. Hai hãng xe General Motors (GM) và Ford ước tính lợi nhuận hoạt động của họ sẽ tổn thất từ 1 tỷ đến 2,5 tỷ USD trong năm nay do thiếu chip. GM đã tạm dừng sản xuất ở ba nhà máy ở Mỹ, Canada và Mexico cho đến ít nhất là giữa tháng 3.

Theo dự báo của các chuyên gia tại Moody’s Analytics, tác động từ cơn khát chip của ngành công nghiệp ô tô hiện nay đối với nền kinh tế Mỹ có thể không quá lớn, khi chỉ khiến sản lượng kinh tế thiệt hại khoảng 15 tỷ USD, tức chưa đến 0,1% GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới, vốn được dự báo tăng trưởng 5,6% trong năm nay. Tuy nhiên, giới chức Mỹ đang ngày càng chú ý hơn đến vấn đề này, bởi việc thiếu chip bán dẫn không chỉ ảnh hưởng đến sản lượng ô tô mà còn cả các thiết bị điện tử khác.

Chính quyền Tổng thống Biden mới đây đã yêu cầu Đài Loan (Trung Quốc) - nơi hiện đóng góp tới 22% sản lượng chip toàn cầu, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, các nhà máy tại Đài Loan hiện đã hoạt động hết công suất và có rất ít khả năng gia tăng nguồn cung trong ngắn hạn. Điều này sẽ buộc Washington phải tính đến những phương án khác để tháo gỡ khó khăn.

Mỹ loay hoay với bài toán cải thiện năng lực cung ứng chất bán dẫn

Trong một báo cáo công bố mới đây mang tên "Đánh bại Trung Quốc", Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Tom Cotton đã chỉ ra rằng, năng lực sản xuất chip của Mỹ đã suy yếu trong nhiều thập kỷ qua. Các số liệu do Boston Consulting Group công bố cũng cho thấy, mặc dù vẫn chiếm tới 47% doanh số chip toàn cầu, đóng góp của Mỹ vào sản lượng chất bán dẫn của toàn thế giới đã giảm mạnh từ mức 37% vào năm 1990, xuống chỉ còn 12% vào năm 2020. Hàn Quốc hiện là quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất chất bán dẫn, chiếm 25% sản lượng chip tiên tiến, tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc) với 22%, Nhật Bản (16%) và Trung Quốc đại lục (14%).

Âm mưu loại Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng công nghệ - Ảnh 3.

Thượng nghị sĩ Tom Cotton kêu gọi chính phủ Mỹ triển khai các biện pháp cải thiện năng lực cung ứng chất bán dẫn (Nguồn: SCMP)

Ông Cotton cho biết, thông qua các khoản tài trợ liên bang và quan hệ đối tác công tư, Mỹ cần nâng cấp năng lực sản xuất chất bán dẫn của riêng mình để "xây dựng tính độc lập và khả năng phục hồi cao hơn trong chuỗi giá trị chất bán dẫn". Quan điểm này cũng nhận được sự ủng hộ từ các nhóm công nghiệp Mỹ và các tổ chức tư vấn, vốn đang kêu gọi chính quyền Tổng thống Biden cung cấp nguồn vốn lớn hơn nữa cho hoạt động nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn tại Mỹ.

Các nỗ lực này được cho là cần thiết trong bối cảnh Trung Quốc – đối thủ chính của Mỹ đang có sự đầu tư mạnh tay cho các kế hoạch phát triển ngành công nghiệp chất bán dẫn đầy tham vọng. Boston Consulting Group dự báo, các doanh nghiệp sản xuất chip Trung Quốc, với khoản trợ cấp ước tính lên tới 100 tỷ USD của chính phủ, sẽ dẫn đầu thế giới, chiếm 24% sản lượng toàn cầu vào năm 2030.

Tuy nhiên, việc xây dựng các nhà máy chất bán dẫn hiện đại tại Mỹ cũng không hề đơn giản. Stacy Rasgon, giám đốc điều hành kiêm nhà phân tích chất bán dẫn tại Bernstein Research, cho biết việc xây dựng các nhà máy bán dẫn mới ở Mỹ sẽ yêu cầu số vốn đầu tư ngang tầm với sứ mệnh không gian Apollo. Ông nói: "Đây là những thiết bị phức tạp nhất mà nhân loại từng thiết kế và chế tạo".

Theo chuyên gia về chất bán dẫn tại công ty IDC Mario Morales, Hàn Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc) phải mất nhiều năm đầu tư với quy mô lớn để có được ngành sản xuất chip phát triển như hiện nay. Do vậy, mặc dù vẫn có lợi thế về mặt nghiên cứu và phát triển, sẽ phải mất một thời gian nhất định để Mỹ có thể bắt kịp các nước khác trong việc cung ứng chất bán dẫn.

Những triển vọng của một liên minh cung ứng mới

Trong bối cảnh đó, việc hợp tác với các đối tác để chia sẻ gánh nặng và nâng cao hiệu quả sản xuất được coi là một lựa chọn phù hợp hơn cả cho chính quyền Tổng thống Biden.

Theo Nikkei Asia, việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng có thể sẽ mất khá nhiều thời gian, đặc biệt là đối với chất bán dẫn. Lý do là bởi số lượng các nhà sản xuất chip hàng đầu trên thế giới là có hạn, và các công ty này hoàn toàn có thể lựa chọn giữa việc chấp nhận hoặc không tham gia vào mạng lưới của Mỹ. Do đó, kế hoạch của Washington sẽ cần tới sự hợp tác từ chính phủ các nước khác.

Một nguồn tin từ giới chức chính phủ Nhật Bản cho biết: "Hiện tại, Mỹ sẽ đánh giá một cách kỹ lưỡng chuỗi cung ứng của mình để phân loại mức độ phụ thuộc vào từng quốc gia đối với chất bán dẫn và đất hiếm. Sau đó, các biện pháp tương ứng đối với từng đồng minh sẽ được triển khai".

Washington đã bắt đầu đặt nền móng cho chiến lược này từ mùa thu năm ngoái, khi kêu gọi các nền kinh tế có thế mạnh về công nghệ hoặc tài nguyên có giá trị như Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Australia, tham gia vào việc giảm phụ thuộc đối với chuỗi cung ứng từ Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng với Bắc Kinh liên tục leo thang.

Chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) đã đáp lại lời kêu gọi này một cách đặc biệt nhanh chóng. Các quan chức cấp cao của Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc) đã ký một biên bản ghi nhớ vào tháng 11 để thúc đẩy hợp tác công nghệ trong bảy lĩnh vực, bao gồm chất bán dẫn và thiết bị không dây thế hệ thứ năm, cũng như "chuỗi cung ứng an toàn, bảo mật và đáng tin cậy".

Âm mưu loại Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng công nghệ - Ảnh 4.

Đài Loan (Trung Quốc) đã sẵn sàng hợp tác với Mỹ trong chuỗi cung ứng công nghệ mới (Nguồn: Nikkei Asia)

Taiwan Semiconductor Manufacturing Co., (TSMC) nhà máy đúc chip hàng đầu thế giới, đã đồng ý xây dựng một cơ sở chế tạo ở bang Arizona vào mùa xuân năm ngoái, nơi có khả năng trở thành biểu tượng của mối quan hệ hợp tác song phương này. Nhà sản xuất chip này sẽ đầu tư 12 tỷ USD vào nhà máy, nơi sẽ sản xuất chất bán dẫn cho quân đội và dự kiến ​​đưa vào hoạt động vào năm 2024. Chính phủ Mỹ đang cung cấp nhiều hỗ trợ cho dự án này.

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản kể từ năm ngoái cũng đã dẫn đầu nỗ lực thu hút TSMC vào nước này, để không chỉ thiết lập một mạng lưới cung ứng ba chiều vững chắc hơn mà còn đảm bảo cung cấp cho Nhật Bản nguồn chip tiên tiến trong tương lai. Tokyo đã dành ngân sách 200 tỷ yên (1,9 tỷ USD) để trải thảm đỏ cho xưởng đúc, nhằm hướng tới khả năng hợp tác giữa TSMC với các công ty Nhật Bản. Những tín hiệu tích cực đang dần xuất hiện. Theo thông tin báo Nikkei thu thập được trong tháng này, TSMC đang có kế hoạch xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển trị giá 20 tỷ yên tại Nhật Bản.

Bên cạnh chất bán dẫn, Mỹ cũng đang đẩy mạnh nỗ lực hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác. Trong lĩnh vực đất hiếm, Mỹ đang hợp tác với Australia để chống lại vị thế thống trị của Trung Quốc. Công ty khai thác đất hiếm Lynas của Australia đang xây dựng một cơ sở xử lý đất hiếm ở Texas với sự hỗ trợ tài chính từ Bộ Quốc phòng Mỹ.

Pin xe điện cũng là một lĩnh vực Mỹ cần phải hành động, trong bối cảnh các công ty Panasonic và LG Chem của Hàn Quốc đang dần đánh mất thị phần vào tay các đối thủ Trung Quốc.

Tuy nhiên, Nikkei Asia cũng cho biết, ở một số lĩnh vực mà Trung Quốc đang có lợi thế lớn như mạng 5G, việc xây dựng các chuỗi cung ứng mới có thể sẽ buộc các doanh nghiệp Mỹ và Nhật Bản phải trả cái giá khá đắt đỏ, khi mất đi quyền tiếp cận các nhà cung cấp thiết bị có mức giá rất cạnh tranh của Trung Quốc như Huawei Technologies.

Nguồn: Nikkei Asia, SCMP, Washington Post, New York Times

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước